Bệnh tim mạch và thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, giải phẫu, huyết học, tuần hoàn... Một trong những thay đổi điển hình là về chức năng tim mạch, bị bệnh tim khi mang thai có thể dẫn đến nhiều nguy cơ trong thai kỳ và sinh nở. Vì thế việc theo dõi, điều trị, tiên lượng và quyết định các can thiệp phù hợp đối với bệnh nhân tim mạch đang mang thai rất quan trọng.

1. Triệu chứng bệnh tim mạch khi mang thai

Thông thường trong thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ có các thay đổi như sau:

  • Thể tích máu và cung lượng của thai phụ tăng từ 40-50%;
  • Huyết áp giảm khoảng 10mmHg do máu di chuyển trực tiếp đến tử cung;
  • Nhịp tim tăng 10-15 lần/phút;
  • Tình trạng tăng đông máu làm tăng nguy cơ huyết khối thuyên tắc.

Những triệu chứng này dẫn đến việc phụ nữ hay mệt, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Thai phụ còn có thể có những triệu chứng ngầm báo hiệu nguy cơ bị bệnh tim khi mang thai như:

  • Giảm khả năng gắng sức
  • Mệt
  • Khó thở phải ngồi
  • Tim đập nhanh
  • Xây xẩm
  • Ngất

Khi có những triệu chứng này, thai phụ nên đi thăm khám, kiểm tra tim mạch để tránh bỏ sót nguy cơ bị bệnh tim khi mang thai.


Tim đập nhanh là triệu chứng thường gặp của mẹ bầu mắc bệnh tim mạch
Tim đập nhanh là triệu chứng thường gặp của mẹ bầu mắc bệnh tim mạch

2. Đối tượng nguy cơ

Một số đối tượng nguy cơ cao nên chủ động khám tim mạch và tư vấn bác sĩ trước khi mang thai:


Mẹ bầu mắc bệnh suy tim làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch khi mang thai
Mẹ bầu mắc bệnh suy tim làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch khi mang thai

3. Chẩn đoán các bệnh tim mạch và thai kỳ

Trước khi mang thai:

  • Khám và tư vấn trước khi mang thai với bác sĩ chuyên khoa tim mạch về các nội dung: tư vấn về nguy cơ cho mẹ và con, cách theo dõi bệnh tim mạch và thai kỳ, chọn nơi sinh, sinh thường hay sinh mổ, theo dõi sau sinh và lựa chọn thuốc phù hợp trong thai kỳ.
  • Trao đổi với chuyên gia di truyền, thực hiện các xét nghiệm di truyền nếu mẹ có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh lý tim mạch có nguy cơ di truyền cho con.
  • Thực hiện siêu âm tim, điện tâm đồ hoặc trắc nghiệm gắng sức trước khi mang thai).

Trong khi mang thai:

  • Khi thai 11-12 tuần tuổi đo độ mờ da gáy.
  • Khi thai 19 – 22 tuần tuổi, siêu âm tim thai sẽ giúp xác định 45% trường hợp tim bẩm sinh trong bào thai.
  • Khi mang thai được 5 và 7 tháng, thai phụ siêu âm tim để dự trù can thiệp tim mạch trước sinh (nếu cần) và chuẩn bị nơi sinh.

Khám thai thường xuyên giúp theo dõi bệnh tim mạch và thai kỳ
Khám thai thường xuyên giúp theo dõi bệnh tim mạch và thai kỳ

4. Các bệnh lý tim mạch thường gặp ở phụ nữ mang thai

4.1. Bệnh lý van tim

Khoảng 1% phụ nữ mang thai có các bệnh lý van tim và tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi. Các bệnh van tim thường gặp bao gồm:

  • Hẹp van hai lá

Chứng hẹp van hai lá thường không có triệu chứng nhưng khi mang thai có thể diễn biến xấu đi do rối loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh), nhu cầu cung cấp máu tăng...dẫn đến biến chứng thường gặp là phù phổi cấp. Nếu không được điều trị dễ có nguy cơ tử vong. Phụ nữ bị hẹp van hai lá nặng cần được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và hướng đến điều trị nong van hoặc phẫu thuật sửa/thay van hai lá trước khi mang thai.

  • Hở van hai lá

Nguyên nhân dẫn đến hở van hai lá thường do di chứng thấp tim hoặc sa van hai lá. Ở thai phụ có chức năng tim còn bù trừ tốt, dung nạp tốt thì đôi khi quá trình mang thai vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên ở những thai phụ có hở van hai lá nặng, kèm theo chức năng tim suy giảm thì khi mang thai dễ có các biến chứng sinh nở.

  • Hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có thể do bẩm sinh hoặc di chứng của thấp tim. Nếu hẹp van động mạch chủ diễn tiến nặng hoặc đã có triệu chứng như khó thở, đau ngực thì nên hoãn có thai cho tới khi được phẫu thuật. Thậm chí nếu đã mang thai và xuất hiện các triệu chứng sớm thì nên cân nhắc việc đình chỉ thai nghén.

  • Hở van động mạch chủ

Khi chức năng tim còn trong giới hạn, thai phụ có thể dung nạp tốt thì đôi khi quá trình mang thai vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý một số thuốc trong quá trình thai nghén như thuốc “Ức chế men chuyển” (thường dùng để điều trị hở van động mạch chủ) có nguy cơ gây dị tật thai nhi nên cần được bác sĩ tư vấn thay thế bằng nhóm thuốc khác.

  • Van cơ học và thai nghén

Những thai phụ có van tim nhân tạo thường phải dùng thuốc chống đông suốt đời, và liên tục trong thời gian mang thai. Tuy nhiên các thuốc chống đông như Warfarin, Sintrom và các dẫn xuất khác có thể dẫn đến bệnh lý thai nhi trong thời gian từ 6-12 tuần tuổi, đồng thời làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai và xuất huyết nội sọ thai. Do vậy nếu tiếp tục mang thai thì thai phụ cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống đông thay thế và tuân theo liệu trình sử dụng phù hợp.


Hở van 2 lá là bệnh lý tim mạch thường gặp
Hở van 2 lá là bệnh lý tim mạch thường gặp

4.2. Rối loạn nhịp tim

Trong thời kỳ mang thai, nhiều thai phụ có cảm giác tim đập mạnh và nhanh trong lồng ngực. Khoảng 20% trường hợp phụ nữ bị rối loạn nhịp nhanh từ trước sẽ tái phát nặng hơn trong thời kỳ có thai. Vì thế, các thai phụ cần được theo dõi về tim mạch trong suốt quá trình mang thai.

4.3. Bệnh nhồi máu cơ tim

Nguy cơ nhồi máu cơ tim thường tăng lên ở trường hợp đa thai, hút thuốc lá, bệnh béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Nhồi máu cơ tim thường gặp nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ và nguy cơ tử vong ở mẹ khoảng 20%. Cách thức điều trị cũng tương tự với người không có thai.


Mẹ bầu béo phì tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim
Mẹ bầu béo phì tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim

4.4. Suy tim khi mang thai

Suy tim khi mang thai thường xảy ra, đặc biệt ở những người từng có tiền sử bệnh lý tim mạch trước khi mang thai. Ở phụ nữ có tiền sử bệnh lý tim mạch, khi mang thai tình trạng suy tim sẽ diễn ra nặng hơn. Còn ở phụ nữ không có tiền sử tim mạch, khi mắc các bệnh lý trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn đến suy tim. Việc điều trị cần hướng đến ổn định tình trạng huyết động, giảm các triệu chứng suy tim, điều trị các yếu tố nguy cơ (thiếu máu, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tuyến giáp...). Nếu tình trạng không được theo dõi và cải thiện có thể dẫn đến tử vong ở cả mẹ và thai nhi.

5. Các nguy cơ gặp phải nếu bị bệnh tim khi mang thai

Nguy cơ cho mẹ:

  • Tăng nguy cơ hình thành huyết khối, kẹt van tim cơ học;
  • Suy tim khi mang thai, chức năng tim suy giảm;
  • Dễ bị rối loạn nhịp tim;
  • Tăng huyết áp thai kỳ gây tiền sản giật (có thể dẫn tới tử vong);
  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Đột tử.

Nguy cơ cho con:

Đối với những thai phụ nói chung và các thai phụ có bệnh tim nói riêng đều cần được theo dõi thai nghén định kỳ theo đúng quy định. Những thai phụ có bệnh lý tim mạch kèm theo, cần được thăm khám và kết hợp điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để giảm thiểu các nguy cơ biến chứng và tai biến trong thai kỳ, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe