Bệnh lý nam khoa và các vấn đề liên quan: Sự suy giảm nồng độ testosterone ở nam giới

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Testosterone là hormone sinh dục nam, được sản xuất chủ yếu tại tinh hoàn. Nồng độ testosterone ở người trưởng thành trong khoảng: 12 - 35 nmol/l và giảm theo tuổi, tuổi càng cao thì nồng độ càng giảm.

1.Testosterone và tác động lên các cơ quan cơ thể

Testosterone không chỉ là hormone quyết định tuyến sinh dục nam mà còn tác động và ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan quan trọng khác của cơ thể: Não, xương, tuyến yên, thận, cơ, tuyến dưới hàm, mạch máu, chuyển hóa mỡ, chuyển hóa đường, tế bào biểu mô, mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh, tiền liệt tuyến, dương vật, nang tóc, tuyến bã nhờn,...


Các cơ quan chính của hệ sinh dục nam.
Các cơ quan chính của hệ sinh dục nam.

2. Suy giảm chức năng sinh dục và tình dục do thiếu hụt/suy giảm Testosterone

2.1. Nguyên nhân gây thiếu hụt/suy giảm Testosterone

  • Hội chứng Klinefelter.
  • Viêm tinh hoàn do quai bị.
  • Chấn thương tinh hoàn.
  • Chiếu xạ tinh hoàn.
  • Hóa trị trong ung thư.
  • Nóng tinh hoàn quá mức.
  • Suy dinh dưỡng.
  • U tuyến yên và vùng hạ đồi.
  • Cắt bỏ tuyến yên hoặc xạ trị.
  • Tăng prolactine máu.
  • U tuyến thượng thận và tinh hoàn.
  • Béo phì.
  • Tăng uric acid máu.
  • AIDS.
  • Xơ gan.
  • Bệnh hệ thống.
  • Tác dụng của thuốc – như ketoconazole, spironolactone, cimetidine, phenytoin.
  • Tuổi cao: Giảm khả năng tiết Testosterone của tinh hoàn.

Sự suy giảm nồng độ testoterone ở nam giới ảnh hưởng chức năng sinh dục.
Sự suy giảm nồng độ testoterone ở nam giới ảnh hưởng chức năng sinh dục.

2.2. Suy giảm chức năng sinh dục và tình dục

Khi suy giảm chức năng sinh dục và tình dục, nam giới có các triệu chứng chung: Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, vô sinh nam,... Ngoài ra, họ còn thấy mệt, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, loãng xương, suy yếu cơ,...

Bác sĩ sẽ chẩn đoán suy giảm chức năng sinh dục và tình dục do suy giảm Testosterone dựa vào bệnh sử và xét nghiệm nồng độ các hoocmone Testosterone, LH, FSH, Proclactine, Estradiol.

3. Điều trị suy giảm chức năng sinh dục

3.1. Mục tiêu điều trị

  • Tăng khối cơ, sức mạnh và chức năng cơ.
  • Duy trì BMI trong giới hạn bình thường và giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.
  • Cải thiện chức năng tâm thần kinh.
  • Cải thiện khả năng sinh dục và tình dục.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều trị với Testosterone giúp cải thiện ham muốn tình dục, chức năng cương cứng, cải thiện mật độ xương, khối cơ và sức mạnh cơ, duy trì trạng thái và cảm giác khỏe mạnh cho nam giới.

3.2. Lưu ý khi điều trị

  • Điều trị với Testosterone phụ thuộc vào liều dùng đáp ứng ở từng bệnh nhân khác nhau.
  • Điều trị với Testosterone có thể áp dụng ở cả nam giới trẻ tuổi và cao tuổi bị suy giảm khả năng sinh dục.
  • Việc điều trị còn làm tăng mật độ khoáng trong xương và khối cơ trong cơ thể, và giảm lượng mỡ của cơ thể, tăng cường sức bền thành mạch cải thiện chức năng sinh dục, bao gồm sự ham muốn và chức năng cương cứng, cải thiện rối loạn cương.
  • Ở những bệnh nhân đái tháo đường suy giảm khả năng sinh dục, đã ghi nhận sự tăng nhạy cảm với insulin, giảm glucose máu.
  • Ở những nam giới chậm phát triển thể chất và dậy thì, điều trị với Testosterone trước tiên thúc đẩy sự tăng trưởng và sau đó gây ra sự phát triển các đặc tính sinh dục cho nam giới.
  • Ở những phụ nữ bị cắt buồng trứng, bổ sung Testosterone sẽ cải thiện ham muốn tình dục và tăng mật độ khoáng trong xương (giảm loãng xương) và khối cơ của cơ thể.
  • Ở những người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam, điều trị với Testosterone gây nam tính hóa.

Lưu ý: Việc điều trị phải được cá thể hóa trên từng bệnh nhân và tuân theo chỉ định của Bác sĩ. Bạn không nên tùy tiện dùng Testosterone nếu không có chỉ định của Bác sĩ.

KẾT LUẬN:

  • Nồng độ Testosterone máu giảm theo tuổi.
  • Giảm nồng độ Testosterone có thể gây nên suy giảm khả năng sinh dục.
  • Triệu chứng của suy giảm khả năng sinh dục ở người lớn tuổi bao gồm: Giảm mật độ xương, giảm khối cơ và sức mạnh của cơ, tăng béo phì, trầm cảm, giảm chức năng tình dục, giảm tạo máu, giảm chức năng nhận thức, tăng nguy cơ tim mạch.
  • Suy giảm khả năng tình dục giai đoạn muộn góp phần vào tử vong và bệnh tật ở người cao tuổi.
  • Phục hồi nồng độ Testosterone máu có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn hậu quả suy giảm khả năng tình dục và các bệnh lý mạn tính khác ở nam giới như: Đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch,...
  • Không có mối liên quan giữa nồng độ testosterone máu và nguy cơ bệnh tiền liệt tuyến ở người cao tuổi.
  • Điều trị Testosterone có thể duy trì và/hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống ở nam giới.

Nam giới là người đến tuổi trung niên hay nam giới dậy thì muộn bị suy giảm tình dục nên đi khám sớm chuyên khoa Nam học để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tránh để hậu quả lâu dài về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe