Thổ phục linh là một vị thuốc nam được dùng để chữa chứng đau nhức xương khớp do phong thấp gây ra, giải độc và nhiều tác dụng khác. Thảo dược này thường được dùng kết hợp cùng các vị thuốc khác trong điều trị để tăng hiệu quả các bệnh về xương khớp.
1. Đặc điểm vị thuốc thổ phục linh
Thổ phục linh có tên gọi khoa học là Smilax glabra Roxb Kim cang (Smilacaceae). Bộ phận dùng để làm thuốc là thân rễ của cây thổ phục linh.
Đặc điểm cây thổ phục linh bao gồm:
- Thân: Thổ phục linh là dạng cây dây leo, thân mềm, không có gai và sống lâu năm;
- Lá: Hình trứng hoặc hình bầu dục, đầu nhọn, phía dưới cuống có hình trái tim, mọc so le nhau. Lá có màu xanh, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới xanh nhạt hơn và lớp màu trắng giống như có phấn phủ bên ngoài. Phía dưới của cuống lá có tua;
- Hoa: Thường nở vào tháng 5 - 6 hàng năm, hoa mọc thành cụm ở ngay kẽ lá, hình táng nối với thân cây bằng một cuống dài. Hoa thổ phục linh có màu hồng, một số bông hoa điểm màu chấm đỏ;
- Quả: Thổ phục linh ra quả vào tháng 7 - 10 hàng năm. Quả hình tròn, nhỏ, mọc thành từng chùm. Khi còn non có màu xanh rồi dần chuyển dần sang màu tím, đỏ và lúc chín sẽ có màu đen;
- Hạt: Hình trứng, mỗi quả chứa từ 2 đến 4 hạt;
- Thân rễ: Chính là bộ phận được dùng làm thuốc, có tính chất cứng, hình trụ dẹt hoặc một khối kích thước dài ngắn không đều nhau. Mặt ngoài củ có màu nâu, lồi lõm không đều. Lớp vỏ có thể có vẩy.
Phân bố cây thổ phục linh có nhiều ở các nước khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam... Tại Việt Nam chủ yếu ở các vùng có địa hình rừng núi, thung lũng hoặc trung du ở cả 3 miền như Lạng Sơn, Nghệ An, Khánh Hòa...
Thời điểm thu hái và cách bào chế: Thân rễ được thu hái quanh năm nhưng để có dược tính tốt nhất là vào mùa hạ. Sau khi thu hái tươi đem về sẽ được rửa sạch, để loại bỏ tạp chất, cắt bỏ hết các rễ con mọc xung quanh. Rồi sau đó bào chế bằng cách phơi sấy khô.
Thành phần hóa học vị thuốc thổ phục linh: Tinh bột, Bêta-sitosterol, Sitosterol, tinh dầu, Tamin, Chất nhựa...
2. Thổ phục linh có tác dụng gì?
Theo Đông y, thổ phục linh vị hơi ngọt, tính bình quy vào kinh can và vị. Có công dụng giải độc, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt. Chủ trị trong các chứng đau nhức xương khớp, phong thấp, chứng cước khí (chân tay phù nề đau nhức), co rút gân cơ, nhức mỏi cơ, mụn nhọt, mẩn ngứa, đau bụng kinh, ngộ độc thủy ngân, mày đay...
Trên thực nghiệm chứng minh thổ phục linh có tác dụng giải độc, giảm đau và chống viêm, tăng cường sức mạnh gân cốt, chữa đau xương khớp.
3. Các bài thuốc điều trị bệnh bằng thổ phục linh
Thổ phục linh có thể được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp, mụn nhọt, giải độc... Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng thổ phục linh để điều trị bệnh lý:
- Điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp: 40g thổ phục linh, 100g thịt lợn rồi đem 2 nguyên liệu hầm chung với nhau, sau đó ăn cả nước lẫn cái.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp: Chuẩn bị vị thuốc Ý dĩ 12g; thạch cao 20g; thương truật 8g; liên kiều 12g; thổ phục linh 20g; kê huyết đằng 16g; tri mẫu, hoàng bá đều 12g; cam thảo 6g; ké đầu ngựa 20g; đan sâm 12g;, quế chi 8g; tang chi, phòng phong đều 12g; hy thiêm 20g; tỳ giải, ngân hoa đều 16g; ngạnh mễ 20g; bạch thược 12g. Tất cả các vị thuốc trên rửa qua rồi sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.
- Trị dị ứng nổi mày đay, mụn nhọt, mẩn ngứa: Thổ phục linh 30g, nhẫn đông hoa 20g, thương nhĩ tử 15g. Sắc lấy nước uống chia 3 lần trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang liên tục trong khoảng 3 đến 5 ngày.
- Điều trị bệnh nhọt, nhiễm vi khuẩn giang mai gây hạch độc, lở loét miệng: 60g thổ phục linh, nhẫn đông hoa 15g, cây mũi mác 15g, mã xì hiện 20g, cam thảo 5g. Sắc tất cả các vị lấy nước uống. Kiên trì uống mỗi ngày một thang để được hiệu quả.
- Trị tiểu khó, phù thũng: 10 đến 20g thổ phục linh, sắc uống thay nước hàng ngày giúp lợi niệu.
- Trị đau nhức cơ thể, nổi hạch bẹn: 20g thổ phục linh, 20g rễ cây bươm bướm, 20g rễ cây quýt rừng. Sắc uống chia 3 lần, ngày 1 thang.
- Chữa đau bụng trong kỳ kinh: Thổ phục linh 30g; mã kế 15g; xuyên quy, tiểu hồi hương, hạt phần, hương thảo, mạt dược mỗi loại 10g; dã thiên ma 15g. Sắc uống trước kỳ hành kinh khoảng 3 ngày, ngày 1 thang liên tục trong 7 ngày.
- Đau dây thần kinh tọa: Thổ phục linh 30g, khoan cân đằng 20g, ngưu tất nam 20g, tang ký sinh 20g, cốt toái bổ 10g. Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Dùng ngoài trị rôm sảy: 30g thổ phục linh. Sắc lấy nước đặc bôi vào chỗ nổi rôm sảy ngày 3 – 5 lần. Kết hợp pha loãng nước để tắm.
- Chữa chàm (eczema): Thổ phục linh 50g, tán bột trộn mỗi lần lượng vừa đủ với ít nước rồi đắp lên vị trí bị chàm, ngày 3 lần trong 5 ngày liên tiếp.
- Giải độc và bồi bổ cơ thể: 80 thổ phục linh, 160g thịt lợn, 20g sinh địa hoàng, 1 ít trần bì. Thịt heo thái miếng nhỏ đem hầm với các vị thuốc khác trong 2 giờ. Nêm thêm chút gia vị rồi ăn khi còn nóng.
4. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc thổ phục linh
Bất kỳ một vị thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ, tương tác với các thuốc hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại của người dùng. Vì vậy, khi sử dụng thổ phục linh dược liệu, người dùng nên lưu ý:
- Theo đông y, thổ phục linh không dùng cho người có chứng can thận âm hư, tỳ vị hư hàn.
- Nếu dùng liều quá cao có thể gây kích ứng dạ dày, một số trường hợp có thể bị dị ứng. Nên dùng liều trong khoảng từ 15 đến 30g mỗi ngày.
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú, người đang dùng các thuốc tân dược khác, mắc bệnh lý đặc biệt như hen, thận mạn.
- Thổ phục linh kiêng kỵ dùng với nước trà, cho nên cần tránh dùng chung.
- Tương tác thuốc có thể xảy ra giữa thổ phục linh với các thuốc như Digoxin, Lithium cho nên không dùng chung với nhau.
Như vậy, thông qua bài viết bạn đã biết tác dụng của thổ phục linh, một số bài thuốc chữa bệnh và những lưu ý khi sử dụng. Mặc dù là thảo dược nhưng cũng không được lạm dụng và dùng kéo dài, chỉ nên dùng để trị bệnh khi được thầy thuốc tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.