Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh u nhầy nhĩ trái là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở người bệnh do u lấp kín lỗ van 2 lá khiến cho máu không thể lưu thông xuống tâm thất trái để đi nuôi cơ thể. Bệnh nhân bị u nhầy nhĩ trái còn có nguy cơ cao bị nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
1. Bệnh u nhầy nhĩ trái là gì?
Bệnh học u nhầy nhĩ trái hay còn gọi là u nhầy nhĩ là một dạng u nguyên phát lành tính xuất hiện trong tim. Theo thống kê, có đến 90% các u nhầy nhĩ trái xuất hiện tại tâm nhĩ trái và trên vách liên nhĩ. U nhầy nhĩ trái có cuống bám vào vách liên nhĩ hay trần nhĩ trái và thường có dạng chùm nho hoặc nhiều thùy, mật độ mềm dễ vỡ, không có vỏ bao rõ rệt, có thể có xuất huyết bên trong.
Những người ở độ tuổi 56 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh u nhầy nhĩ trái, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới. Bệnh học u nhầy nhĩ trái là nguyên nhân gây đột tử ở người bệnh do u lấp kín lỗ van 2 lá khiến cho máu không thể lưu thông xuống tâm thất trái để đi nuôi cơ thể. Bệnh nhân bị u nhầy nhĩ trái còn có nguy cơ cao bị nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
2. Triệu chứng bệnh học u nhầy nhĩ trái
Người mắc phải bệnh học u nhầy nhĩ trái sẽ xuất hiện một số triệu chứng lâm sàng như:
- Khó thở khi gắng sức hay khi nằm đầu thấp
- Ho ra máu, phù phổi cấp, đau ngực, ngất, tắc mạch ngoại vi
- Tai biến mạch máu não
- Khi nghe tim có thể có thể có tiếng thổi tâm thu, rù tâm trương...
3. Nguyên nhân gây bệnh học u nhầy nhĩ trái
Theo thống kê, có đến 90% các trường hợp người bệnh mắc bệnh học u nhầy nhĩ trái mà không thể xác định nguyên nhân gây bệnh là gì, 10% mắc bệnh là do di truyền.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nhầy nhĩ trái bao gồm:
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh học u nhầy nhĩ trái cao gấp 2 lần nam giới.
- Tuổi tác: Độ tuổi trung bình mắc bệnh là 56 tuổi.
4. Chẩn đoán bệnh học u nhầy nhĩ trái
- Với bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý nền hoặc nguy cơ tim mạch kèm theo cần khảo sát hệ mạch vành trước mổ.
- Khi tiến hành đo điện tâm đồ và X- quang thì có thể có dấu hiệu giãn nhĩ trái
- Siêu âm tim chẩn đoán xác định u trong nhĩ trái. Xác định vị trí cuống bám, độ dài cuống và mức độ di động của bướu.
5. Điều trị hiệu quả bệnh học u nhầy nhĩ trái
Phương pháp điều trị bệnh học u nhầy nhĩ trái phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bệnh nhân sau khi chẩn đoán có khối u nhầy nhĩ sẽ được tiến hành phẫu thuật ngay để giảm thiểu nguy cơ khối u phát triển khiến tắc nghẽn máu tại tim và tăng nguy cơ đột tử cho người bất cứ lúc nào.
Sau phẫu thuật điều trị bệnh học u nhầy nhĩ trái, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như: Cảm giác đau, loạn nhịp tim, nhiễm trùng và đột tử.
Ngoài ra, sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám đúng hẹn để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc mua ngoài đơn kê toa của bác sĩ.
XEM THÊM
- Bệnh hở van tim hai lá có nguy hiểm không?
- Điều trị bệnh tim ở người cao tuổi: Cần giải pháp phù hợp
- Làm sao để phát hiện và chữa trị chứng rối loạn nhịp tim?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.