Hormone testosterone một hormone sinh dục tạo ra các đặc tính sinh học hiện hữu ở phái mạnh như vóc dáng vạm vỡ, lông trên cơ thể, và chất giọng trầm. Vì thế, khi nồng độ testosterone suy giảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phái mạnh.
1. Nồng độ testosterone thấp là gì?
Nồng độ testosterone rất khó để có thể biểu thị bằng một con số. Việc testosterone sụt giảm xuống thấp hơn mức bình thường sẽ kéo theo việc xuất hiện các triệu chứng hoặc thay đổi tác động trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nam giới.
Nồng độ testosterone bình thường của nam giới giao động khoảng từ 270 đến 1070 nanogram mỗi decilit. Theo ý kiến của các bác sĩ, nồng độ testosterone được coi là thấp khi nằm trong ngưỡng từ 230 đến 300 nanogram trên một decilit.
Việc chẩn đoán tình trạng thiếu hụt nồng độ testosterone - hay chứng giảm năng tuyến sinh dục luôn cần phải đi kèm với các triệu chứng hiện hữu ở cơ thể.
2. Nguyên nhân khiến nồng độ testosterone thấp
Nồng độ testosterone thấp có thể xảy ra khi tinh hoàn không sản sinh ra đủ lượng testosterone, tình trạng này được gọi là chứng giảm năng tuyến sinh dục nguyên phát. Hoặc khi vùng dưới đồi (não bộ) và tuyến thùy não (tuyến yên) không sản xuất ra các loại hóc môn giúp kích thích tình hoàn tạo ra testosterone, được gọi là suy giảm năng tuyến sinh dục thứ phát.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ testosterone thấp:
- Tuổi tác
- Bệnh béo phì
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh ngưng thở khi ngủ
- Sử dụng chất kích thích
- Liệu pháp điều trị ung thư
- Căng thẳng
- Suy dinh dưỡng
- Suy tuyến thùy não (tuyến yên)
- Rối loạn tuyến giáp
- Các vấn đề về gen di truyền.
3. Nồng độ testosterone thấp được chẩn đoán như thế nào?
Việc chẩn đoán sẽ được bắt đầu với việc xem xét tiền sử bệnh và kiểm tra thể chất tình trạng của bệnh nhân như:
- Ham muốn tình dục yếu
- Rối loạn cương dương
- Sản sinh tinh trùng yếu
- Suy giảm tần suất xuất tinh
- Rụng lông nách, vùng kín và toàn thân.
Nếu một bệnh nhân nam xuất hiện các triệu chứng trên, việc xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để xác định nồng độ hormone trong máu.
Máu sẽ được lấy để xét nghiệm vào khoảng thời gian từ 7 đến 9 giờ sáng và ít nhất là 2 lần lấy mẫu. Cả 2 lần xét nghiệm máu trên sẽ phải cho thấy sự sụt giảm nồng độ testosterone để đem đến kết luận cho chẩn đoán.
Nếu lượng testosterone trong cơ thể bị suy giảm quá mức thì sẽ xảy ra tình trạng teo cơ và loãng xương, rất dễ dẫn đến khả năng gãy xương.
Suy giảm testosterone làm giảm chất lượng sống. Trong tình trạng nặng, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạnh ở nam giới. Nhưng mặt khác, nồng độ testosterone thấp lại giúp làm giảm thiểu khả năng mắc phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.
4. Điều trị tình trạng nồng độ testosterone thấp
Khi đã xác định rõ được nguyên nhân gây ra tình trạng nồng độ testosterone thấp. Việc điều trị sẽ tập trung vào tình trạng bệnh cơ bản, bao hàm các phương pháp như: Phẫu thuật, uống thuốc, hoặc những thay đổi trong lối sống.
4.1 Liệu pháp thay thế testosterone
Liệu pháp thay thế testosterone (TRT) thường là sự lựa chọn điều trị hàng đầu cho tình trạng nồng độ testosterone thấp, khi mà nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ vấn đề với sự sản xuất testosterone của tinh hoàn, tuyến yên hoặc não bộ.
4.2 Sử dụng Testosterone dạng viên
Thay thế cho liệu pháp testosterone, việc sử dụng thuốc như: Thuốc kháng estrogen và thuốc ức chế aromatase có thể giúp nâng nồng độ testosterone trong cơ thể hoặc giúp cải thiện các triệu chứng của sự thiếu hụt loại hóc môn này. Tuy nhiên, những loại thuốc trên được sử dụng rất hạn chế do quan ngại về tác dụng phụ cũng như tính hiệu quả có giới hạn.
Các loại thuốc cho tình trạng nồng độ testosterone thấp bao gồm:
- Thuốc testosterone: Các sản phẩm testosterone gồm có miếng dán, gel bôi, thuốc xịt mũi, tiêm vào bắp thịt, hoặc viên pellet.
- Thuốc chẹn estrogen: Liệu pháp thay thế testosterone thường làm giảm số lượng tinh trùng và làm suy giảm khả năng sản sinh testosterone của cơ thể. Đây sẽ là vấn đề đối với những người có mong muốn lập gia đình. Thuốc chẹn estrogen sẽ ngăn chặn Estrogen (một nội tiết tố ở nữ giới) này tiếp diễn và giúp não bộ điều tiết các chất kích thích sự sản sinh testosterone.
- Sử dụng thuốc ức chế aromatase: Loại thuốc này có khả năng làm tăng testosterone và giảm estrogen đáng kinh ngạc ở những nam giới gặp vấn đề về suy giảm testosterone do tuổi tác hoặc bệnh béo phì.
Khi sử dụng thuốc để điều trị tình trạng nồng độ testosterone thấp có thể xảy ra tác dụng phụ như:
- Testosterone: Suy giảm số lượng tinh trùng, ngực phát triển lớn, tinh hoàn co rút, và nổi mụn. Liệu pháp testosterone còn có thể làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ và gia tăng rủi ro xuất hiện các cục máu đông, bệnh tim và làm tệ đi tình trạng bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
- Thuốc kháng estrogen: Tác động của thuốc kháng estrogen lên nữ giới hoàn toàn ngược lại so với nam giới. Thuốc kháng loại hormone nữ này nếu được sử dụng ở nam giới có thể sẽ gây ra mụn, thay đổi tâm lý cũng như làm gia tăng rủi ro mắc ung thư tuyến tiền liệt.
- Thuốc ức chế aromatase: Đây là các loại thuốc có đặc tính khá an toàn cho người sử dụng và không tiềm tàng rủi ro mắc các dạng tác dụng phụ nghiêm trọng. Những tác dụng phụ được ghi nhận ở các loại thuốc ức chế aromatase là làm tăng huyết áp và tác động đến độ đặc của xương.
5. Những liệu pháp giúp cải thiện nồng độ testosterone thấp.
5.1 Tập luyện thể thao nhiều hơn
Hoạt động thể chất sẽ giúp tăng cường khả năng sản sinh testosterone của cơ thể nam giới. Ngoài khả năng ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu đến từ sự thiếu hụt testosterone, việc tập luyện thể thao còn giúp làm tăng sức mạnh cơ bắp, chống loãng xương, thúc đẩy năng lượng hoạt động và cải thiện thể chất.
5.2 Chế độ ăn cân đối và dinh dưỡng
Thực phẩm giàu vitamin D và kẽm có thể giúp tăng nồng độ testosterone một cách nhất định chứ không mang tính gia tăng bột phát.
Cả hai tình trạng thừa cân và suy dinh dưỡng đều mang đến sự bất lợi cho việc làm tăng testosterone. Việc sở hữu một chế độ ăn cân bằng và điều độ với các thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ rất hữu ích cho những người đang trong tình trạng nồng độ testosterone thấp.
5.3 Ngủ đủ giấc ngủ
Không ngủ đủ giấc sẽ gây tác động rất xấu đến nồng độ testosterone, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và nam giới tuổi đời còn trẻ. Bằng các cách như đi ngủ vào một khung giờ cố định, loại bỏ mọi yếu tố gây khó ngủ và tắt mọi nguồn sáng trong phòng, việc chìm vào một giấc ngủ sâu và ngon giấc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
5.4 Giảm căng thẳng
Tâm lý căng thẳng sẽ khiến nồng độ testosterone sụt giảm. Khi căng thẳng cơ thể người sẽ sản sinh ra cortisol gây ức chế sự sản sinh testosterone của cơ thể.
Rơi vào tình trạng căng thẳng trong cuộc sống dường như là điều không thể tránh khỏi nhưng điều này có thể được giải tỏa phần nào nhờ vào các hoạt động thư giãn đầu óc và cơ thể, tập luyện thể thao, sở hữu một hình thức vệ sinh giấc ngủ tốt, và tránh sử dụng các chất kích thích như caffeine và nicotine.
5.5 Tránh sử dụng những loại thuốc có khả năng làm giảm testosterone
Một số loại thuốc như thuốc giảm đau opioid và thuốc đồng hóa anabolic có khả năng làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng testosterone của cơ thể. Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều các loại thuốc như corticoid và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cũng đóng góp vào sự suy giảm nồng độ của loại hormone nam giới này.
6. Các loại thực phẩm bổ sung tự nhiên giúp cải thiện nồng độ testosterone thấp và triệt tiêu testosterone?
6.1 Các loại thực phẩm bổ sung tự nhiên giúp cải thiện nồng độ testosterone thấp
Cỏ ca ri (hay hồ lô ba, khổ đậu) và sâm Ấn Độ, được xem là những vị thuốc có khả năng thúc đẩy testosterone một cách hiệu quả.
Sâm Ấn Độ cho thấy khả năng làm tăng nhẹ testosterone khi xem xét nước bọt của người sử dụng. Điều này có thể là do khả năng làm giảm căng thẳng và nồng độ cortisol trong cơ thể người dùng của loại thực vật này.
6.2 Loại thực phẩm nào gây triệt tiêu testosterone?
Việc tiêu thụ những loại thức ăn chứa lượng đường, carbohydrate và chất béo lớn có thể dẫn đến các tình trạng như béo phì hoặc giảm phản ứng insulin, gây ra tác hại không nhỏ đến nồng độ testosterone. Việc tiêu thụ dai dẳng các loại đồ uống chứa cồn cũng sẽ làm suy giảm nghiêm trọng loại hóc môn chính yếu trong cơ thể nam giới này.
Không hề có liệu pháp nào mang tính triệt để nhất định cho tình trạng này. Nồng độ testosterone thấp có thể bị gây ra bởi nhiều tác nhân, và đòi hỏi những liệu pháp chữa trị riêng biệt. Liệu pháp phổ biến nhất vẫn là thay thế testosterone; tuy nhiên, liệu pháp testosterone này không phù hợp với tất cả mọi bệnh nhân. Việc xét nghiệm định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng có thể giúp người bệnh giám sát những biến chứng gây ra bởi liệu pháp chữa trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline.com, Singlecare.com, Drugwatch.com