Tất cả các cơ quan trong cơ thể con người đều cấu tạo bằng tế bào. Số lượng tế bào trong cơ thể người rất lớn, lên đến khoảng 75 nghìn tỉ. Có nhiều loại tế bào khác nhau về hình thái, kích thước, chức năng... Vậy tế bào dài nhất trong cơ thể người là tế bào nào?
1.Hình dáng và cấu tạo của tế bào trong cơ thể người
Các tế bào trong cơ thể người khác nhau về hình dạng:
- Hình cầu (tế bào trứng);
- Hình đĩa (hồng cầu);
- Hình khối (tế bào biểu bì);
- Hình nón, hình que (tế bào võng mạc);
- Hình thoi (tế bào cơ);
- Hình sao (tế bào thần kinh — nơron);
- Hình sợi (tóc, lông);
- Hình dạng giống các sinh vật khác (bạch cầu, tinh trùng)...
Các tế bào trong cơ thể người khác nhau về kích thước: dài, ngắn, lớn, bé... và chức năng của các tế bào cũng khác nhau tùy theo vị trí tồn tại của chúng ở cơ quan nào, hoặc ngay cả ở trong cùng một cơ quan thì chức năng của tế bào cũng khác nhau. Mặc dù khác nhau về nhiều mặt nhưng nhìn chung tế bào trong cơ thể người đều được cấu thành từ 3 phần cơ bản là: màng sinh chất, chất tế bào và nhân.
1.1. Màng sinh chất
Là lớp màng bao bên ngoài tế bào, thành phần chính gồm protein và lipit. Màng sinh chất giúp tế bào trao đổi chất với môi trường xung quanh;
1.2. Chất tế bào
Bên trong lớp màng sinh chất là chất tế bào, chứa nhiều bào quan và chất phức tạp. Những hoạt động của tế bào chủ yếu diễn ra trong chất tế bào. Các bào quan chính là lưới nội chất, ti thể, ribôxôm, bộ máy Gôngi, trung thể:
- Lưới nội chất là một hệ thống các xoang và túi dẹp có màng bao bọc. Lưới nội chất gồm lưới nội chất hạt (có thể mang các ribôxôm) hoặc lưới nội chất trơn. Chức năng chính của lưới nội chất là môi trường liên kết giữa các bào quan, tổng hợp và vận chuyển các chất;
- Ri-bô-xôm: Nằm trên lưới nội chất hạt hoặc trôi trong bào tương. Cấu tạo từ hai tiểu đơn vị chứa rARN và là nơi sinh tổng hợp protein;
- Ti thể: Bao gồm nhiều nếp gấp tạo thành các mào chứa chất nền, được bao bọc bởi 2 lớp màng. Chức năng của ti thể là tham gia hô hấp tế bào tạo ATP;
- Bộ máy Gôngi: Là một hệ thống nhiều túi màng dẹt xếp chồng lên nhau. Nhiệm vụ chính là thu nhận, hoàn thiện, phân phối, tích trữ các sản phẩm;
- Trung thể: Nhiệm vụ của trung thể là tham gia vào quá trình phân chia tế bào.
1.3. Nhân
Có dạng bầu dục hoặc hình cầu, được bao bọc bởi màng nhân bên ngoài và có dịch nhân và nhiều nhân con bên trong:
- Chất nhiễm sắc: Bên trong dịch nhân và là chất cấu tạo thành nhiễm sắc thể, chứa ADN đóng vai trò di truyền;
- Nhân con: Chứa các rARN tạo thành ribôxôm, đóng vai trò quan trọng trong tế bào.
2.Thành phần hóa học của tế bào
Tế bào cấu tạo từ nhiều chất hữu cơ và vô cơ khác nhau. Trong đó quan trọng nhất vẫn là các chất hữu cơ:
- Protein (chất đạm): Là một phức chất cấu tạo từ các nguyên tố hóa học cacbon (C), hydro (H), oxy (O), nitơ (N), lưu huỳnh (S) và một số nguyên tố khác. Protein được xem là một đại phân tử, đây là thành phần quan trọng có mặt trong tất cả các tế bào;
- Glucid (chất đường bột): Bao gồm các nguyên tố C, H và O. Trong cơ thể, glucid ở dưới dạng đường glucose (trong máu) và glycogen (có ở gan và cơ);
- Lipid (chất béo): Tồn tại ở nhiều cơ quan, gồm 3 nguyên tố chính là C, H, O nhưng tỉ lệ khác với glucid. Lipit là chất dự trữ của cơ thể.
- Axit nucleic (ADN hay ARN) chủ yếu có trong nhân tế bào, đây là các đại phân tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình di truyền.
3.Tế bào nào dài nhất trong cơ thể người?
Để biết được tế bào nào dài nhất trong cơ thể người, chúng ta hãy cùng liệt kê một số kích thước của các tế bào lớn trong cơ thể:
- Tiểu cầu dài: 2 - 3 micromet;
- Hồng cầu dài: 6.2 - 8.2 micromet;
- Tế bào da dài: 7 - 12 micromet;
- Tế bào gốc phôi thai dài: 12 - 13 micromet;
- Bạch cầu hạt dài: 12 - 17 micromet;
- Bạch huyết bào dài: 7 - 20 micromet;
- Bạch cầu mono dài: 20 micromet;
- Đại thực bào dài: 20 - 30 micromet;
- Tế bào sụn dài: >20 micromet;
- Tế bào mỡ dài: 100 micromet;
- Tế bào gốc dài: 50 - 200 micromet;
- Tinh trùng dài: 50 - 60 micromet;
- Tế bào trứng dài: 100 - 200 micromet;
- Tế bào cơ tim dài: 50 - 100 micromet;
- Tế bào cơ trơn dài: 600 micromet;
- Tế bào cơ xương: 10 - 40 milimet;
- Tế bào thần kinh có thể dài đến 1 mét.
Như vậy có thể thấy, tế bào thần kinh là tế bào dài nhất trong cơ thể con người. Nơ-ron là đơn vị cơ bản cấu tạo nên hệ thần kinh của hầu hết các loài động vật và là thành phần quan trọng bậc nhất của não, có khả năng cảm ứng, phát ra xung động thần kinh và dẫn truyền xung điện.
Ước tính có khoảng 100 tỷ nơron trong não con người. Nơron là những tế bào dài nhất trong cơ thể người, có độ biệt hóa cao nên mất đi trung thể và khả năng phân chia, tuy nhiên nơron có khả năng tái sinh lại phần cuối của sợi trục trong những trường hợp bị thương tổn.
4.Hoạt động sống của tế bào
Hoạt động sống của các tế bào trong cơ thể bao gồm nhiều quá trình như đồng hóa và dị hóa, sinh sản và cảm ứng, sinh trưởng và phát triển.
Mỗi tế bào trong cơ thể người đều được cung cấp dinh dưỡng từ hệ thống mạch máu. Đồng thời, trong mỗi tế bào quá trình tổng hợp các hợp chất hữu cơ phức tạp từ những chất đơn giản luôn luôn diễn ra.
Tương ứng với tổng hợp là sự phân giải các hợp chất hữu cơ thành những chất đơn giản và giải phóng năng lượng cho cơ thể hoạt động. Hai quá trình tổng hợp và phân giải được gọi là đồng hóa và dị hóa. Chúng được xem là hai hoạt động sống quan trọng nhất của tế bào.
Ngoài ra, để duy trì tế bào cũng phải sinh sản bằng cách phân chia trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo nên những tế bào mới. Khả năng thu nhận và phản ứng trước các kích thích bên ngoài được gọi là quá trình cảm ứng.
Mặt khác, các tế bào sinh sản nhanh chóng để cơ thể sinh trường, phát triển. Quá trình này diễn ra nhanh và mạnh ở người trẻ và chậm lại ở người trưởng thành. Song song đó, tế bào trong cơ thể người cũng chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.