Thời tiết thay đổi là nỗi ám ảnh của người mắc bệnh hen. Chúng gây khó thở và một số triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi, gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc, các hoạt động sinh hoạt cũng như chất lượng đời sống.
1. Mối liên hệ giữa thời tiết và bệnh hen suyễn
Trong bệnh hen suyễn, đường dẫn khí bị thu hẹp cùng với việc cơ thể tiết ra chất nhầy khiến bạn khó thở. Hen suyễn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thời tiết đóng vai trò quan trọng. Một số loại thời tiết có thể kích hoạt các triệu chứng hen suyễn bao gồm:
- Nhiệt độ cao
- Nhiệt độ thấp
- Độ ẩm cao
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Mưa
- Sấm sét
Thời tiết khắc nghiệt có thể gây kích ứng đường thở nhiều hơn thời tiết ôn hòa. Điều này có thể gây ra cơn hen ở những người bị hen dị ứng thời tiết.
2. Các loại hình thời tiết ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn
- Nhiệt độ cao
Không khí nóng được hít vào có thể làm thu hẹp đường thở. Trước khi đi ra đường, bạn nên xem dự báo chất lượng không khí và thời tiết để bảo vệ mũi miệng và có biện pháp hạn chế ra ngoài đường nếu thời tiết xấu. Thay vào đó, trong thời tiết nóng nực, bạn nên ngồi trong phòng điều hòa và lọc các chất gây kích ứng hô hấp.
- Nhiệt độ thấp
Khi nhiệt độ giảm, các triệu chứng hen suyễn có thể trở nên tồi tệ hơn. Thời tiết lạnh gây khô các mô đường hô hấp, khiến chúng nhạy cảm hơn và co mạch lại. Để giảm nguy cơ lên cơn hen thì một chiếc khăn quàng cổ có thể là giải pháp vì chúng có tác dụng làm ấm không khí trước khi hít thở vào đường hô hấp.
- Độ ẩm
Không khí ẩm ướt cũng có thể gây kích ứng hô hấp vì đây là môi trường thuận lợi cho nấm mốc và bụi bẩn phát triển. Để giảm độ ẩm, bạn nên sử dụng điều hòa không khí hoặc máy hút ẩm. Nếu cần ra ngoài trời trong ngày ẩm ướt, bạn nên cố gắng ra ngoài vào buổi sáng hoặc buổi tối, khi độ ẩm thấp hơn.
- Nồng độ phấn hoa cao
Nồng độ phấn hoa trong không khí sẽ cao hơn trong những ngày nhiều gió. Phấn hoa nhiều có thể gây dị ứng, từ đó kích hoạt hen suyễn cho nhiều người. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể giúp bạn tìm ra chính xác căn nguyên của bệnh. Để kiểm soát hen suyễn do dị ứng phấn hoa, bạn có thể được chỉ định sử dụng thuốc mũi dị ứng.
- Sấm sét
Các cơn bão có kèm theo sấm sét có thể đe dọa những người mắc bệnh hen suyễn. Đó là vì mưa và sấm sét đánh phấn hoa, biến chúng thành những mảnh nhỏ hơn bình thường. Lan truyền bởi gió, những hạt phấn này xâm nhập vào phổi và gây ra triệu chứng bệnh. Do đó, nếu phấn hoa là tác nhân gây hen suyễn thì bạn không nên ra khỏi nhà trong những ngày mưa gió.
- Thời tiết thay đổi đột ngột
Thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện làm bùng phát cơn hen suyễn. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do thay đổi áp suất khí quyển, trong khi số khác cho rằng đó là do thay đổi độ ẩm và nhiệt độ không khí. Bạn nên xem dự báo thời tiết để xác định mức độ nghiêm trọng của cơn hen khi thời tiết thay đổi.
- Mưa
Mưa rào có thể tác động hai chiều đến bệnh hen suyễn. Mưa vừa phải có thể rửa sạch phấn hoa, làm giảm nguy cơ lên cơn hen. Tuy nhiên, một trận mưa như trút nước sẽ phá vỡ hạt phấn và mang nó lan tỏa khắp nơi. Mạt bụi và nấm mốc là hai tác nhân khác có thể phát triển mạnh trong thời tiết ẩm ướt. Để cải thiện chất lượng không khí, bạn nên lắp đặt điều hòa và đảm bảo các phòng ẩm ướt như nhà bếp và phòng tắm thông gió tốt, chống lại sự phát triển của nấm mốc.
- Mùa đông
Không chỉ bệnh hen suyễn, mùa đông còn là thời gian thuận lợi để phát triển các bệnh cảm lạnh và cúm. Tiêm vắc xin cúm sẽ làm giảm nguy cơ lên cơn hen. Bạn không nên dùng lò sưởi để làm ấm không khí mà nên sử dụng nhiệt điện hoặc gas trong nhà sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
- Mùa hè
Mùa hè là thời điểm xuất hiện nhiều chất kích ứng đường hô hấp như khói bếp, mùi clo mạnh từ bể bơi, bụi phấn dính vào đồ vải khi phơi khô, phấn hoa trên đường dính vào quần áo và tóc. Cách tốt để bảo vệ cơ thể là tắm rửa sạch sẽ sau khi về nhà, và nhớ mang khẩu trang khi ra ngoài đường.
3. Những người mắc bệnh hen suyễn nên dùng thuốc gì?
Bạn nên có kế hoạch đến khám bác sĩ để chuẩn bị cho bệnh hen suyễn khi mùa đông đến. Khi bác sĩ kê đơn, bạn có thể lựa chọn uống thuốc mỗi ngày (kiểm soát lâu dài) hoặc chỉ khi cần (giảm viêm nhanh).
Thuốc kiểm soát dài hạn là thuốc bạn dùng hàng ngày để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn, bao gồm:
- Corticosteroid dạng hít như flnomasone (Flovent Diskus, Flovent HFA)
- Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài, như salmeterol (Serevent Diskus)
- Thuốc ức chế thụ thể leukotriene, chẳng hạn như montelukast (Singulair)
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài luôn được sử dụng cùng với corticosteroid dạng hít.
Thuốc giảm đau nhanh là loại thuốc mà bạn chỉ dùng khi cần, chẳng hạn như trước khi tập thể dục khi trời lạnh. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn và thuốc chống cholinergic là ví dụ của những loại thuốc này.
4. Làm thế nào để tránh các cơn hen suyễn trong thời tiết giá lạnh?
Để ngăn ngừa các cơn hen suyễn, hãy cố gắng ở trong nhà khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy che mũi và miệng bằng một chiếc khăn để làm ấm không khí trước khi hít vào.
Dưới đây là một vài lời khuyên khác trong kiểm soát cơn hen vào mùa đông:
- Uống thêm nước vào mùa đông: Giúp giữ cho chất nhầy trong phổi mỏng hơn và dễ dàng loại bỏ chất nhầy.
- Cố gắng tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh cảm cúm
- Tiêm vắc-xin cúm vào mùa thu.
- Hút bụi và lau nhà thường xuyên để loại bỏ các chất gây dị ứng trong nhà.
- Giặt khăn trải giường và chăn mỗi tuần trong nước nóng để loại bỏ mạt bụi.
Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa cơn hen suyễn khi bạn tập thể dục ngoài trời trong thời tiết lạnh:
- Sử dụng khí dung 15 - 30 phút trước khi tập thể dục giúp mở ra đường thở để bạn có thể thở dễ dàng hơn.
- Mang theo khí dung trong trường hợp bạn bị lên cơn suyễn.
- Làm nóng cơ thể ít nhất 10 - 15 phút trước khi bạn tập thể dục.
- Đeo mặt nạ hoặc khăn quàng trên mặt để làm ấm không khí hít vào.
Hen suyễn là căn bệnh nguy hiểm, vì thế việc chăm sóc, điều trị cũng như chú ý đến các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, người bệnh cần chú ý để kiểm soát thật tốt các cơn hen, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, aafa.org, healthline.com