Thóp lõm ở trẻ sơ sinh cảnh báo điều gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Phần lớn, tình trạng thóp lõm ở trẻ sơ sinh hoặc phập phồng như sóng lượn rồi trở về trạng thái ban đầu được coi là bình thường. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do lưu lượng máu chảy qua khu vực này. Tuy nhiên, thóp đầu lõm ở trẻ cũng có thể cảnh báo một vài triệu chứng nguy hiểm ở bé như thiếu nước, suy dinh dưỡng,...

1. Thóp ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, 2 điểm mềm trên đầu gọi là thóp. Thóp thường có thể khác nhau một chút về kích thước. Thóp sau thường nhỏ hơn khoảng 0.6cm và có hình tam giác. Thóp trước lớn hơn, có kích cỡ khoảng 2.5cm, nằm ở trên đỉnh đầu và có hình kim cương hoặc hình cánh diều. Nếu kích thước thóp nhỏ hoặc lớn hơn kích thước trung bình thì bé cần phải được khám và kiểm tra ngay.

Thóp có vai trò giúp cho bé dễ dàng chào đời hơn. Cụ thể, khi chào đời, xương đầu của bé mềm và được kết nối bởi các mô. Khi bé chui ra từ ngã âm đạo mẹ, thóp cho phép hộp sọ của bé linh hoạt, ép sát với nhau giúp cho bé dễ dàng chui ra ngoài. Ngoài ra, thóp còn có vai trò tạo không gian cho não bé phát triển giống như người trưởng thành.

Thóp là điểm mềm nhưng lại được bảo vệ bởi một lớp màng rất dày đến khi các xương nối lại với nhau. Do vậy, những va chạm nhẹ như đội mũ, gội đầu... sẽ không gây ảnh hưởng đến thóp.

Thóp sẽ được kéo căng ra trong vòng 2-3 tháng đầu tiên và sau đó thóp bắt đầu liền lại. Vì thóp sau nhỏ nên sẽ liền trước thóp trước, thóp sau liền khi bé được 2-4 tháng tuổi; còn thóp trước sẽ liền khi bé được khoảng 18-24 tháng tuổi, nhưng cũng có trường hợp liền sớm hơn, khoảng 9-12 tháng tuổi. Cho đến khi liền, thóp của bé luôn có dạng bẹp, không lõm, không phồng ra.


Cấu trúc thóp trước và thóp sau ở trẻ sơ sinh
Cấu trúc thóp trước và thóp sau ở trẻ sơ sinh

2. Thóp lõm ở trẻ sơ sinh là do đâu?

Phần lớn, thóp lõm ở trẻ sơ sinh hoặc phập phồng như sóng lượn rồi trở về trạng thái như thường được coi là bình thường. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do lưu lượng máu chảy qua khu vực này. Tuy nhiên, thóp lõm ở trẻ cũng có thể cảnh báo một vài triệu chứng ở bé mà cha mẹ nên lưu ý, bởi thóp lõm có thể là dấu hiệu của:

  • Bé thiếu nước: Đây là nguyên nhân chính gây nên việc thóp lõm ở trẻ sơ sinh. Việc cơ thể thiếu nước khiến trẻ không có đủ chất lỏng để duy trì hoạt động bình thường. Đây là tình trạng nguy hiểm nên phụ huynh cần lưu ý để nhận biết dấu hiệu nhằm đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.
  • Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng có thể gây nên triệu chứng thóp đầu lõm ở trẻ. Triệu chứng này thường đi kèm dấu hiệu mất nước và khiến thóp lõm ở trẻ nguy hiểm hơn. Trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng thường có các dấu hiệu khác đi kèm như thiếu cân, tóc khô dễ rụng, mệt mỏi, thờ ơ và độ đàn hồi của da kém.
  • Viêm đại tràng nhiễm độc cấp tính: Trong một số ít trường hợp, viêm đại tràng nhiễm độc cấp tính khiến thóp lõm ở trẻ. Trường hợp này hiếm gặp nhưng lại đe dọa đến tính mạng của bé.
  • Kwashiorkor: Đây được gọi là hội chứng thiếu đa dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, nguyên nhân do bé thiếu protein. Nếu điều trị, trẻ mắc phải hội chứng này cũng không thể đạt được khả năng phát triển đầy đủ. Tuy nhiên điều trị quá muộn thì có thể sẽ khiến bé bị khuyết tật vĩnh viễn về thể chất và tinh thần. Hoặc bệnh không điều trị có thể dẫn đến hôn mê, sốc, thậm chí là tử vong.
  • Đái tháo nhạt: Bệnh đái tháo nhạt không phải là một dạng của đái tháo đường mà đây là một tình trạng hiếm gặp xảy ra khi thận của trẻ không thể giữ được nước, tạo ra hiện tượng thóp lõm ở trẻ sơ sinh. Tùy thuộc vào mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị khác nhau.

3. Chẩn đoán và điều trị thóp lõm ở trẻ sơ sinh?

Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán thóp lõm ở trẻ:

  • Đầu tiên là kiểm tra thể chất của bé: Việc kiểm tra thể chất của bé bao gồm quan sát và chạm vào khu vực thóp đầu lõm. Đánh giá độ đàn hồi làn da của bé, bởi nếu độ đàn hồi kém có thể là do tình trạng thiếu nước.
  • Hỏi về các triệu chứng của bé: Bác sĩ có thể sẽ hỏi về tình trạng thóp trẻ bị lõm xuất hiện khi nào để đánh giá được mức độ tình trạng của bé.
  • Xét nghiệm: Các xét nghiệm liên quan đến việc lấy mẫu máu hoặc nước tiểu thường được chỉ định khi trẻ có dấu hiệu thóp lõm. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ nhằm mục đích đo số lượng tế bào bạch cầu và tế bào hồng cầu cũng như các thành phần của chúng để phát hiện nhiễm trùng, thiếu máu do mất nước. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu nhằm mục đích kiểm tra tình trạng bất thường mà bé có thể gặp phải. Xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể chỉ định trong trường hợp thóp lõm ở trẻ là xét nghiệm chuyển hóa toàn diện, phương pháp xét nghiệm này nhằm đánh giá mức độ các hóa chất trong cơ thể phân hủy và cơ thể bé sử dụng thực phẩm khác nhau như thế nào.

Hình ảnh thóp lõm ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh thóp lõm ở trẻ sơ sinh

Sau khi đã chẩn đoán được nguyên nhân gây thóp lõm bất thường ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bé. Phương pháp điều trị thóp lõm ở trẻ sơ sinh sẽ dựa vào nguyên nhân. Các phương pháp điều trị cụ thể như sau:

  • Tăng cường hấp thu chất lỏng: Đây là phương pháp điều trị thóp lõm khi bé bị thiếu nước. Mẹ có thể thực hiện phương pháp này bằng cách cho bé bú thường xuyên và nhiều lần hơn.
  • Bổ sung chất điện giải: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng chất điện giải có công thức dành riêng cho trẻ sơ sinh trong điều trị thóp đầu lõm ở trẻ nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bé đang thiếu nước do hàm lượng đường và muối trong hỗn hợp điện giải thì không nên sử dụng phương pháp này vì nó sẽ gây mất nước thêm cho bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe