Bệnh viêm đa dây thần kinh còn được gọi với một tên khác là bệnh đa dây thần kinh, được biểu hiện bằng một tình trạng rối loạn và chức năng của các dây thần kinh ngoại biên bị ảnh hưởng xấu.
1. Nguyên nhân gây viêm đa dây thần kinh
Khi dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương sẽ ảnh hưởng tới các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Ví dụ khi dây thần kinh có chức năng vận động bị tổn thương thì người bệnh sẽ bị giảm vận động, chức năng của dây thần kinh đó là cảm giác thì triệu chứng sẽ là rối loạn cảm giác.
Viêm đa dây thần kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau đặc biệt trong các tổn thương và bệnh lý như đái tháo đường, thiếu vitamin B1, nhiễm độc chì, nghiện rượu (đặc biệt với người nghiện rượu 10 năm trở lên)... Viêm đa dây thần kinh do thiếu vitamin B1 hay gặp và phổ biến ở nhiều người như phụ nữ mang thai.
2. Tại sao thiếu vitamin B1 lại gây ra bệnh?
Thiếu vitamin B1 là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa dây thần kinh. Bệnh còn được gọi là bệnh tê phù beriberi. Bệnh thường gặp đối với phụ nữ mang thai, khẩu phần có gạo xay xát kỹ, bản thân người bệnh hấp thu kém, chế độ ăn không đủ chất, xảy ra với những người có khẩu phần ăn thiếu vitamin trong thời gian 2-3 tháng.
Triệu chứng của viêm đa dây thần kinh do thiếu vitamin B1 bao gồm phù, rối loạn vận mạch. Bệnh có thể kéo dài 2-3 tháng. Bệnh nên được phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Điều trị viêm đa dây thần kinh do thiếu vitamin B1
Trong các trường hợp nhẹ, chỉ cần uống vitamin B1 với liều lượng 100mg trong ngày duy trì liên tục trong 2-3 tuần là bệnh đã có thể hồi phục. Trong trường hợp bệnh ở mức độ nặng, nhất là khi bị bệnh tim, bạn phải dùng B1 dưới dạng tiêm bắp và theo sự chỉ định của bác sĩ.
Khi tiêm bắp vitamin B1 dạng ống sau 24-36 giờ, triệu chứng đã bắt đầu giảm và cải thiện tốt hơn. Các triệu chứng thần kinh phản ứng rất nhạy cảm với điều trị nhưng thời gian để hồi phục hoàn toàn lại rất chậm. Sau khi tiêm, bạn phải duy trì uống vitamin B1 từ 1-3 tháng tùy vào mức độ nặng hay nhẹ. Thường thì khi triệu chứng phải thuyên giảm được khoảng 70-80% thì chúng ta mới có thể ngừng sử dụng thuốc và chuyển sang chế độ điều trị bằng dinh dưỡng.
Với triệu chứng phù, triệu chứng sẽ giảm bớt khi tiêm vitamin B1 sau 3 ngày. Và chân sẽ đỡ phù sau 2 tuần đầu tiên. Bạn chỉ được ngừng sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và để thuốc phát huy tối đa hiệu quả nên duy trì tần suất sử dụng trong ngày. Bệnh sẽ tiến triển tốt hơn nếu được sử dụng kết hợp với thuốc lợi tiểu. Bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để có hiệu quả cao nhất.
Sau khi ngừng sử dụng thuốc vitamin B1 dạng uống và tiêm, bạn cần chú ý bổ sung vitamin bằng chế độ dinh dưỡng, ăn thực phẩm giàu vitamin B1. Bạn cần bổ sung khẩu phần ăn đầy đủ chất đặc biệt bổ sung thêm B1, không nên sử dụng gạo xay quá kỹ vì có thể làm mất chất dinh dưỡng có trong đó. Bổ sung thêm nhiều hoa quả tươi, sạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.