Thai ngoài tử cung: Biến chứng từ viêm ống dẫn trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Một trong những biến chứng đáng sợ nhất của viêm ống dẫn trứng là thai ngoài tử cung. Đây là một tình trạng có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe sản phụ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

1. Mang thai ngoài tử cung là gì?

Từ thụ tinh đến khi sinh nở, quá trình mang thai đòi hỏi rất nhiều thay đổi trên giải phẫu và sinh lý của người phụ nữ. Một trong những bước quan trọng là cần có con đường thông suốt cho trứng đã được thụ tinh di chuyển đến tử cung để làm tổ. Bất cứ trường hợp nào mà trứng được thụ tinh không bám dính vào nội mạc lòng tử cung sẽ được gọi thai ngoài tử cung. Lúc này, vị trí phôi thai làm tổ có thể nằm ở bất kỳ đâu trong cơ quan sinh dục nữ như gắn vào ống dẫn trứng, cổ tử cung hay cả rơi vào khoang bụng.

Ngay khi người phụ nữ phát hiện mình trễ kinh và kết quả chẩn đoán đang mang thai ngoài tử cung (tỷ lệ vào khoảng 1 trong số 50 trường hợp mang thai thông thường) thì cần phải can thiệp sớm trước khi xảy ra các biến chứng, vì có thể nguy kịch đến tính mạng sản phụ.

Chính vì thế, một thai kỳ ngoài tử cung chưa được điều trị luôn được xem là một cấp cứu sản khoa. Chỉ khi điều trị kịp thời mới có thể giảm thiểu các rủi ro nguy hiểm, tăng cơ hội cho một thai kỳ mới khỏe mạnh trong tương lai.


Thai ngoài tử cung là nỗi lo của mọi phụ nữ
Thai ngoài tử cung là nỗi lo của mọi phụ nữ

2. Các nguyên nhân nào gây ra thai ngoài tử cung?

Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung cho đến nay thực sự vẫn không rõ ràng. Trong một số trường hợp, các điều kiện sau đây có liên quan đến thai ngoài tử cung hay thai ngoài tử cung là biến chứng của một số bệnh lý phụ khoa nói chung. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý là các tình trạng bị viêm buồng trứng, bị viêm ống dẫn trứng, áp-xe phần phụ... Đây là các bệnh thuộc nhóm nhóm bệnh viêm phần phụ. Tình trạng viêm nhiễm khiến cơ thể phản ứng lại, bài tiết ra các hóa chất trung gian tiêu diệt vi khuẩn nhưng cũng lại làm phá hủy các mô. Sau đó, viêm nhiễm sẽ tạo điều kiện gây lành sẹo xấu, dây dính vĩnh viễn.

Đối với trường hợp bị viêm ống dẫn trứng nói riêng, mô sẹo làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, tinh trùng vẫn xuôi dòng vào gặp trứng được nhưng hợp tử sau thụ tinh lại không thể di chuyển vào lòng tử cung, phải làm tổ ngay tại ống dẫn trứng, gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung.

Về nguyên nhân của bị viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng, các tác nhân cũng tương tự như những bệnh lý viêm phần phụ. Đó là các vi sinh vật lây truyền qua đường tình dục không an toàn, kể cả giang mai và lậu cầu. Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể là do các hoạt động tình dục với nhiều bạn tình hay thói quen vệ sinh phần phụ không tốt, rối loạn các chủng sinh vật thường trú. Một số ít trường hợp bị viêm ống dẫn trứng là do những can thiệp y tế, là biến chứng sau các thủ thuật, phẫu thuật trên phần phụ trước đó.

Ngoài ra, khả năng mang thai ngoài tử cung sẽ tăng lên nếu có bất thường trong yếu tố nội tiết, bất thường di truyền hay các dị tật bẩm sinh hệ niệu dục sẵn có cũng như mới phát hiện.

Theo đó, nhiều quan sát cho thấy tất cả các phụ nữ khi có hoạt động tình dục đều có thể có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Rủi ro sẽ tăng lên khi có thêm nhiều bất kỳ điều nào sau đây:

  • Mang thai từ 35 tuổi trở lên
  • Tiền sử phẫu thuật vùng chậu, phẫu thuật bụng hoặc phá thai nhiều lần
  • Tiền sử bệnh viêm vùng chậu, bao gồm cả bị viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng và áp-xe phần phụ
  • Tiền sử có lạc nội mạc tử cung
  • Thụ thai tự nhiên xảy ra mặc dù đã thắt ống dẫn trứng hoặc đặt dụng cụ tử cung
  • Thụ thai nhờ thuốc hoặc thủ thuật hỗ trợ sinh sản nhân tạo
  • Tiền sử có thai ngoài tử cung, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như lậu hoặc chlamydia
  • Có bất thường về cấu trúc trong ống dẫn trứng khiến trứng khó di chuyển
  • Thói quen hút thuốc lá

3. Các triệu chứng của thai ngoài tử cung là gì?

Buồn nôn, đau bụng và ra huyết âm đạo là đều là các triệu chứng có thể gặp ở cả thai ngoài tử cung và trong tử cung. Tuy nhiên, đặc điểm cụ thể của các triệu chứng và mức độ của nó sẽ giúp nghi ngờ đến mang thai ngoài tử cung cũng như chỉ ra khi nào là một trường hợp khẩn cấp y tế:

  • Cơn đau bụng dữ dội mới khởi phát
  • Đau xảy ra ở một bên bụng
  • Ra huyết âm đạo từ lượng ít đến lượng nhiều
  • Da lạnh tái
  • Tụt huyết áp
  • Chóng mặt, ngất xỉu

Thai ngoài tử cung gây đau đớn ở một bên bụng
Thai ngoài tử cung gây đau đớn ở một bên bụng

4. Các điều trị và phòng ngừa thai ngoài tử cung như thế nào?

Mang thai ngoài tử cung nhìn chung vẫn là lành tính nếu phát hiện sớm. Nguyên tắc điều trị là cần phải chủ động loại bỏ phôi thai ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cách thức lựa chọn các biện pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào vị trí của thai ngoài tử cung và sự phát triển của nó.

Về nội khoa, bác sĩ sẽ dùng thuốc nhằm mục đích ngăn chặn sự lớn lên của phôi thai, phổ biến nhất là methotrexate. Đây là một loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào phân chia nhanh chóng và sẽ khiến cho sản phụ có các triệu chứng tương tự như sẩy thai, bao gồm đau bụng quặn từng cơn và xuất huyết khối mô ra khỏi âm đạo. Ưu điểm của methotrexate cho đến nay là chưa tìm thấy có nguy cơ tổn thương ống dẫn trứng, bạn có thể mang thai tự nhiên trở lại sau đó vài tháng.

Nếu thai tử cung quá lớn hay đã có biến chứng thai ngoài tử cung, không thể tự đào thải được bằng điều trị nội khoa, vai trò của phẫu thuật sẽ được đặt ra. Bác sĩ sẽ can thiệp với mức độ xâm lấn tối thiểu thông qua ngã nội soi, vừa bóc tách được khối thai và vừa bảo tồn được ống dẫn trứng một cách toàn vẹn nhất.

Về các cách phòng ngừa thai ngoài tử cung, không gì hiệu quả hơn là luôn đảm bảo sự nguyên vẹn của bộ máy sinh sản. Bất kỳ một tổn thương nào tại đây, như bị viêm ống dẫn trứng, đều sẽ gây sẹo dây dính và khiến cho tắc nghẽn, tăng nguy cơ hợp tử làm tổ lạc chỗ. Để đạt được điều này, các biện pháp chủ yếu là giảm thiểu khả năng mắc bệnh lý viêm vùng chậu, thực hiện quan hệ tình dục an toàn với bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình. Song song đó, mỗi người phụ nữ cũng cần xây dựng thói quen vệ sinh sinh dục tốt, duy trì lịch thăm khám phụ khoa thường xuyên, đồng thời có các biện pháp để cải thiện sức khỏe cá nhân nói chung, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, tránh rượu bia và thực hiện chế độ ăn, lối sống khoa học, lành mạnh.

Tóm lại, thai ngoài tử cung là khi thai làm tổ lạc chỗ, là hệ quả phổ biến nhất của viêm ống dẫn trứng. Hơn nữa, những can thiệp trên ống dẫn trứng, kể cả phẫu thuật bóc tách thai ngoài tử cung, cũng sẽ làm tăng nguy cơ thai ngoài tái phát. Vậy nên, tích phòng tránh viêm ống dẫn trứng là một biện pháp hữu hiệu bảo vệ sức khỏe sinh sản để thực hiện thiên chức mang thai và sinh con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe