Thai chết lưu trong tử cung và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thai chết lưu trong tử cung là sự cố không mong muốn của bất kỳ sản phụ nào; nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người mẹ đặc biệt với phụ nữ lần đầu mang thai.

1. Thai lưu là gì?

Về mặt y học, những trường hợp em bé chết trong bụng mẹ quá 48h được gọi là thai lưu. Thai chết lưu có thể xảy ra trong mọi giai đoạn của thai kỳ, và thường được chia thành hai nhóm:

  • Nhóm thai lưu dưới 20 tuần tuổi.
  • Nhóm thai lưu sau 20 tuần tuổi: Trong nhóm này tiếp tục được chia ra thành thai chết lưu sớm từ 20-27 tuần tuổi và muộn từ 28-36 tuần tuổi. Sau 37 tuần tuổi thì gọi là thai lưu đủ tháng.

Thai chết lưu trong tử cung gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mẹ. Đầu tiên là chứng rối loạn đông máu, thời gian thai lưu trong tử cung càng lâu thì nguy cơ rối loạn đông máu càng cao. Sau đó là các biến chứng nhiễm trùng sau khi vỡ ối dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng đặc biệt do vi khuẩn Gram âm.

2. Nguyên nhân thai chết lưu trong tử cung?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thai lưu vì vậy rất khó xác định được lý do cụ thể. Tuy nhiên, thai lưu thường đến từ ba nhóm nguyên nhân chính sau:

2.1 Nguyên nhân về phía mẹ

  • Người mẹ mắc các bệnh mãn tính như viêm gan, suy thận, tiểu đường, tim mạch, lao phổi....
  • Tăng huyết áp thai kỳ dẫn đến tiền sản giật gây nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ và bé.
  • Người mẹ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như lậu, giang mai. Nhiễm ký sinh trùng như: Sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính làm tỷ lệ chết gần như 100%. Nhiễm vi-rút như viêm gan, cúm, sởi...
  • Người mẹ mắc các chứng bệnh nội tiết như: Thiểu năng giáp, basedow..
  • Người mẹ làm việc trong môi trường độc hại, lao động vất vả, thiếu dinh dưỡng...
  • Người mẹ sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, bị bệnh béo phì... thì khả năng thai chết lưu cao hơn bình thường.
  • Người mẹ bị dị dạng tử cung dẫn đến không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi.

2.2 Nguyên nhân từ phía thai nhi

  • Mẹ và bé có nhóm máu bất đồng.
  • Thai nhi bị dị tật bẩm sinh
  • Đa thai có hiện tượng các thai truyền máu cho nhau, khi đó thai cho máu dễ bị chết lưu.
  • Thai nhi có các dị tật di truyền từ bố hoặc mẹ.
  • Thai nhi bị nhiễm khuẩn.

2.3 Nguyên nhân từ phần phụ thai:

Các bệnh lý từ rau thai: phù bánh rau, bánh rau bị bong...

  • Sự bất thường từ dây rốn như bị thắt nút, bị xoắn quá mức, dây rốn bị chèn ép, quấn cổ hoặc các chi..

3. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán thai chết lưu


Ra máu âm đạo trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của thai chết lưu
Ra máu âm đạo trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của thai chết lưu

3.1 Thai chết lưu dưới 20 tuần tuổi

3.1.1 Lâm sàng

  • Ra máu âm đạo tự nhiên, ra từng ít một, máu có màu nâu đen hoặc đỏ sẫm.
  • Đau bụng trong trường hợp dọa sẩy hoặc đang sẩy thai lưu.
  • Khi đi khám thấy tử cung bé hơn tuổi thai.

3.1.2 Cận lâm sàng

  • Làm xét nghiệm hCG trong nước tiểu thấy âm tính.
  • Nồng độ βhCG thấp hơn so với tuổi thai.
  • Siêu âm giúp xác định chính xác tình trạng thai

Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt thai chết lưu với các trường hợp thai ngoài tử cung, chửa trứng, dọa sẩy thai, tử cung có u xơ để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.

3.2 Thai chết lưu trên 20 tuần tuổi

3.2.1 Lâm sàng

  • Người mẹ không thấy thai cử động, bụng không to lên mà có chiều hướng bé đi.
  • Người mẹ gặp tình trạng tiết sữa non.
  • Ra máu âm đạo, đau bụng.
  • Các triệu chứng bệnh như nghén nặng, tiền sản giật tự nhiên thuyên giảm.
  • Khi đi khám thì thấy tử cung bé hơn tuổi thai, khó sờ nắn các phần của thai nhi, đặc biệt là tim thai không còn.

3.1.2 Cận lâm sàng

  • Khi thai nhi sau 20 tuần tuổi thì hoàn toàn có thể siêu âm ra kết quả chính xác tình trạng của thai nhi.
  • Chụp X quang: Nếu thai chết lưu sẽ có hình ảnh chồng xương sọ, cột sống bị gấp khúc... tuy nhiên phương pháp này ngày nay không được sử dụng nữa vì gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.

4. Mẹ nên làm gì khi thai chết lưu?


Khi mẹ bầu được chẩn đoán thai chết lưu trong tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai ra ngoài
Khi mẹ bầu được chẩn đoán thai chết lưu trong tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai ra ngoài

Khi mẹ bầu được chẩn đoán thai chết lưu trong tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai ra ngoài, điều trị chống rối loạn đông máu và nhiễm trùng.

Trước khi cho thai ra ngoài, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ đặc biệt là lượng fibrinogen máu, nếu có hiện tượng rối loạn chức năng chống đông máu thì điều trị ngay rồi mới đặt vấn đề giải quyết thai lưu. Ngoài ra còn phải phòng chống nhiễm khuẩn tốt, dùng kháng sinh liều cao toàn thân, phối hợp trong 5-7 ngày.

Cho thai ra ngoài có thể là: Nạo thai hoặc gây sảy thai, chuyển dạ: Phương pháp này dùng cho các thai lưu mà thể tích tử cung to hơn tử cung có thai 3 tháng.

Thai chết lưu là điều không mong muốn của bất kỳ mẹ bầu nào, nó gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý của phụ nữ mang thai, đặc biệt là tâm lý mang một bào thai đã chết. Bác sĩ và người nhà cần động viên và giải thích cặn kẽ để thai phụ tránh được những ảnh hưởng xấu từ lần mang thai này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe