Theo dõi khi nuôi dinh dưỡng qua ống thông dạ dày ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nuôi dưỡng qua thông dạ dày ở trẻ sơ sinh là một cách để cung cấp sữa mẹ hoặc sữa công thức trực tiếp vào dạ dày của trẻ. Đây là cách thức hỗ trợ dinh dưỡng tương đối phù hợp sinh lý khi không đảm bảo trẻ hấp thụ đầy đủ lượng sữa cần thiết qua đường miệng.

1. Nuôi dinh dưỡng qua thông dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì?

Ống cho ăn là một ống nhựa nhỏ, mềm dẻo, được đặt qua mũi hoặc miệng và vào đến dạ dày. Những ống này được sử dụng để cung cấp thức ăn và thuốc vào dạ dày cho đến khi bé có thể tập ăn hoàn toàn với lượng phù hợp bằng đường miệng.

Việc nuôi dưỡng trẻ qua các ống thông dạ dày nhìn chung sẽ đơn giản và đảm bảo được thể tích lượng thức ăn cần tiêu thụ. Tuy nhiên, kỹ thuật cho ăn này luôn ẩn chứa những rủi ro nên chỉ thực hiện khi có chỉ định phù hợp và cần nhanh chóng chuyển về nuôi dưỡng trẻ theo đường tự nhiên.

2. Tại sao trẻ cần phải được nuôi ăn qua ống thông dạ dày?

Nuôi dinh dưỡng qua ống thông dạ dày sẽ có chỉ định trên các trẻ sơ sinh không thể dung nạp đủ dinh dưỡng cần thiết qua đường miệng thông thường. Theo đó, ống thông nuôi ăn sẽ cần được sử dụng cho các tình huống sau đây:

  • Trẻ sinh non còn quá nhỏ hay quá yếu để thực hiện động tác bú mút đủ lượng sữa theo tiêu chuẩn.
  • Trẻ có vấn đề trên khả năng phối hợp động tác bú mút và nuốt, thường xuyên bị hít sặc.
  • Trẻ có các dị tật ở miệng, họng, thực quản hoặc dạ dày.
  • Trẻ đang mắc các bệnh lý tại phổi, tim nặng nề, không có khả năng bú mút
  • Trẻ có tình trạng rối loạn tri giác

Trẻ có các dị tật ở miệng
Trẻ có các dị tật ở miệng

3. Quy trình cho trẻ sơ sinh ăn qua ống thông như thế nào?

  • Chọn tư thế cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất khi chuẩn bị ăn. Trẻ sơ sinh có thể được đặt nằm trên giường với nửa thân mình trên được kê cao hơn hay trẻ có thể nằm trong lòng mẹ.
  • Trẻ có thể mút núm vú giả nhằm tạo sự thích thú trong quá trình được cho ăn qua ống thông dạ dày.
  • Kiểm tra lại vị trí của ống thông dạ dày và lượng dịch tồn lưu trong dạ dày bằng ống tiêm nhỏ.
  • Thay thế ống tiêm nhỏ với xilanh của ống tiêm lớn, gắn vào đầu ống thông.
  • Một tay cầm xi lanh với các ngón tay bên dưới kẹp gấp giữ ống thông, tay còn lại từ từ rót sữa mẹ hay sữa công thức vào xilanh.
  • Từ từ mở gấp ống thông dạ dày cho sữa chảy xuống với tốc độ rất chậm theo chiều của trọng lực. Có thể hạ vị trí của xylanh thấp xuống cho tốc độ sữa chảy chậm hơn.
  • Khi lượng sữa trong xylanh gần hết, gấp lại ống thông dạ dày và tiếp tục cho sữa vào xilanh. Sau đó, lặp lại bước 6 cho đến khi hết thể tích sữa cần thiết cho mỗi cữ bú của trẻ.
  • Khi cho ăn xong, tráng sạch lòng ống với một ít nước. Che đậy đầu ngoài của ống và rửa sạch các dụng cụ.

Sau khi cho trẻ sơ sinh ăn qua ống thông dạ dày, cha mẹ hay người chăm sóc cũng cần ẵm trẻ cao đầu, vỗ lưng cho trẻ một cách nhẹ nhàng trước khi đặt trẻ xuống tương tự như khi cho trẻ bú bằng đường miệng nhằm hạn chế hiện tượng trào ngược.

Việc cho trẻ uống thuốc qua ống cũng cần được thực hiện với nguyên tắc tương đồng như quy trình cho ăn.


Hình ảnh cho trẻ sơ sinh ăn qua ống thông dạ dày
Hình ảnh cho trẻ sơ sinh ăn qua ống thông dạ dày

4. Những điều cần lưu ý và theo dõi khi nuôi dinh dưỡng qua thông dạ dày ở trẻ sơ sinh

Một số lưu ý khi nuôi dưỡng trẻ qua đường ống thông dạ dày:

  • Ống thông dạ dày dài hạn có thể sử dụng liên tục trong 1 tuần . Nếu vẫn còn chỉ định nuôi ăn qua ống sau 5-7 ngày thì cần phải thay ống mới. Việc lựa chọn ống cần phù hợp với thể trạng của trẻ tính tới thời điểm thực hiện.
  • Cần thay đổi lỗ mũi đặt ống sang đối bên khi đặt ống mới.
  • Nên cho bé ngậm mút núm vú giả để duy trì phản xạ bú mút của bé.
  • Theo dõi sát các bất thường của trẻ trong quá trình cho ăn. Ngừng lại ngay lập tức nếu thấy trẻ ho, quấy khóc hay có vẻ khó chịu, khó thở, thở nhanh.
  • Chú ý nói chuyện, âu yếm trẻ khi cho ăn qua ống nhằm tạo mối liên kết mẹ con trong quá trình cho ăn tương tự như khi cho bé bú.
  • Việc cho ăn qua ống thông dạ dày nhìn chung là rất an toàn và hiệu quả khi đúng chỉ định. Tuy nhiên, ống nuôi ăn vẫn có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định như kích ứng mũi, miệng hoặc dạ dày, gây chảy máu, nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng mũi. Trong một số ít trường hợp, ống cho ăn có thể làm thủng dạ dày.
  • Luôn kiểm tra vị trí ống thông dạ dày và dịch tồn lưu trước mỗi lần cho trẻ ăn. Trong trường hợp ống bị đặt sai vị trí hay trào ngược dịch tồn lưu vào đường thở, trẻ sẽ phản ứng dữ dội và có triệu chứng khò khè, thở nhanh, khó thở, lên cơn tím tái, ngưng thở hay thậm chí là nguy kịch.

Ống thông dạ dày giúp cung cấp dinh dưỡng cho trẻ
Ống thông dạ dày giúp cung cấp dinh dưỡng cho trẻ

Tóm lại, nuôi ăn qua ống thông dạ dày ở trẻ sơ sinh là một biện pháp gần với tự nhiên nhất nhằm đảm bảo việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ thiếu tháng, nhẹ cân hay có các bất thường đường tiêu hóa trên không thể ăn bằng đường miệng. Tuy nhiên, việc nuôi ăn cần đúng chỉ định, thể tích và thành phần dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp trẻ có được sự phát triển toàn diện nhất như những trẻ bình thường khác.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương đã từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Với thế mạnh trong việc chẩn đoán, khám bệnh lý sơ sinh - hồi sức sơ sinh, Bác sĩ Chương hiện đang là Bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và là thành viên hiệp hội Nhi khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

XEM THÊM

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe