Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoà - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 được biết đến là sản phẩm giúp cung cấp omega 3, khi cơ thể không nhận đủ dưỡng chất này từ thực phẩm tự nhiên. Sản phẩm này cũng góp phần tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư đang bị suy kiệt về sức khỏe.
1. Thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 là gì?
Shark Liver Oil Omega 3 được bào chế dưới dạng viên nang mềm, trong 1 viên nang có chứa nhiều thành phần omega 3 quan trọng như:
- DHA-EPA: 279 mg (22,5% DHA và 14,7% EPA)
- Dầu gan cá mập biển sâu (Squalene 99,6%): 50mg
- Tảo sắc tố Haematococcus (astaxanthin 5% - 150 mcg)
Thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, thực phẩm này cần được bác sĩ chỉ định về liều lượng cũng như quy định sử dụng.
2. Thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 có tác dụng gì?
Shark Liver Oil Omega-3 bổ sung 2 trong 3 loại Omega 3 quan trọng với cơ thể là DHA và EPA. Trong đó, DHA là hợp phần tạo nên mô não, da và mô võng mạc. Do đó, thành phần DHA này hỗ trợ phát triển và duy trì chức năng não và các tổ chức thần kinh. Mặt khác, EPA khi đi vào cơ thể sẽ được chuyển thành prostaglandin có tác dụng ngăn hình thành cục máu đông, giúp cải thiện tuần hoàn. Ngoài ra, sản phẩm cũng có chứa chất Squalene là thành phần quan trọng của quá trình tổng hợp các hormon steroid của cơ thể, các chất béo không bão hòa ở bề mặt da. Đặc biệt với việc bổ sung thành phần Asthaxanthin, đây là một chất chống oxi hóa rất mạnh có nguồn gốc từ loại tảo chất lượng nhất ở vùng biển sạch Nhật Bản, Haematococuccus Puvialis. Sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến mất cân bằng oxi hóa hoặc gốc tự do như bệnh ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch xơ vữa, hỗ trợ tăng cường miễn dịch, giảm viêm... [1], [2], [3]. Một số nghiên cứu trên mô hình ở phòng thí nghiệm đã cho thấy Asthaxanthin có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u ở chuột nhắt, cũng như ức chế quá trình oxi hóa Cholesterol làm giảm Cholesterol xấu trong máu, làm giảm đường huyết[1]. Một số nghiên cứu nhỏ trên người tình nguyện khỏe mạnh cũng cho thấy Asthaxanthin làm giảm đáng kể tình trạng mất cân bằng oxi hóa, tình trạng lipid máu cao, đường huyết cao và tình trạng sưng viêm[3].
3. Đối tượng nào nên sử dụng thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3
Theo các bác sĩ, thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có cholesterol máu cao
- Bệnh lý tim mạch xơ vữa, tiểu đường
- Các bệnh tổn thương thần kinh thị giác.
- Hỗ trợ tăng cường miễn dịch ở các bệnh nhân ung thư.
Thành phần omega 3 đặc biệt có lợi cho bệnh nhân mắc các bệnh về tim, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể người bệnh bị tế bào ung thư tấn công.
4. Lưu ý khi sử dụng thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3
Một số khuyến cáo dưới đây từ chuyên gia sẽ giúp bạn sử dụng thực phẩm Shark Liver Oil Omega -3 tốt nhất:
- Liều khuyến cáo cho trẻ em từ 10 tuổi và người lớn là 3 viên/ngày cùng với các bữa chính trong ngày.
- Việc duy trì Omega với lượng khoảng 1,0g mỗi ngày trong thời gian từ 1-3 tháng sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
- Không sử dụng sản phẩm cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Shark Liver Oil Omega-3.
- Với phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 10 tuổi chỉ sử dụng Shark Liver Oil Omega-3 sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ trong trường hợp bạn đang sử dụng các thuốc điều trị hoặc các loại thực phẩm chức năng khác.
Việc sử dụng loại thực phẩm hay thuốc nào cũng có thể dẫn đến tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Do đó, khi có nhu cầu sử dụng thuốc hoặc thực phẩm bất kì, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Higuera-Ciapara I., Félix-Valenzuela L., et al. (2006), "Astaxanthin: A Review of its Chemistry and Applications", Critical reviews in food science and nutrition, 46, pp. 185-96.
- Ambati R. R., Phang S. M., et al. (2014), "Astaxanthin: sources, extraction, stability, biological activities and its commercial applications--a review", Mar Drugs, 12(1), pp. 128-52.
- Fassett R. G., Coombes J. S. (2011), "Astaxanthin: a potential therapeutic agent in cardiovascular disease", Mar Drugs, 9(3), pp. 447-65.