Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin là tình trạng được gây ra bởi sự thiếu hụt vasopressin hoặc là sự đề kháng của thận với vasopressin. Bệnh gây rối loạn cân bằng nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Đái tháo nhạt trung ương là gì?
Bệnh đái tháo nhạt trung ương là bệnh về rối loạn khả năng cân bằng nước bên trong cơ thể. Khi đó thận của người bệnh không còn khả năng giữ nước và biểu hiện đi tiểu nhiều gây mất nước trong cơ thể. Vì thế bệnh nhân thường xuyên cảm thấy khát nước, nước tiểu loãng hơn, dễ rơi vào tình trạng mất nước, làm cho nồng độ Kali và Natri tăng cao và cơ thể rơi vào trạng thái mất cân bằng nước và điện giải.
Đái tháo nhạt là một bệnh lý rất hiếm gặp với tỉ lệ 1:25000 người và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi trong đó có gặp ở cả phụ nữ mang thai.
2. Các nguyên nhân gây đái tháo nhạt trung ương
Đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin được gây ra bởi hai nguyên nhân chính sau:
- Đái tháo nhạt trung ương nguyên phát: Bệnh do các bất thường có tính di truyền của gen vasopressin tại nhiễm sắc thể số 20. Đây là một đột biến trội của nhiễm sắc thể gây nguyên phát. Tuy nhiên nhiều trường hợp đái tháo nhạt không rõ nguyên nhân.
- Đái tháo nhạt trung ương thứ phát: Nguyên nhân là do thứ phát được gây ra bởi một số tổn thương như phẫu thuật tuyến yên, chấn thương sọ, khối u trên hoặc tại tuyến yên, nhiễm trùng, tổn thương mạch máu.
3. Triệu chứng lâm sàng của đái tháo nhạt trung ương
Bệnh nhân bị đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin có thể nhận thấy các triệu chứng từ nhẹ đến nặng biểu hiện như sau:
- Số lượng đi tiểu nhiều hơn bình thường rất nhiều có thể từ 3 – 20 lít/ngày thậm chí lên tới 40 lít/ngày.
- Số lần đi tiểu thường xuyên liên tục và mỗi lần đi tiểu chỉ cách nhau khoảng nửa tiếng.
- Ngủ không ngon giấc do thường xuyên phải thức dậy tiểu đêm.
- Bệnh nhân bị mất nước nặng: luôn cảm thấy khát nước nhất là nước lạnh.
- Do mất nước nghiêm trọng nếu bệnh nhân không uống bù đủ lượng nước đã mất do đi tiểu, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, khô da, khô miệng và lưỡi, chóng mặt, chuột rút, lơ mơ, thậm chí bất tỉnh.
- Bị giảm tập trung, mệt mỏi vì phải thức dậy nhiều lần trong đêm.
- Trẻ em bị đái tháo nhạt trung ương sẽ thường xuyên quấy khóc, tiều dầm vào ban đêm và tiểu không tự chủ vào ban ngày, chán ăn, thiếu cân, chậm phát triển...
4. Cách điều trị đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin
Bệnh đái tháo nhạt do nhạy cảm vasopressin có thể điều trị bằng các phương pháp y học, kết hợp với việc thay đổi thói quen sống của người bệnh.
Kỹ thuật chẩn đoán bệnh: để chẩn đoán chính xác căn bệnh đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu bệnh nghiêm trọng, người bệnh sẽ được yêu cầu chụp cộng hưởng từ ở não bộ và một số xét nghiệm bổ sung khác.
Phương pháp điều trị đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin: Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các biện pháp sau:
- Phẫu thuật để loại bỏ khối u chèn ép lên tuyến yên: Nếu bệnh gây ra bởi các bệnh lý vùng dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên thì cần điều trị bệnh chính này trước, ví dụ phẫu thuật loại bỏ khối u.
- Sử dụng những loại thuốc chuyên biệt: Một số thuốc điều trị đái tháo nhạt trung ương:
-Chlopropamid (Diabinese) là thuốc hạ đường huyết, nó có tác dụng làm tăng tái hấp thu nước qua ADH, liều thông thường 125 đến 500mg một ngày, có thể cho tới 4 ngày với liều tối đa.
-Carbamazepin liều 100 đến 300mg hai lần/ngày có tác dụng tăng đáp ứng đối với ADH.
-Clofibrat liều 500mg cứ 6 giờ cho một lần cải thiện tình trạng đái nhiều do tăng giải phóng ADH.
- Kiểm soát được lượng nước uống vào và thải ra.
Lưu ý cần ghi nhớ để phòng ngừa bệnh tiến triển nặng: Để kiểm soát được căn bệnh đái tháo nhạt trung ương người bệnh cần:
- Chỉ uống một lượng nước vừa đủ khi thấy khát.
- Uống thuốc điều trị đái tháo nhạt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu không chấm dứt tình trạng khát nước sau khi uống thuốc.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện các triệu chứng như đổ mồ hôi, sốt cao, tiêu chảy, đi tiểu nhiều hơn khi đang trong thời gian điều trị.
- Người bệnh cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để được tiến hành phẫu thuật nếu cần thiết.
Bệnh đái tháo nhạt nhạy cảm vasopressin nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.