Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Nha Trang.
Thừa cân, béo phì đang ngày càng gia tăng không chỉ ở trẻ em trong lứa tuổi học đường mà ngay cả ở những trẻ nhỏ tuổi hơn. Tác hại của thừa cân, béo phì đối với trẻ đã được biết đến rõ ràng, và ở trẻ nhỏ thì đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.
Thừa cân không chỉ tác động xấu tới tình trạng sức khỏe hiện tại của những đứa trẻ tiền học đường mà còn cả trong tương lai. Những đứa trẻ thừa cân khi lớn lên sẽ có nguy cơ cao trở thành người trưởng thành thừa cân, và phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt, và để xác định thừa cân ở trẻ nhỏ đôi khi không dễ, bởi bề ngoài của chúng có thể trông hoàn toàn bình thường, nhưng khi tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) theo tiêu chuẩn áp dụng ở trẻ lại là thừa cân.
1. Trẻ trở nên thừa cân như thế nào?
Tương tự như ở người trưởng thành, trẻ trở nên thừa cân khi chúng hấp thu lượng năng lượng qua đồ ăn và thức uống nhiều hơn so với lượng năng lượng tiêu hao qua các hoạt động. Tuy nhiên điểm cần lưu ý là cơ thể trẻ đang trong quá trình phát triển, và điều này đồng nghĩa trẻ cần nhiều năng lượng hơn cho sự phát triển, nhưng là năng lượng từ những thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng, không phải từ những thức ăn giàu đường và chất béo.
Đa số trẻ bị thừa cân sẽ không cần thực hiện chế độ ăn đặc biệt, thậm chí có thể còn không cần phải giảm cân, thay vào đó trẻ có thể giữ nguyên mức cân nặng trong quá trình trẻ tiếp tục lớn lên, từ đó mức cân nặng của trẻ sẽ dần hạ xuống tiệm cận với mức cân nặng hợp lý theo độ tuổi. Điều quan trọng nhất đối với những đứa trẻ có chỉ số khối cơ thể ở mức thừa cân chính là thay đổi hành vi ăn uống và duy trì thực hành tập luyện thể dục thể thao.
2. Thức ăn tốt cho trẻ nhỏ
Khi trẻ bắt đầu ăn các thức ăn như người trưởng thành, việc tính toán năng lượng không phải là vấn đề cần thiết. Thay vào đó hãy thiết lập cho bé chế độ ăn cân bằng, lành mạnh để trẻ có thói quen duy trì chế độ ăn như vậy trong suốt quãng đời của mình.
Cách để hướng trẻ thực hiện chế độ ăn cân bằng, lành mạnh chính là làm gương cho trẻ. Hãy thiết lập những thói quen, nguyên tắc nhất định cho các bữa ăn, từ đó toàn bộ thành viên gia đình có thể thưởng thức bữa ăn cùng nhau thay vì để cho trẻ ăn vặt thoải mái bất kỳ lúc nào trẻ cảm thấy muốn. Hãy nấu thức ăn chung cho cả gia đình, dù có thể không phải tất cả mọi người đều luôn luôn ăn cùng một lúc. Trong bữa ăn tuyệt đối không mở vô tuyến để tránh xao lãng đối với bữa ăn, gây nên hiện tượng ăn quá mức cần thiết.
Nếu trẻ bị thừa cân, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề ăn uống trong gia đình. Hãy thử tự hỏi về những vấn đề như mọi người trong gia đình có ăn cùng nhau hay không, trẻ có thường xuyên ăn các loại thức ăn vặt không, trong các bữa ăn có thường xuyên bật vô tuyến không, các loại thức ăn do gia đình tự chuẩn bị hay là mua bên ngoài,...
3. Làm thế nào để trẻ trở nên năng động hơn?
Các hoạt động thể chất giúp trẻ đốt cháy số năng lượng mà trẻ đã hấp thu từ trước. Bên cạnh đó hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển cơ xương ở trẻ, và hơn thế nữa, nó là phần không thể thiếu tạo nên thời thơ ấu của mỗi người.
Đối với những trẻ đã biết đi, mỗi ngày trẻ nên được để hoạt động thể chất với khoảng thời gian tối thiểu là 3 giờ (rải rác trong ngày), bất kể là trong nhà hay ở ngoài trời. Ngoại trừ thời gian ngủ, trẻ dưới 5 tuổi nên tránh tình trạng không hoạt động trong thời gian dài. Xem vô tuyến nhiều giờ liên tục hoặc bị bắt ngồi trong xe đẩy quá lâu ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
4. Những nguyên tắc ăn uống lành mạnh cho trẻ nhỏ
- Các bữa ăn dựa trên thành phần chủ yếu là carbohydrate tinh bột, chẳng hạn như cơm, khoai tây, hay pasta,...;
- Mỗi ngày cần ăn 5 khẩu phần rau xanh và trái cây;
- Sử dụng protein nạc, chẳng hạn như thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu hạt và đậu lăng;
- Hạn chế các loại chất béo bão hòa (có nhiều trong các loại thịt chế biến, các loại bánh ngọt, bánh quy,...);
- Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, chẳng hạn như bánh quy, bánh ngọt, kẹo ngọt,...;
- Loại bỏ các loại đồ uống chứa nhiều đường như nước trái cây có đường và đồ uống có ga. Nếu cho trẻ uống nước ép trái cây không đường, hãy nhớ pha loãng trước với nước.
- Hạn chế sử dụng muối trong cả quá trình chế biến lẫn trên bàn ăn. Hiện nay đa số trẻ từ 4 tuổi trở lên đang tiêu thụ quá nhiều muối. Các sản phẩm thịt chế biến sẵn, hoặc các bữa ăn sẵn cũng thường chứa hàm lượng muối cao, do đó nếu có ý định sử dụng cho trẻ hãy nhớ kiểm tra kĩ nhãn sản phẩm.
5. Đồ ăn vặt lành mạnh cho trẻ dưới 5 tuổi
Nếu giữa các bữa ăn mà trẻ quá đói, hãy cho trẻ sử dụng các đồ ăn vặt lành mạnh, chẳng hạn như trái cây tươi hoặc một ly sữa, tránh các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh quy, chocolate và bánh ngọt.
Canxi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, do đó hãy đảm bảo rằng mỗi ngày trẻ tiêu thụ 3 khẩu phần thức ăn giàu canxi. Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, do đó một ví dụ cho 3 khẩu phần ăn này có thể bao gồm một ly sữa tươi, một miếng pho mát kích cỡ bằng hộp diêm, và một phần sữa chua.
Từ khi trẻ được 2 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng sữa tách béo một phần (semi - skimmed milk), còn sữa tách béo hoàn toàn (fully skimmed milk) sẽ không thích hợp trẻ dưới 5 tuổi.
6. Xử lý tình huống trẻ từ chối những thức ăn nhất định
Nếu trẻ từ chối ăn những thức ăn nhất định sẽ gây khó khăn cho việc tạo dựng một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh. Nếu tình huống này xuất hiện, hãy kiên nhẫn từng bước một.
- Đầu tiên hãy nghĩ về thói quen ăn uống của cả gia đình, bởi rất có thể trẻ đã bắt chước mọi người. Nếu gia đình không có thói quen ăn rau xanh thì trẻ sẽ có xu hướng không thích ăn rau.
- Hãy biến chế độ ăn mong muốn hướng tới cho trẻ thành chế độ ăn bình thường cho cả gia đình.
- Dần dần giới thiệu cho trẻ nhiều loại thức ăn mới, đa dạng hóa các loại trái cây và rau xanh.
Khi bé có những dấu hiệu của thừa cân, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời. Bạn nên cho bé kiểm tra sức khỏe tổng quát thường xuyên để kiểm soát được tình trạng sức khỏe bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: nhs.uk, webmd.com
Video đề xuất:
Phương pháp điều trị béo phì