Hội chứng hít phân su (MAS) được định nghĩa là tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh được sinh ra trong nước ối nhuốm phân su, đây là một trong các tai biến đáng sợ. Việc theo dõi và quản lý thai nghén đúng cách giúp phòng ngừa trẻ hít phải phân su khi sinh cũng như tránh được những di chứng về sau.
1. Phân su là gì?
Phân su là chất thải từ đường tiêu hóa của thai nhi, màu xanh đen, quánh, bao gồm nước (70 - 80%), các tế bào vảy, chất tiết từ đường tiêu hóa, lông tóc thai nhi, dịch ối, glycoproteins, muối mật và các biểu mô ruột... Phân su là vô khuẩn, đây là yếu tố đầu tiên để phân biệt với phân bình thường. Những yếu tố tác động đến việc bài tiết phân su của thai nhi trong tử cung gồm: thiếu máu rau thai, tiền sản giật, mẹ cao huyết áp, thiểu ối, mẹ nghiện hút đặc biệt là thuốc lá và cocain. Hít phân su trước hoặc trong khi chuyển dạ có thể làm tắc đường thở, cản trở việc trao đổi khí và là nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp nặng.
2. Nguyên nhân trẻ hít phân su
Thai nhi bình thường cũng có hiện tượng tống xuất phân su trong tử cung hay trong quá trình sinh, đây là biểu hiện của sự trưởng thành của đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, sự tăng tống xuất phân su trước khi sinh có thể liên quan đến tình trạng stress của thai nhi trong tử cung do: tình trạng nhiễm trùng, sản phụ chuyển dạ sinh khó, dây rốn của trẻ bị chèn ép... gây thiếu oxy cho thai, kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng hoạt động ruột, giãn cơ vòng hậu môn và tăng tống xuất phân su vào dịch ối bao bọc quanh thai.
Trong tử cung, dịch ối đi ra đi vào khí quản của thai nhi (phần trên của đường hô hấp), khi thai nhi có động tác thở trong tử cung hay lúc trẻ vừa mới sinh sẽ hít phải nước ối có phân su vào trong phổi, động tác hít thở này xảy ra khi thai nhi có tình trạng thiếu oxy do: nhiễm trùng hay dây rốn bị chèn ép khi mẹ chuyển dạ... Tần suất trẻ sơ sinh hít phân su chiếm gần 9 - 25 % ở trẻ sơ sinh sống. Gần 5% trẻ sinh ra có nước ối nhuốm phân su sẽ bị hít phân su và gần 50% những trẻ này đòi hỏi phải thở máy sau sinh. Các yếu tố rủi ro khác gây hội chứng hít phân su bao gồm:
- Quá trình sinh nở khó và kéo dài
- Tuổi thai cao (thai nghén quá kỳ) > 41 tuần.
- Người mẹ hút thuốc lá nhiều, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao (tăng huyết áp), bệnh hô hấp hoặc bệnh tim mạch mãn tính.
- Các biến chứng của dây rốn
- Thai chậm phát triển (em bé phát triển chậm trong tử cung)
Sinh non không phải là một yếu tố rủi ro gây ra trẻ hít phân su. Trên thực tế, hội chứng này rất hiếm ở trẻ sinh ra trước 34 tuần.
Tuy nhiên, việc xuất hiện phân su trong quá trình chuyển dạ và sinh nở không phải lúc nào cũng liên quan đến suy thai. Đôi khi, những em bé không bị suy thai vẫn thải phân su trước khi sinh. Dù ở trường hợp nào, một em bé thở hổn hển hoặc hít phải phân su có thể phát triển hội chứng hít phân su. Mặc dù hội chứng hít phân su thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra các biến chứng sức khỏe đáng kể cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nếu hội chứng này nghiêm trọng hoặc không được điều trị, nó có thể gây tử vong cho trẻ.
3. Quản lý thai nghén để phòng ngừa trẻ hít phân su
- Phát hiện sớm là biện pháp phòng ngừa tốt nhất trong việc ngăn ngừa hội chứng hít phân su. Việc theo dõi thai nhi trước khi sinh có thể xác định liệu em bé có bị suy không.
- Đặc biệt, những thai kỳ có nguy cơ cao như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ bị tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn... cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.
- Quản lý thai nghén tốt, chăm sóc sản khoa để giảm tỷ lệ sinh thai già tháng. Với những sản phụ có thai ≥ 41 tuần được khuyến cáo can thiệp hơn là theo dõi.
- Khi thấy ra nước ối có màu xanh đậm, sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai, từ đó có những biện pháp can thiệp sớm để tránh các tai biến.
Bác sĩ có thể thực hiện các bước để giảm bớt sự suy yếu của thai nhi trong quá trình chuyển dạ và làm giảm khả năng phát triển hội chứng. Nếu trẻ bị suy yếu, bác sĩ sẽ sẵn sàng đánh giá và điều trị cho em bé ngay lập tức nếu có dấu hiệu của hội chứng hít phân su.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.