Thiếu máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khi mang thai

Mặc dù bệnh thiếu máu cơ tim khi mang thai khá hiếm gặp nhưng đang có khuynh hướng ngày càng phổ biến hơn, nguyên nhân là do phụ nữ trì hoãn mang thai cũng như tỷ lệ béo phì tăng lên. Bên cạnh đó, các bệnh tim mạch khác ở phụ nữ mang thai cũng khiến sản phụ có một thai kỳ nguy cơ, cần chăm sóc chuyên biệt trong lúc chuyển dạ và sau sinh.

1. Những thay đổi chức năng tim và mạch máu khi mang thai

Khi mang thai, mọi hệ thống cơ quan đều cần thay đổi, bao gồm cả tim và mạch máu. Những thay đổi này khiến cơ thể sản phụ thêm căng thẳng và yêu cầu tim phải làm việc nhiều hơn, đảm bảo rằng em bé sẽ nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng:

  • Tăng lượng máu: Trong tam cá nguyệt đầu tiên, lượng máu trong cơ thể tăng từ 40 đến 50%.
  • Tăng cung lượng tim: Cung lượng tim là lượng máu được tim bơm mỗi phút. Trong thời kỳ mang thai, cung lượng tim cũng tăng từ 30 đến 40% do lượng máu tăng lên.
  • Tăng nhịp tim: Nhịp tim thường tăng thêm từ 10 đến 15 nhịp mỗi phút khi nghỉ ngơi.
  • Giảm huyết áp: Huyết áp có thể giảm 10mmHg trong thai kỳ, là do sự thay đổi hormone và do có nhiều máu hướng đến tử cung hơn.

Những thay đổi chức năng tim và mạch máu khi mang thai có thể khiến sản phụ cảm thấy mệt mỏi, khó thở và choáng váng. Dù tất cả các triệu chứng này là bình thường, sản phụ nên tham vấn bác sĩ để được hỗ trợ khi kém dung nạp, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

2. Thiếu máu cơ tim khi mang thai

Thiếu máu cơ tim khi mang thai không phổ biến. Tuy nhiên, vì tuổi tác của các bà mẹ khi mang thai ngày càng cao, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành trong thai kỳ cũng càng có nguy cơ tăng cao.

Xơ vữa động mạch dường như là nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim cấp, mặc dù co thắt mạch vành, bóc tách động mạch vành và huyết khối đã được báo cáo trong số những nguyên nhân khác gây thiếu máu cơ tim khi mang thai.

Việc chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ ở phụ nữ mang thai có thể khó khăn và không phải là không có nguy cơ đối với thai nhi. Đồng thời, việc sử dụng thuốc tiêu huyết khối, can thiệp mạch vành qua da và điều trị nội khoa tối ưu đối với bệnh tim thiếu máu cục bộ trong thai kỳ còn cần nhiều cân nhắc.

Tuy nhiên, bản thân mang thai dường như là một yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim cấp nếu không được kiểm soát tối ưu trước khi mang thai. Tỷ lệ mắc bệnh của sản phụ sau nhồi máu cơ tim cấp tăng cao do tăng tỷ lệ suy tim, rối loạn nhịp timsốc tim. Bên cạnh đó, chỉ định chuyển dạ ở những phụ nữ có tiền sử hội chứng mạch vành cấp cũng nên được tham vấn sản khoa cụ thể trong từng trường hợp chứ không phải riêng chỉ định tim mạch, bao gồm cả chấm dứt thai kỳ.


Thiếu máu cơ tim khi mang thai đang có khuynh hướng ngày càng trở nên phổ biến
Thiếu máu cơ tim khi mang thai đang có khuynh hướng ngày càng trở nên phổ biến

3. Các bệnh tim mạch khác trong thai kỳ

  • Tồn tại shunt bất thường

Hiện diện shunt bất thường trong tim là dị tật tim bẩm sinh đơn giản và phổ biến nhất. Các lỗ thông bao gồm thông liên nhĩ, thông liên thất và còn ống động mạch.

Nếu lỗ lớn, một lượng máu tương đối từ phía bên trái của tim sẽ chảy ngược vào phía bên phải của tim. Vòng luẩn quẩn này sẽ dẫn đến hệ quả là tim to, nhịp tim bất thường và tăng áp lực trong phổi, khiến lượng oxy trong máu thấp, da niêm mạc trở nên tím tái.

Trong những trường hợp như vậy, việc mang thai không được khuyến khích do nguy cơ tử vong cho sản phụ khá cao.

  • Tổn thương tắc nghẽn

Các tổn thương tắc nghẽn làm giảm lượng máu đến tim và các mạch máu chính của cơ thể. Một trong những tổn thương như vậy, hẹp eo động mạch chủ hay co thắt động mạch chủ có thể khiến sản phụ bị tăng huyết áp.

Tình trạng này cũng có thể khiến nhau thai không nhận đủ máu. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hẹp, sản phụ có thể cần can thiệp trước hoặc trong khi mang thai để giữ an toàn cho bản thân và thai nhi trong suốt thai kỳ.

  • Tổn thương phức tạp

Chuyển vị của các động mạch lớn, có nghĩa là động mạch chủ và động mạch phổi được gắn sai tâm thất, đòi hỏi phẫu thuật để sửa chữa cần tiến hành sớm nhằm đảm bảo chức năng của tim. Tuy nhiên, biến chứng suy tim và van tim bị hở khá thường gặp nên sản phụ cần theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

Bệnh tim tím có tứ chứng Fallot khi phẫu thuật sửa chữa có thể gây ra hở van động mạch phổi, dẫn đến suy tim và rối loạn nhịp tim. Vì vậy, sản phụ cần phải điều chỉnh các vấn đề này trước khi mang thai.

Nhìn chung, hầu hết phụ nữ bị dị tật tim bẩm sinh đã từng phẫu thuật chỉnh sửa đều có thể mang thai một cách an toàn. Tuy nhiên, kết quả của việc mang thai và nguy cơ biến chứng phụ thuộc vào loại khuyết tật tim mắc phải, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và liệu có bị rối loạn chức năng cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc tăng áp động mạch phổi với bệnh phổi liên quan hay không.

  • Bệnh van tim

Hẹp van tim làm cản trở sự lưu thông của dòng máu. Nếu mức độ hẹp nặng, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm lượng máu, vốn tăng lên trong thai kỳ, qua khỏi vị trí van bị hẹp. Do đó, điều này có thể dẫn đến suy tim. Chính vì vậy, các can thiệp sửa van hay phẫu thuật thay van cần được chỉ định nếu người bệnh van tim có nguyện vọng mang thai.

Bên cạnh đó, sau phẫu thuật van tim nhân tạo, bệnh nhân cần phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời và có thể một số loại thuốc ảnh hưởng thai nhi. Như vậy, một điều rất quan trọng là các đối tượng này phải được bác sĩ tim mạch đánh giá trước khi lên kế hoạch mang thai. Bác sĩ sẽ tư vấn về những rủi ro tiềm ẩn nếu mang thai cũng như xác định liệu trình điều trị chống đông máu tốt nhất cho thai kỳ và nhất là giai đoạn chuyển dạ.

  • Bệnh động mạch chủ

Những phụ nữ có các bệnh lý ảnh hưởng đến động mạch chủ, chẳng hạn như chứng phình động mạch chủ, giãn động mạch chủ hoặc rối loạn mô liên kết như hội chứng Marfan thì sẽ có nguy cơ cao hơn khi mang thai. Vì áp lực trong động mạch chủ tăng lên khi mang thai, chuyển dạ sinh sẽ làm áp lực tăng thêm, dễ gây vỡ hay bóc tách động mạch chủ, có thể đe dọa tính mạng.

Do đó, những phụ nữ bị bệnh động mạch chủ phải được bác sĩ tim mạch đánh giá trước khi lập kế hoạch mang thai. Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng một số tình trạng, chẳng hạn như hội chứng Marfan, có tính chất di truyền nên tư vấn di truyền cần được thực hiện tiền sản.


Cần lập kế hoạch nếu bị thiếu máu cơ tim khi mang thai
Cần lập kế hoạch nếu bị thiếu máu cơ tim khi mang thai

4. Lập kế hoạch mang thai khi mắc bệnh tim

Nếu đã được chẩn đoán bệnh tim khi mang thai, trước khi bắt đầu lập kế hoạch sinh con, sản phụ nên được đánh giá bởi bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa chuyên về thai kỳ có nguy cơ cao. Một số tình trạng về tim khi mang thai như:

  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn cholesterol máu.
  • Bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Các bệnh lý mạch máu, bao gồm bệnh động mạch chủ.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh cơ tim.
  • Suy tim.
  • Hội chứng Marfan.
  • Sốt thấp khớp.
  • Từng có biến cố tim mạch trước đó như nhồi máu cơ tim, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ.
  • Hẹp nặng van hai lá hoặc van động mạch chủ hoặc đường ra của động mạch chủ.
  • Phân suất tống máu dưới 40.

Lúc này, bác sĩ tim mạch sẽ khám sức khỏe và yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán để kiểm tra và đánh giá mức độ bệnh tim mạch ở phụ nữ mang thai. Sau khi xem xét kết quả xét nghiệm, bác sĩ tim mạch sẽ trao đổi với phụ nữ dự định mang thai và gia đình về mức độ an toàn cho việc mang thai cũng như nguy cơ biến chứng có thể mắc phải.

Trong trường hợp muốn mang thai, bác sĩ tim mạch có thể cho biết về bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào khác cần chỉ định trước khi mang thai. Đồng thời, tất cả các loại thuốc đang dùng có thể cần xem xét lại, thay đổi liều lượng thuốc nếu cần để đảm bảo an toàn hơn khi mang thai.

Như vậy, bằng cách chuẩn bị mang thai và theo dõi thường xuyên với bác sĩ tim mạch trong suốt thai kỳ, hầu hết phụ nữ bị bệnh tim có thể có một thai kỳ an toàn và trẻ sơ sinh khỏe mạnh chào đời.

Tóm lại, bệnh tim khi mang thai là một yếu tố quan trọng khiến thai kỳ trở thành nguy cơ cao. Nếu đã bệnh tim, cách tốt nhất để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh là sản phụ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch trước khi bắt đầu lên kế hoạch có thai. Bằng cách thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cũng như chỉ định điều trị tối ưu, bao gồm cả can thiệp ngoại khoa, bệnh tim mạch ở phụ nữ mang thai có thể không còn là rào cản để thực hiện thiên chức thiêng liêng này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe