Tế bào NK là gì? Giá trị của xét nghiệm tế bào NK trong y học

Bài viết bởi:

  • ThS. Bùi Việt Anh – Giám đốc Khối Liệu pháp Tế bào, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
  • ThS. Lê Thị Huyền - Khối Liệu pháp Tế bào, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec

Tế bào miễn dịch NK đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể, có khả năng sản xuất chất gây viêm (IFN-γ) và chất gây hoại tử khối u (TNF-α), đóng vai trò lớn trong khả năng chống lại vi khuẩn và thực hiện giám sát miễn dịch các khối u. Xét nghiệm tế bào NK giúp biết được khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh, đặc biệt là khả năng loại bỏ các tế bào ung thư.

1. Tế bào NK là gì?

Tế bào giết tự nhiên (natural killer cell-NK) được phát hiện đầu tiên vào giữa năm 1970, là một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào Lympho (bao gồm: tế bào B, tế bào T, tế bào NK), đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể. NK chứa các hạt granzyme và perforin là 2 thành phần thiết yếu tạo nên hoạt tính gây độc, tiêu diệt các tác nhân lạ, tế bào nhiễm virus và các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, tế bào NK có khả năng sản xuất chất gây viêm (IFN-γ) và chất gây hoại tử khối u (TNF-α), đóng vai trò lớn trong khả năng chống lại vi khuẩn và thực hiện giám sát miễn dịch các khối u.


Tế bào giết tự nhiên (Natural killer cell – NK) chứa các hạt granzyme và perforin.
Tế bào giết tự nhiên (Natural killer cell – NK) chứa các hạt granzyme và perforin.

Có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu, trải qua quá trình thay đổi các dấu ấn bề mặt tế bào, tế bào miễn dịch NK được nhận dạng: Không biểu hiện dấu ấn CD19 (tế bào B), CD3 (tế bào T) và biểu hiện dấu ấn CD56. Trong cơ thể người, tế bào miễn dịch NK xuất hiện ở máu ngoại vi với tỷ lệ 5-15% tổng số tế bào Lympho, ngoài ra, chúng còn được tìm thấy trong lá lách, gan, phổi, tủy xương, các hạch bạch huyết và cổ tử cung.

2. Xét nghiệm tế bào NK

Xét nghiệm tế bào NK là xét nghiệm giúp đánh giá “năng lực hoạt động” của tế bào miễn dịch NK. Từ kết quả đó, chúng ta biết được khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh, đặc biệt là khả năng loại bỏ các tế bào ung thư. Trường hợp chỉ số NK đạt ngưỡng thấp là căn cứ thực hiện thêm các xét nghiệm thăm khám sàng lọc khác cũng như ý thức sinh hoạt nâng cao sức khỏe, sử dụng biện pháp tăng cường miễn dịch tự thân. Đối với bệnh nhân điều trị ung thư, kết quả xét nghiệm tế bào NK cho biết sự tiến triển tình trạng bệnh, hỗ trợ các bác sĩ tốt hơn trong quá trình đưa ra phác đồ điều trị.

Hiện nay, xét nghiệm đánh giá NK được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm: Đánh giá hoạt tính gây độc tế bào, phân tích tế bào theo dòng chảy, hoặc đo nồng độ chất tiết TNF-α, IFN-γ... Thông thường, xét nghiệm tế bào NK sử dụng một lượng máu nhỏ tĩnh mạch. Trong trường hợp đánh giá khả năng tiếp nhận phôi tại tử cung mẹ khi thụ tinh ống nghiệm, tế bào miễn dịch NK được thu thập từ mẫu sinh thiết niêm mạc cổ tử cung.

3. Những trường hợp nên và không nên thực hiện xét nghiệm NK

Xét nghiệm tế bào NK đánh giá mức độ hoạt động của hệ miễn dịch bẩm sinh là một chỉ số mới trong sàng lọc ung thư và nguyên nhân sảy thai, áp dụng cho:

  • Đối tượng có nguy cơ suy giảm miễn dịch: Sinh hoạt không điều độ, thường xuyên sử dụng các chất kích thích hoặc người trên 50 tuổi, làm việc trong môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc ung thư.
  • Đối tượng thực hiện biện pháp tăng cường miễn dịch tự thân.
  • Phụ nữ sảy thai nhiều lần, thất bại trong thụ tinh nhân tạo IVF không rõ nguyên nhân.

Xét nghiệm tế bào NK không áp dụng cho các đối tượng:

  • Mắc bệnh tự miễn đang hoạt động
  • Người đang điều trị ức chế miễn dịch chống thải ghép, bệnh liên quan miễn dịch
  • Phụ nữ mang thai
  • Người mắc bệnh ung thư tế bào lympho, ung thư tủy, suy tủy.

Phụ nữ mang thai không được chỉ định xét nghiệm tế bào NK
Phụ nữ mang thai không được chỉ định xét nghiệm tế bào NK

Tài liệu tham khảo

  1. Choucair, K., Duff, J. R., Cassidy, C. S., Albrethsen, M. T., Kelso, J. D., Lenhard, A., ... & Nemunaitis, J. (2019). Natural killer cells: a review of biology, therapeutic potential and challenges in treatment of solid tumors. Future Oncology, 15(26), 3053-3069.
  2. Wu, Y., Tian, Z., & Wei, H. (2017). Developmental and functional control of natural killer cells by cytokines. Frontiers in immunology, 8, 930
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe