Phẫu thuật thai ngoài tử cung bị vỡ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thai ngoài tử cung bị vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa thường gặp, xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Thai ngoài tử cung nói chung và thai ngoài tử cung bị vỡ nói riêng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Có thai ngoài tử cung là gì?

Có thai ngoài tử cung là tình trạng bất thường vị trí làm tổ của thai, túi thai sẽ không nằm trong buồng tử cung mà làm tổ ở những vị trí khác như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,... Tỷ lệ gặp thai ngoài tử cung trên lâm sàng được đánh giá ở mức độ trung bình, khoảng 5 đến 10 trường hợp trên 1000 phụ nữ mang thai. Thai ngoài tử cung bị vỡ là biến chứng đáng sợ nhất vì gây mất máu nhiều, dễ dẫn đến sốc và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Người đã từng có thai ngoài tử cung sẽ có nguy cơ cao gặp phải thai ngoài tử cung ở những lần mang thai tiếp theo. Khuyến cáo đưa ra cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần lưu tâm đến những triệu chứng bất thường như rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, cần biết cách thử thai và tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện sớm dấu hiệu thai ngoài tử cung nếu có.

Những người phụ nữ có thai ngoài tử cung được lựa chọn điều trị theo một trong hai phương pháp: Điều trị nội khoa bảo tồn và mổ thai ngoài tử cung. Cách xử lý thai ngoài tử cung được quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, quan trọng nhất là biểu hiện lâm sàng của người bệnh.

2. Nguyên nhân của thai ngoài tử cung


Nạo phá thai nhiều lần có thể dẫn đến nguyên nhân có thai ngoài tử cung
Nạo phá thai nhiều lần có thể dẫn đến nguyên nhân có thai ngoài tử cung

Có thai ngoài tử cung là hậu quả của nhiều nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh lý liên quan đến sản phụ khoa như viêm vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, các can thiệp và phẫu thuật liên quan đến vòi trứng và tử cung, tiền sử nạo phá thai nhiều lần, u nang buồng trứng,...

3. Dấu hiệu và biến chứng của thai ngoài tử cung

Một trường hợp có thai ngoài tử cung chưa vỡ thường có biểu hiện trên lâm sàng như:

  • Đau bụng: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở những phụ nữ có thai ngoài tử cung. Người bệnh đột ngột đau bụng âm ỉ vùng bụng dưới hoặc một bên vùng chậu tương ứng với vị trí làm tổ của thai, có thể có cảm giác nhói.
  • Trễ kinh: Trễ kinh hoặc mất kinh là dấu hiệu gợi ý đang mang thai.
  • Ra máu âm đạo bất thường, còn gọi là rong huyết: Máu chảy ra ngoài âm đạo thường không liên quan đến chu kỳ hành kinh. Máu màu đỏ bầm, lượng ít và không đông. Tuy nhiên trong một số ít các trường hợp, triệu chứng ra máu âm đạo có thể xuất hiện trước chu kỳ kinh ít ngày và kéo dài sau đó làm người bệnh nhầm lẫn với một chu kỳ kinh bình thường và không nghĩ mình mang thai. Điều này tạo nên một cái bẫy làm trì hoãn việc chẩn đoán thai ngoài tử cung và làm tăng tỷ lệ biến chứng thai ngoài tử cung bị vỡ.

Thai ngoài tử cung có thể diễn tiến đến thể huyết tụ thành nang. Khi thai ngoài tử cung bị vỡ gây chảy máu rỉ rả, máu đọng lại ở túi cùng sau, vị trí thấp nhất trong ổ bụng. Phần túi thai bị vỡ sẽ được các quai ruột và mạc nối trong ổ bụng đến bao bọc tạo thành một nang nên có tên gọi huyết tụ thành nang. Trong tình huống này, người bệnh thường có thêm các dấu hiệu khác kèm theo như cảm giác muốn đi đại tiện, tiểu lâu, tiểu nhiều lần. Các triệu chứng đau bụng và rong huyết thường diễn ra trong thời gian lâu hơn.

Biến chứng nặng nề nhất là thai ngoài tử cung bị vỡ gây mất nhiều máu. Tổng trạng của người bệnh bị ảnh hưởng với biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, cảm giác choáng, ngất xỉu, da niêm mạc nhạt màu, mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt với nguy cơ diễn tiến đến sốc mất máu và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

4. Chẩn đoán thai ngoài tử cung


Chuẩn đoán có thai ngoài tử cung
Chuẩn đoán có thai ngoài tử cung

Chẩn đoán thai ngoài tử cung được thiết lập dựa trên sự phối hợp của các dữ kiện về lâm sàng và cận lâm sàng. Một trường hợp có thai ngoài tử cung điển hình biểu hiện bằng tam chứng kinh điển bao gồm: Trễ kinh, đau bụng và ra máu âm đạo. Tuy nhiên, muốn chẩn đoán chính xác và phát hiện biến chứng thai ngoài tử cung bị vỡ, các bác sĩ cần có sự giúp đỡ của các phương tiện cận lâm sàng như:

  • Định lượng beta-HCG: Nồng độ beta -HCG tăng cao giúp chẩn đoán một tình trạng có thai chứ không phải xác định thai ngoài tử cung.
  • Siêu âm bụng hoặc siêu âm đầu dò âm đạo: Siêu âm giúp phát hiện túi thai nằm ở vị trí bất thường hoặc cho thấy hình ảnh buồng tử cung trống trong bối cảnh nồng độ beta - HCG tăng giúp gợi ý nhiều cho chẩn đoán thai ngoài tử cung. Hình ảnh túi thai nằm ngoài buồng tử cung không dễ quan sát được. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ siêu âm có thể thấy hình ảnh máu đọng túi cùng sau là hình ảnh gián tiếp gợi ý một thai ngoài tử cung bị vỡ.
  • Nội soi ổ bụng: Là phương tiện hiện đại vừa dùng để chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung. Đây là tiêu chuẩn vàng với độ chính xác 100% để chẩn đoán thai ngoài tử cung.

5. Mổ thai ngoài tử cung

Mổ thai ngoài tử cung là biện pháp điều trị cần thiết trong các trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ. Ngày nay, mổ thai ngoài tử cung qua nội soi đang dần lấn át phương pháp mổ mở truyền thống vì nhiều ưu điểm như:

  • Thời gian phẫu thuật nhanh
  • Bệnh nhân chỉ cần nằm viện ngắn ngày
  • Ít đau và nhanh chóng lấy lại sức khỏe
  • Tính thẩm mỹ cao vì xâm nhập tối thiểu, không để lại sẹo lớn trên bụng như phương pháp mổ mở thông thường
  • Không dùng quá nhiều thuốc
  • Chi phí điều trị thấp

Mổ mở thai ngoài tử cung được chỉ định cho những trường hợp nặng nề cần chấm dứt nhanh tình trạng chảy máu trong ổ bụng hoặc khi xuất hiện tình trạng dính vùng chậu nhiều gây khó khăn khi phẫu thuật nội soi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe