Giấc ngủ rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ thiếu ngủ có thể do quấy khóc hoặc đi ngủ muộn. Câu hỏi thường đặt ra là trẻ ngủ muộn có bị lùn không hay bị chậm phát triển như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cho biết ảnh hưởng của ngủ muộn đối với sự tăng trưởng của trẻ.
1. Thời gian ngủ của trẻ bao nhiêu là đủ?
Nhiều cha mẹ thường lo lắng không biết trẻ ngủ muộn có bị lùn không. Thực tế, thời gian ngủ đủ của trẻ khác nhau tùy vào độ tuổi. Cụ thể:
- Trẻ 1 tuần đến 4 tuần tuổi cần ngủ 15 – 18 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ thường từ 2 – 4 giờ và không theo chu kỳ ngày đêm.
- Trẻ 1 tháng đến 4 tháng tuổi cần ngủ 14 – 15 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ từ 4 – 6 giờ và ngủ nhiều hơn vào buổi tối.
- Trẻ 4 tháng đến 1 tuổi cần ngủ 14 – 15 giờ mỗi ngày, có thể tập cho trẻ thói quen ngủ lành mạnh. Số giấc ngủ cũng như thời gian ngủ ban ngày sẽ giảm dần và thời gian ngủ ban đêm dài dần ra.
- Trẻ 1 tuổi đến 3 tuổi cần ngủ 12 – 14 giờ mỗi ngày, bao gồm một giấc ngủ ngắn buổi trưa và giấc ngủ dài khoảng 10 – 13 giờ vào buổi tối.
- Trẻ 3 tuổi đến 6 tuổi cần ngủ khoảng 10 – 12 giờ mỗi ngày. Đa số trẻ trong độ tuổi này đã hình thành được thói quen ngủ.
- Trẻ 6 tuổi đến 12 tuổi cần ngủ 9 – 12 giờ mỗi ngày.
Trẻ trên 12 tuổi cần ngủ 7 – 11 giờ mỗi ngày. Đây là giai đoạn trẻ dễ bị thiếu ngủ nhất do áp lực của việc học hành cũng như thay đổi về mặt tâm sinh lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng chậm phát triển. Ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ tập trung tốt hơn, tỉnh táo hơn và cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các hoạt động thể chất cũng như hoạt động khác.
2. Thiếu ngủ làm trẻ chậm phát triển
Một đêm không ngủ sẽ không làm trẻ còi cọc. Nhưng về lâu dài, sự phát triển của trẻ có thể bị ảnh hưởng do không ngủ đủ giấc. Tác hại của ngủ muộn đối với sự phát triển của trẻ bao gồm:
- Suy giảm khả năng miễn dịch. Thiếu ngủ kéo dài có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch của trẻ, làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, trẻ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, sốt, ho.
- Chậm phát triển thể chất. Vì hormone tăng trưởng thường được tiết ra trong khi ngủ, nếu trẻ thường xuyên ngủ quá ít do ngủ muộn hoặc thiếu ngủ, hormone tăng trưởng sẽ bị ức chế. Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ các hormone khác.
- Suy giảm sức khỏe tinh thần. Trẻ dễ cáu kỉnh, ủ rũ, lâu ngày có thể gây rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu.
- Các nghiên cứu cho thấy trẻ ngủ muộn dễ bị béo phì. Nguyên nhân được cho là do ở những trẻ thiếu ngủ có sự giảm nồng độ leptin (chất khiến trẻ cảm thấy no) và tăng nồng độ ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói).
Tóm lại, đôi khi một đêm thiếu ngủ hoặc ngủ muộn khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh vào ngày hôm sau, nhưng sẽ không gây hại cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngủ muộn hoặc thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến tinh thần, khả năng tập trung cũng như sự tăng trưởng của trẻ. Ngủ muộn là nguyên nhân dẫn đếm chậm phát triển ở trẻ em. Vì thế, nếu trẻ gặp các vấn đề về giấc ngủ, cha mẹ có thể đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: kidshealth.org, nhs.uk