Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Những tháng đầu thai kỳ là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thai nhi, do đó, mẹ bầu cần có sự điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt để thích nghi với sự thay đổi của cơ thể đồng thời giảm thiểu rủi ro gây nguy hiểm tới thai nhi. Trong đó, chế độ dinh dưỡng được xem là vấn đề các bà mẹ quan tâm hàng đầu.
1. Trái cây, rau củ quả
Chú ý rửa sạch các loại trái cây, rau củ quả; có thể ngâm nước muối loại trừ toàn bộ vi khuẩn gây hại trước khi sử dụng.
Tránh ăn các loại rau sống, chúng có khả năng cao là những mầm bệnh tiềm ẩn.
Tránh sử dụng các loại nước ép hoa quả tươi ở ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoa quả nếu không được rửa sạch có nguy cơ tồn tại các loại vi khuẩn gây hại tới sức khỏe của mẹ và thai nhi như E. coli và salmonella. Nên tự chế biến và thưởng thức nước ép tại nhà để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe.
Một số loại trái cây, rau củ quả nên kiêng trong 3 tháng đầu thai kỳ
Dứa
Dứa có chứa bromelain, là một enzyme có khả năng phá vỡ protein. Ngoài ra thành phần này còn có tác dụng làm mềm cổ tử cung, gây co thắt trong quá trình mang thai. Vì vậy, mẹ bầu được khuyến cáo không sử dụng dứa cũng như các sản phẩm từ giữa trong giai đoạn 3 tháng đầu mang thai, tránh nguy cơ sảy thai hay thai chết lưu.
Đu đủ xanh
Trong đu đủ xanh có chứa enzyme có khả năng gây co thắt tử cung dẫn đến sảy thai, vì vậy cần tránh tuyệt đối sử dụng đu đủ xanh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, đu đủ chín lại là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai, trong đó có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng cho mẹ và bé như folate, choline, beta- carotene, kali, vitamin A, B, C, chất xơ...
Chùm ngây
Chùm ngây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giúp cơ thể bổ sung các loại vitamin, sắt và kali. Tuy vậy, thành phần trong loại rau này có chứa alpha sitosterol – có cấu trúc tương tự như oestrogen, có khả năng gây nguy cơ sảy thai.
Rau củ muối chua
Rau củ muối chua thường được chế biến bằng cách trộn một số loại rau củ với muối, sau đó để lên men chua dưới tác động của một số vi sinh vật. Trong quá trình lên men, nhân tố nitrat trong vi sinh vật sẽ chuyển hóa thành nitrit, khiến cho hàm lượng nitrit tăng cao. Việc sử dụng thực phẩm có chứa nhiều nitrit có thể gây nguy hại tới mẹ bầu, vì vậy cần hạn chế ăn các loại rau củ muối chua khi mang thai 3 tháng đầu.
Trắc nghiệm: Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu như thế nào?
3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết. Làm bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
2. Hải sản
Tránh ăn các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao
Hải sản là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp protein và axit béo omega-3 tốt cho não và mắt, tuy nhiên trong 3 tháng đầu nên hạn chế sử dụng các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao, vì thủy ngân nếu đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển hệ thần kinh ở thai nhi.
Cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá ngừ, cá mập, cá thu, cá kình, cá kiếm. Thay vào đó, các bà bầu có thể lựa chọn tôm, cá hồi, cá cơm, cá rô phi, cá minh thái, những loại thực phẩm này đã được kiểm định chứa hàm lượng thủy ngân nhỏ, không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.
Tránh ăn hải sản tươi sống chưa được chế biến hay bị ô nhiễm
Không ăn các loại hải sản đông lạnh, hải sản tươi sống chưa được nấu chín như hàu sống, sò điệp, ngao, sashimi, sushi...
Tránh ăn các loại hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ hay sinh trưởng trong môi trường bị ô nhiễm.
Tránh ăn cua hay các sản phẩm từ cua
Cua là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đối với người bình thường. Tuy nhiên trong trường hợp mang thai trong 3 tháng đầu, người mẹ cần tránh ăn cua cũng như các sản phẩm từ cua vì chúng gây co thắt tử cung, xuất huyết trong, thậm chí dẫn đến lưu thai. Ngoài ra, trong cua có hàm lượng cholesterol cao, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người mẹ.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
3. Thịt và các sản phẩm từ thịt
Tránh tuyệt đối ăn các loại thịt sống hay tái trong quá trình mang thai, vì trong đó có thể chứa toxoplasma hoặc các loại vi khuẩn khác gây nguy hại tới sức khỏe và quá trình phát triển của thai nhi.
Tránh sử dụng các loại thịt nguội hay xúc xích đóng gói, thực phẩm đông lạnh khi mang thai. Do vi khuẩn Listeria thường phát triển trong môi trường nhiệt độ thấp như tủ lạnh, gây nguy hại cho phụ nữ mang thai. Nếu muốn ăn, mẹ bầu cần làm chín thịt hay xúc xích và ăn ngay sau khi nấu chín.
4. Đồ uống
Tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa Caffeine
Hàm lượng caffeine quá cao trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, chất lượng giấc ngủ, gây ra tâm trạng hồi hộp và căng thẳng ở mẹ bầu. Ngoài ra, việc caffeine đi qua nhau thai ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi, gia tăng nguy cơ sảy thai.
Không sử dụng bia rượu và các loại đồ uống có cồn
Trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, người mẹ cần tránh sử dụng bia rượu và các loại đồ uống có cồn. Việc sử dụng chúng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thần kinh của thai nhi cũng như sự phát triển sau này của trẻ.
Trên đây là một số nhận định về các loại thực phẩm cần chú ý khi sử dụng trong 3 tháng đầu mang thai. Để có một cơ thể khỏe mạnh và thai nhi được phát triển đầy đủ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý về chế độ dinh dưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ, ngoài việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.
Bác sĩ Trương Nghĩa Bình có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa, có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa.
Mọi thông tin chi tiết về chương trình thai sản trọn gói 12 tuần và đăng ký khám, Quý Khách có thể liên hệ đến các phòng khám, bệnh viện thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.