Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể, được tạo thành từ một số thành phần khác nhau, bao gồm nước, protein, lipid, các khoáng chất và hóa chất. Các lớp da nặng trung bình khoảng 2,7 kg. Chăm sóc da là công việc rất quan trọng với mục đích bảo vệ làn da khỏi tình trạng nhiễm trùng và các vi sinh vật gây bệnh. Trong suốt cuộc đời, làn da sẽ được thay đổi liên tục, tốt hơn hoặc xấu đi. Trên thực tế, da của bạn sẽ tự tái tạo theo chu kỳ khoảng 27 ngày. Chăm sóc da đúng cách là điều cần thiết để duy trì sức khỏe và sức sống của cơ quan mỏng manh này.
1. Cấu trúc các lớp da
Có các thuật ngữ y tế đặc hiệu dành cho các lớp da khác nhau, bao gồm:
- Lớp sừng: Lớp da chết bên ngoài
Lớp sừng chứa các tế bào chết từng tồn tại ở lớp biểu bì. Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết trên da mặt và một số sản phẩm da khác sẽ loại bỏ hoặc làm mỏng lớp này.
- Biểu bì: Lớp da bên ngoài
Lớp biểu bì là lớp mỏng nhất trên da nhưng lại có nhiệm vụ bảo vệ bạn khỏi môi trường khắc nghiệt. Biểu bì có 4 lớp riêng của nó: Lớp mầm, lớp gai, lớp hạt, và lớp sừng. Lớp biểu bì cũng chứa các loại tế bào khác nhau: Tế bào sừng, tế bào hắc tố và tế bào Langerhans. Tế bào sừng tạo ra protein được gọi là keratin, thành phần chính của lớp biểu bì. Tế bào hắc tố tạo ra sắc tố da của bạn, được gọi là hắc tố. Tế bào Langerhans ngăn cản các chất lạ xâm nhập vào da của bạn.
- Hạ bì: Lớp giữa của da
Đây là lớp chịu trách nhiệm cho các nếp nhăn. Lớp hạ bì là sự kết hợp phức tạp của các mạch máu, nang lông và tuyến bã nhờn (dầu). Lớp hạ bì còn chứa collagen và elastin, 2 loại protein cần thiết cho sức khỏe của da vì chúng hỗ trợ và tạo độ đàn hồi. Nguyên bào sợi là những tế bào cũng sẽ được tìm thấy trong lớp này, vì chúng tổng hợp collagen và elastin. Lớp này cũng chứa các dây thần kinh cảm nhận cảm giác đau, xúc giác và nhiệt độ.
- Lớp dưới da: Lớp mỡ của da
Sự suy giảm mô ở lớp này là nguyên nhân khiến da bạn chảy xệ cũng như nhăn nheo. Lớp này chứa các tuyến mồ hôi, chất béo và các mô liên kết lỏng lẻo. Lớp dưới da có nhiệm vụ duy trì nhiệt lượng của cơ thể và bảo vệ các cơ quan nội tạng quan trọng bên dưới.
- Collagen và làn da của bạn
Collagen được tìm thấy ở lớp hạ bì và là loại protein dồi dào nhất trong da, chiếm 75% cơ quan này. Đây cũng là suối nguồn tuổi trẻ của bạn. Nó có trách nhiệm ngăn ngừa nếp nhăn và đường nhăn. Theo thời gian, các yếu tố môi trường và sự lão hóa làm giảm khả năng sản xuất collagen của cơ thể bạn và cũng có thể phá vỡ collagen hiện có.
- Da và Elastin
Khi bạn nghe từ elastin, hãy nghĩ đến tính đàn hồi. Protein này được tìm thấy cùng với collagen trong lớp hạ bì, có nhiệm vụ tạo cấu trúc và hỗ trợ cho da và các cơ quan của bạn. Cũng như collagen, elastin bị ảnh hưởng bởi thời gian và các yếu tố bên ngoài. Hàm lượng protein này giảm đi khiến da bạn nhăn nheo và chảy xệ.
- Keratin và làn da của bạn
Keratin là protein mạnh nhất trong da của bạn. Nó cũng chiếm ưu thế trong tóc và móng tay. Keratin là thứ tạo nên độ cứng của da.
2. Làm thế nào để giữ cho làn da khỏe mạnh?
Thứ tự các bước chăm sóc da để có một làn da khỏe mạnh chính là:
- Làm sạch kỹ lưỡng: Bạn nên thực hiện điều này 2 lần mỗi ngày. Vào ban đêm, hãy nhớ tẩy trang toàn bộ lớp trang điểm và làm sạch da đúng cách trước khi đi ngủ;
- Sử dụng xà phòng nhẹ nhàng không có mùi thơm;
- Dinh dưỡng cân bằng;
- Dưỡng ẩm: Điều này được khuyến khích ngay cả đối với những người có làn da dầu. Có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm trên thị trường không chứa dầu.
- Kem chống nắng: Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà bạn nên làm cho làn da của mình. Ngay cả trong mùa đông và những ngày nhiều mây, bạn nên thoa kem chống nắng mỗi ngày. Sử dụng kem chống nắng cũng nên được thực hiện ngay cả khi bạn không ở môi trường bên ngoài nhiều. Kem chống nắng có ghi “phổ rộng” (hoặc bảo vệ chống lại “tia UVA và UVB”) với SPF từ 30 trở lên là sự lựa chọn cần thiết. Bạn cũng nên hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và mặc quần áo bảo hộ, chẳng hạn như áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng vành.
Chăm sóc da nên tập trung đến tất cả các bộ phận của làn da. Hãy làm quen với làn da của mình, ghi nhận các đặc điểm riêng để dễ nhận thấy khi có bất kỳ thay đổi nào, chẳng hạn như các nốt ruồi hoặc mảng màu. Chúng có thể có thể là dấu hiệu của ung thư da. Bất cứ khi nào bạn có thắc mắc hoặc lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com