Thành phần chính của thuốc gây mê

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng, Dược sĩ lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Thuốc gây mê là thuật ngữ y học để chỉ các thuốc được sử dụng trước, trong khi phẫu thuật, thủ thuật để đảm bảo bệnh nhân không có cảm giác đau trong suốt quá trình đó. Một số trường hợp, thuốc khiến bệnh nhân như giống như khi ngủ và khi thoát mê tỉnh dậy sẽ không nhớ gì đã xảy ra.

1. Tổng quan về thuốc gây mê

Có 3 loại gây mê, gây tê cơ bản: Gây tê tại chỗ, gây tê vùnggây mê toàn thân.

Tùy thuộc tình trạng người bệnh và loại phẫu thuật thủ thuật, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp gây mê.

2. Thuốc mê làm từ gì? Thành phần thuốc mê

Dựa trên phương pháp đưa thuốc vào cơ thể, thuốc gây mê chia thành 2 loại:

+ Thuốc mê đường hô hấp

+ Thuốc mê đường tĩnh mạch

Thuốc mê đường hô hấp chia thành hai loại: Thể dễ bay hơi và thể khí

  • Thể dễ bay hơi:

+ Sevofluran (Biệt dược: Sevorane), Desfluran (Biệt dược: Suprane), Isofluran (Biệt dược: Aerrane): Bản chất là eter, có mùi thơm ngọt, không dễ cháy, được bào chế sẵn dưới dạng chất lỏng đóng chai. Các thuốc được phân phối thông qua máy hóa hơi chuyên dụng gắn trên thiết bị gây mê.

+ Halothan (Biệt dược: Fluothane): Bản chất là dẫn chất halogen hóa của hydrocarbon, không màu, dễ bay hơi, không dễ cháy.

  • Thể khí: Khí N20 (Nitơ oxit): Là một khí tự nhiên không màu, dễ cháy, có vị ngọt, còn được gọi là “khí cười”.

Thuốc mê đường tĩnh mạch:

Bao gồm: Propofol (Biệt dược: Diprivan), Ketamin (Biệt dược: Ketamine), Etomidat (Biệt dược: Etomidate).


Thuốc mê đường hô hấp
Thuốc mê đường hô hấp

3. Cơ chế tác dụng của thuốc mê - thuốc mê dược lý

Gây mê toàn thân là trạng thái có thể đảo ngược bao gồm:

+ Mất ý thức

+ Mất trí nhớ

+ Giảm đau

+ Bất động

+ Mất tri giác, cảm giác

Cơ chế của thuốc gây mê chưa được biết đến rõ ràng. Điều hòa tăng chức năng ức chế của chất dẫn truyền thần kinh GABA thông qua gắn vào thụ thể GABA là một trong những cơ chế được biết đến của thuốc gây mê.

  • Thuốc gây mê đường hô hấp là các chất gây mê toàn thân hoàn toàn, trong đó chúng có tất cả các tác dụng trên ở nồng độ phù hợp.

Sau khi hít phải các thuốc gây mê, thuốc gây ra tác dụng liên tục: từ an thần đến gây mê toàn thân - Các thuốc gây mê đường hô hấp có tác dụng đáp ứng với liều: liều càng cao mức độ gây tê và gây mê càng sâu.

  • Thuốc gây mê đường tĩnh mạch: Thường được sử dụng qua đường tĩnh mạch kết hợp với thuốc bổ trợ trong quá trình gây mê toàn thân.

Không có liều cố định của thuốc gây mê tĩnh mạch cho mọi đối tượng.

Liều ban đầu cần được cá thể hóa trên từng đối tượng và liều bổ sung được điều chỉnh tùy theo đáp ứng liên quan đến ý thức, trí nhớ, phản xạ của bệnh nhân.

4. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc gây mê

Trước khi phẫu thuật, bạn nên trả lời chính xác các câu hỏi bác sĩ gây mê dành cho bạn và hãy thoải mái đặt câu hỏi cho bác sĩ gây mê về rủi ro, lợi ích của việc gây mê và loại gây mê phù hợp nhất với bạn. Trước, trong và sau quá trình gây mê, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của bệnh nhân nên bạn cũng không nên quá lo lắng trước khi gây mê cho phẫu thuật.

Một số tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng thuốc gây mê như sau đây:

Thuốc gây mê đường hô hấp dễ bay hơi có thể gây các tác dụng bất lợi bao gồm ức chế hô hấp phụ thuộc liều, suy nhược cơ tim giãn mạch có thể gây hạ huyết áp. Ngoài ra, sử dụng bất kỳ tác nhân dễ bay hơi nào đều liên quan đến tăng nguy cơ buồn nôn và nôn trong giai đoạn hậu phẫu, so với các thuốc gây mê tĩnh mạch.

Nguy cơ mê sảng xuất hiện có thể tăng lên, đặc biệt là ở trẻ em. Hơn nữa, tất cả các thuốc gây mê đường hô hấp dễ bay hơi có khả năng gây ra tăng thân nhiệt ác tính ở những người nhạy cảm.


Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn trước khi chỉ định gây mê
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn trước khi chỉ định gây mê

Bệnh nhân có thể đau họng do đặt ống nội khí quản (ống thở) trong quá trình gây mê. Tình trạng này sẽ được cải thiện sớm sau khi rút ống.

Khi sử dụng thuốc mê đường tĩnh mạch, bác sĩ thường dùng phối hợp một số thuốc hỗ trợ để làm giảm kích thích và phản xạ ho trong quá trình soi, đặt nội khí quản, giảm đau khi tiêm thuốc gây mê.

Propofol: Là thuốc gây mê đường tĩnh mạch được lựa chọn ở đa số bệnh nhân do mê nhanh, tỉnh nhanh, nhiều lợi ích và ít tác dụng phụ.

Một số tác dụng phụ đáng chú ý bao gồm: Hạ huyết áp, ức chế hô hấp phụ thuộc liều, đau vị trí tiêm, nguy cơ nhiễm khuẩn, sốc phản vệ hiếm gặp ở bệnh nhân dị ứng dầu đậu nành và phospholipid trứng.

Etomidat: Thường được chọn ở những bệnh nhân huyết động không ổn định, vì nó không làm thay đổi huyết áp hoặc nhịp tim.

Tác dụng phụ tiềm tàng của thuốc bao gồm suy thượng thận cấp tính thoáng qua, tỷ lệ buồn nôn và nôn cao hơn so với các thuốc gây mê tĩnh mạch khác, đau khi tiêm, không có tác dụng giảm đau, tăng nhẹ sức đề kháng đường thở

Ketamin: Có thể được chọn ở những bệnh nhân bị có nguy cơ hoặc đang tụt huyết áp vì thuốc thường làm tăng huyết áp, nhịp tim.

Các ưu điểm khác của thuốc bao gồm giãn phế quản, giảm đau mạnh, duy trì phản xạ đường thở và đường hô hấp, có thể dùng đường tiêm bắp nếu không thể tiêm tĩnh mạch.


Tăng huyết áp và nhịp tim có thể gặp khi sử dụng thuốc gây mê
Tăng huyết áp và nhịp tim có thể gặp khi sử dụng thuốc gây mê

Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm bao gồm tăng huyết áp, nhịp tim và áp lực động mạch phổi có thể gây bất lợi ở bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim hoặc tăng huyết áp hoặc tăng áp động mạch phổi, có thể gặp tác dụng phụ trên thần kinh như loạn thần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Uptodate

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe