Thai ngoài tử cung: Điều trị nội khoa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thai ngoài tử cung là một trong những bệnh lý sản khoa khá phổ biến đối với phụ nữ đang mang thai. Đây là một tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ nên khi có những dấu hiệu nghi ngờ thì bệnh nhân nên đến những cơ sở khám thai để bác sĩ có cách xử lý thai ngoài tử cung cũng như phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiệu quả nhất.

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung được định nghĩa là tình trạng trứng của người phụ nữ làm tổ cũng như phát triển tại vị trí ngoài nội mạc tử cung khiến cho bào thai phát triển không bình thường. Các vị trí mà trứng thường làm tổ trong bệnh thai ngoài tử cung đó là vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung, vết mổ thành tử cung... Trong đó, trên lâm sàng thì thai ngoài tử cung thường bắt gặp nhiều nhất ở vòi trứng, nguy hiểm nhất là vị trí liên kết giữa vòi trứng và tử cung được gọi là thai đoạn kẽ sẽ gây nên tình trạng vỡ thai từ giai đoạn đầu khiến sản phụ chảy máu rất nhiều và nhanh, đồng thời cũng sẽ có nguy cơ gây chết thai sau khi xử lý trường hợp này.

Các trường hợp khác có thể gặp ở các vị trí còn lại, một số có thể xuất hiện thai ngoài tử cung thai ở hai bên hoặc đa thai với một thai xuất hiện ở buồng tử cung, hai thai còn lại nằm ngoài lòng tử cung nhưng rất hiếm. Đa số các trường hợp thai ngoài tử cung sẽ diễn biến theo trình tự các giai đoạn, đầu tiên sẽ là sảy qua loa, tiếp theo đó sẽ có hiện tượng thoái triển một cách tự nhiên hay còn gọi là thai ngoài tử cung tự tiêu, và nếu nặng hơn thì sẽ bị vỡ ống dẫn trứng gây nên tình trạng xuất huyết ổ bụng rất nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ và cần được phẫu thuật cấp cứu.


Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến thai ngoài tử cung đó là:

  • Có tiền căn mắc bệnh thai ngoài tử cung trước đó
  • Bệnh nhân có tiền sử đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng và những vị trí vùng bụng chậu
  • Bệnh nhân mắc phải bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu
  • Những bệnh lý lây lan qua con đường tình dục
  • Sử dụng thuốc lá
  • Phụ nữ mang thai lớn hơn 35 tuổi
  • Người đã từng nạo phá thai
  • Một số phương pháp hỗ trợ quá trình sinh đẻ

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ thai ngoài tử cung ngày nay đang dần tăng lên vì hiện tượng nạo phá thai diễn ra nhiều hơn cũng như bệnh nhân mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng nào khiến bệnh nhân nghi ngờ mắc phải thai ngoài tử cung thì cần đi khám sớm nhất để được tư vấn cách xử lý thai ngoài tử cung hợp lý nhất.

Các dấu hiệu của thai ngoài tử cung mà thai phụ không được bỏ qua đó là trễ kinh, ngực căng tức, đau bụng bất thường, ra máu âm đạo bất thường. Đặc biệt, khi bệnh nhân có triệu chứng đau bụng dữ dội, đột ngột hoặc có thể là đau vai kèm theo chóng mặt và ngất xỉu thì khả năng rất cao đối với tình trạng vỡ khối thai, vì vậy trong những trường hợp này cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.


Cần lưu ý khi bị đau bụng dữ dội trong thai kỳ
Cần lưu ý khi bị đau bụng dữ dội trong thai kỳ

2. Điều trị thai ngoài tử cung

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung được áp dụng hiện nay bao gồm:

  • Điều trị nội khoa
  • Phẫu thuật
  • Theo dõi thai ngoài tử cung tự tiêu

Phẫu thuật được thực hiện trong thai ngoài tử cung là kỹ thuật mổ hở ổ bụng để cắt vòi trứng hoặc mở vòi trứng và lấy khối thai ra bên ngoài, sau đó tiến hành cầm máu cho sản phụ và bảo tồn vòi trứng để sản phụ tiếp tục có khả năng sinh con vào lần kế tiếp. Ngoài ra, mổ nội soi thai ngoài tử cung là phương pháp hiện đại nhất hiện nay, cho phép vết mổ lành nhanh hơn và ít xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân hơn, tuy nhiên phương pháp này chỉ hiệu quả khi bệnh nhân thai ngoài tử cung đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất, nếu khối thai đã vỡ thì sẽ gây chảy máu ổ bụng nên rất khó để mổ nội soi

Điều trị nội khoa cũng là một cách xử lý thai ngoài tử cung hiệu quả. Thuốc được dùng để điều trị nội khoa thai ngoài tử cung là Methotrexate, RU486, Prostaglandine, Clorua Kali..., trong đó phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là Methotrexate. Cơ chế tác động của Methotrexate lên cơ thể sản phụ đó là ngăn chặn quá trình hoạt động của enzyme chuyển hóa acid folic không hoạt hóa thành acid folic hoạt hóa là thành phần của acid amin, từ đó Methotrexate sẽ gián tiếp ngăn cản sự phân chia DNA, kết quả là tế bào không thể sinh sôi cũng như phát triển được nên khối thai nằm ở ngoài tử cung sẽ được hấp thụ vào cơ thể sau khi dùng thuốc khoảng từ 4 đến 6 tuần. Điểm đặc biệt của phương pháp này đó là ống dẫn trứng của sản phụ vẫn được giữ lại để tạo điều kiện cho lần mang thai tiếp theo của sản phụ.


Methotrexate giúp khối thai nằm ngoài tử cung được hấp thụ vào cơ thể
Methotrexate giúp khối thai nằm ngoài tử cung được hấp thụ vào cơ thể

Khi chỉ định Methotrexate thì sẽ có 2 phác đồ được bác sĩ lựa chọn phụ thuộc vào nồng độ Beta hCG trong cơ thể người phụ nữ khi chưa dùng thuốc, bao gồm phác đồ đơn liều và phác đồ đa liều. Bệnh nhân sẽ được điều trị và theo dõi chỉ số nồng độ Beta hCG, nếu nồng độ này âm tính sau điều trị thì sẽ đạt hiệu quả. Một số trường hợp nồng độ Beta hCG có thể tăng và giảm sau khi dùng thuốc thì bệnh nhân sẽ được điều chỉnh liều Methotrexate lại và có thể áp dụng phẫu thuật nếu cần thiết.

Một số tác dụng phụ khi dùng Methotrexate mà bệnh nhân cần lưu ý đó là:

  • Buồn nôn hoặc nôn, có thể kèm theo đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày.
  • Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên chán ăn.
  • Tiêu chảy
  • Xuất hiện triệu chứng loét vùng miệng
  • Thị lực biến đổi
  • Tóc rụng
  • Nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Suy tủy, ức chế tủy xương dẫn đến giảm bạch cầu trong máu nên bệnh nhân sẽ giảm mức độ chống đỡ với một số bệnh lý.
  • Suy gan
  • Suy thận

Thai ngoài tử cung là bệnh lý thường gặp trong thời kỳ mang thai, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của sản phụ. Cách xử lý thai ngoài tử cung khi bệnh nhân đến sớm và kịp thời, khi thai chưa vỡ là điều trị nội khoa. Đây là phương pháp hiệu quả, ngăn chặn sự phát triển của khối thai nằm ngoài tử cung mà vẫn bảo tồn được vòi trứng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn và thai đã vỡ thì phương pháp điều trị thai ngoài tử cung thường được sử dụng là phẫu.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe