Thuốc Rybelsus được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là semaglutide. Thuốc được sử dụng cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 để làm giảm lượng đường trong máu.
1. Công dụng của thuốc Rybelsus
Thuốc Rybelsus có chứa thành phần chính là semaglutide và các tá dược khác. Rybelsus thuộc nhóm chất chủ vận thụ thể GLP-1. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng lượng insulin được giải phóng, đồng thời làm giảm bài tiết glucagon. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày sau khi ăn.
Chỉ định sử dụng thuốc Rybelsus:
- Làm giảm lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. Thuốc được chỉ định khi các loại thuốc điều trị tiểu đường khác không hiệu quả. Nên kết hợp sử dụng thuốc Rybelsus với 1 chế độ ăn kiêng và tập thể dục phù hợp.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Rybelsus:
- Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1;
- Người có tiền sử bản thân hoặc gia đình từng mắc ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết tuýp 2;
- Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với semaglutide hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Rybelsus
2.1 Cách dùng
Người bệnh nên uống thuốc Rybelsus khi bụng đói (sau khi thức dậy) với 1 ngụm nước (không quá 120ml nước). Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc, không được nghiền nát hoặc nhai viên thuốc. Sau khi uống thuốc 30 phút, người bệnh có thể ăn hoặc uống các loại thuốc khác.
Người bệnh nên sử dụng thuốc thường xuyên để thu được hiệu quả điều trị tốt nhất. Để ghi nhớ, bệnh nhân nên uống thuốc Rybelsus vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày.
2.2 Liều dùng
Thuốc Rybelsus thường được bắt đầu với liều thấp, tăng dần sau mỗi 28 - 30 ngày để giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Liều dùng tham khảo ở người lớn mắc tiểu đường tuýp 2 như sau:
- Liều ban đầu: 3mg/lần/ngày trong 30 ngày. Sau đó, tăng lên 7mg/lần/ngày. Nếu cần kiểm soát đường huyết bổ sung sau khi dùng liều 7mg/ngày trong ít nhất 30 ngày thì có thể tăng liều tới 14mg/lần/ngày;
- Liều duy trì: 7 - 14mg/lần/ngày;
- Liều tối đa: 14mg/lần/ngày (không nên dùng 2 viên 7mg để đạt được liều tối đa 14mg).
Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Rybelsus quá liều, bệnh nhân có thể bị buồn nôn, ói mửa hoặc lượng đường trong máu thấp. Người bệnh dùng thuốc quá liều cần liên hệ cấp cứu ngay.
Quên liều: Nếu bỏ lỡ 1 liều thuốc Rybelsus, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo như lịch trình bình thường. Người bệnh không nên dùng 2 liều cùng 1 lúc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Rybelsus
Khi sử dụng thuốc Rybelsus, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp:
- Lượng đường trong máu thấp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2;
- Ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, đau bụng, chướng bụng;
- Buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đau dạ dày;
- Táo bón, tiêu chảy;
- Triệu chứng cúm dạ dày;
- Nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt;
- Ít gặp:
- Thay đổi tầm nhìn;
- Thay đổi tâm trạng, có ý nghĩ tự làm tổn thương chính mình;
- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, cảm giác có thể bị bất tỉnh;
- Dấu hiệu có khối u tuyến giáp (sưng hoặc có khối u ở cổ, giọng khàn, khó nuốt, cảm thấy khó thở);
- Các triệu chứng của viêm tụy (đau dữ dội ở vùng trên dạ dày, lan ra lưng, buồn nôn, nhịp tim nhanh);
- Các vấn đề về túi mật (đau ở vùng trên dạ dày, sốt, vàng da hoặc vàng mắt, phân có màu đất sét);
- Lượng đường trong máu thấp (nhức đầu, suy nhược, đói, lú lẫn, đổ mồ hôi, chóng mặt, khó chịu, nhịp tim nhanh, cảm thấy bồn chồn);
- Các vấn đề về thận (phù, tiểu ít, khó thở, cảm thấy mệt mỏi);
- Triệu chứng cúm dạ dày (co thắt dạ dày, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy);
- Hiếm gặp: Phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa da, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh, sưng mặt/môi/lưỡi/cổ họng.
Người bệnh nên gọi cho bác sĩ ngay khi có những triệu chứng kể trên. Bác sĩ sẽ tư vấn về biện pháp can thiệp nhanh nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rybelsus
Trước và trong khi sử dụng thuốc Rybelsus, người bệnh cần lưu ý:
- Người bệnh không nên dùng thuốc Rybelsus nếu mắc bệnh đa u nội tiết tuýp 2, tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể tủy, bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, nhiễm toan ceton do tiểu đường;
- Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn (lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp);
- Người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu có biểu hiện của khối u tuyến giáp như sưng hoặc có khối u ở cổ, giọng khàn, khó nuốt, khó thở;
- Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Rybelsus, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị rối loạn dạ dày hoặc đường ruột, viêm tụy, bệnh thận, các vấn đề về mắt do bệnh tiểu đường (bệnh võng mạc tiểu đường);
- Hạn chế sử dụng rượu trong thời gian dùng thuốc Rybelsus vì có thể làm lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp;
- Người bệnh có thể khó kiểm soát được lượng đường trong máu khi cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng (như sốt, nhiễm trùng, chấn thương hoặc phẫu thuật). Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì có thể cần thay đổi kế hoạch điều trị, dùng thuốc, theo dõi lượng đường trong máu,...;
- Không sử dụng thuốc Rybelsus ở người dưới 18 tuổi;
- Nên ngưng sử dụng thuốc Rybelsus tối thiểu 2 tháng trước khi bạn có dự định mang thai. Nên hỏi bác sĩ về 1 loại thuốc an toàn hơn để sử dụng trong thời kỳ này. Mang thai có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Do đó, thai phụ nên xin ý kiến bác sĩ về kế hoạch kiểm soát lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Bác sĩ có thể chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị tiểu đường khác (như thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc - bao gồm cả insulin);
- Người bệnh không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc Rybelsus;
- Người bệnh có thể bị mờ mắt, chóng mặt hoặc buồn ngủ,... khi lượng đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Bệnh nhân không nên lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện bất kỳ công việc nào đòi hỏi sự tỉnh táo cho tới khi bạn có thể thực hiện những việc này một cách an toàn.
5. Tương tác thuốc Rybelsus
Thuốc Rybelsus có thể làm chậm quá trình tiêu hóa của cơ thể và người bệnh có thể mất thêm thời gian để hấp thu bất kỳ loại thuốc nào. Do đó, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào mình đang dùng, đặc biệt là insulin hoặc thuốc trị tiểu đường khác, tiêu biểu như dulaglutide, liraglutide, exenatide, Byetta, Trulicity, Victoza,...
Một số loại thuốc khác có thể tương tác với semaglutide (thành phần chính của thuốc Rybelsus) như thuốc kê đơn/không kê đơn, vitamin và thuốc có thành phần thảo dược,... Người bệnh nên báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng.
Một số loại thuốc chẹn beta như metoprolol, propranolol, thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp như timolol có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh, đánh trống ngực mà người bệnh thường cảm nhận được khi bị hạ đường huyết,... Các triệu chứng khác của tình trạng hạ đường huyết như đói, chóng mặt, đổ mồ hôi,... không bị ảnh hưởng bởi những loại thuốc này.
Nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng tới lượng đường trong máu, khiến người bệnh khó kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, trước khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ. Đồng thời, người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, báo kết quả cho bác sĩ, đặc biệt là khi có triệu chứng lượng đường trong máu tăng cao hoặc hạ thấp. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường, chế độ ăn uống hoặc chế độ tập luyện của bạn.
Khi sử dụng thuốc Rybelsus để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn, chỉ định chi tiết của bác sĩ. Điều này đảm bảo hiệu quả trị liệu cao nhất và hạn chế được nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.