Tăng sắc tố da: Nguyên nhân, cách điều trị

Tăng sắc tố là một tình trạng xảy ra khá phổ biến và thường vô hại. Khi mắc chứng này, các mảng da sẽ trở nên tối màu hơn so với da bình thường xung quanh. Hiện tượng sẫm màu này xảy ra khi dư thừa melanin, sắc tố màu nâu tạo ra màu da bình thường, hình thành các cặn lắng trên da. Tăng sắc tố có thể ảnh hưởng đến màu da của mọi người, thuộc mọi chủng tộc.

1. Chứng tăng sắc tố da là gì?

Tình trạng khiến da bị sạm đen được gọi là chứng tăng sắc tố da. Đó có thể là những mảng nhỏ, bao phủ với khu vực da lớn hoặc có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Tăng sắc tố da thường vô hại nhưng đây có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe nào đó khác.

Bạn có thể bắt gặp một số loại tăng sắc tố da, bao gồm:

  • Nám: Nguyên nhân gây ra là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai. Các khu vực tăng sắc tố da xảy ra phổ biến ở bụng và mặt, tuy nhiên nó có thể diễn ra ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể.
  • Sạm nắng: Nguyên nhân gây ra là bởi bạn phơi nắng quá mức trong thời gian dài. Tăng sắc tố da biểu hiện dưới dạng xuất hiện các đốm da ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như bàn tay, mặt
  • Thâm mụn: Đây thường là kết quả do làn da bị tổn thương.

Nám là dấu hiệu của tình trạng tăng sắc tố da
Nám là dấu hiệu của tình trạng tăng sắc tố da

2. Nguyên nhân gây tăng sắc tố da

Sạm da là một dạng tăng sắc tố da phổ biến. Tình trạng này xảy ra do tác hại của ánh nắng mặt trời. Những mảng da nhỏ, sẫm màu này thường được tìm thấy trên tay, mặt hoặc các khu vực khác trên cơ thể, nơi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Rám má - tình trạng này tương tự như các vết sạm da, tuy nhiên đây là những vùng da sẫm màu có kích thước lớn hơn và thường xuất hiện do sự thay đổi nội tiết tố. Chẳng hạn như khi bạn mang thai, có thể kích hoạt việc sản xuất quá mức hàm lượng melanin, gây ra tình trạng nám da. Dùng thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng sắc tố da vì họ có thể trải qua quá trình thay đổi nội tiết tố tương tự như trong thời kỳ mang thai. Nếu tình trạng tăng sắc tố da diễn ra nghiêm trọng, bạn nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai.

Thay đổi màu da có thể xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài. Ví dụ, các bệnh về da như mụn trứng cá có thể để lại các đốm đen sau khi tình trạng này biến mất. Các nguyên nhân khác gây ra các vết nám trên da là do vết thương trên da, bao gồm một số phẫu thuật. Tàn nhang là những đốm nhỏ màu nâu có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất trên mặt và cánh tay. Tàn nhang là một đặc điểm di truyền.


Di truyền có thể là nguyên nhân gây tàn nhang
Di truyền có thể là nguyên nhân gây tàn nhang

Tàn nhang, đốm đồi mồi và các mảng da sẫm màu khác có thể trở nên sẫm màu hơn hoặc rõ rệt hơn khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này xảy ra bởi vì melanin hấp thụ năng lượng của các tia cực tím có hại của mặt trời để bảo vệ da khỏi bị phơi nhiễm quá mức. Kết quả thông thường của quá trình này là sạm da, có xu hướng làm tối các khu vực đã bị tăng sắc tố.

Các tế bào da chuyên melanocytes tạo ra lượng sắc tố melanin (tăng sắc tố), làm cho da bị sạm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Với một số người có làn da trắng, một số tế bào melanocytes sản xuất nhiều melanin hơn những người khác để phản ứng với ánh sáng mặt trời. Tình trạng tàn nhang xảy ra do sự sản xuất melanin không đồng đều này và thường có tính di truyền. Tùy thuộc vào từng loại, nguyên nhân thực tế gây tăng sắc tố rất khác nhau.

Nguyên nhân gây ra tăng sắc tố da cục bộ, có thể bao gồm:

  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Tình trạng viêm da
  • Tình trạng chấn thương da
  • Sự tăng trưởng da bất thường

Một số chấn thương như vết cắt, bỏng hoặc viêm do các rối loạn như mụn trứng cá, lupus cũng có thể gây ra chứng tăng sắc tố da sau khi chúng biến mất. Da của một số người trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với một số loại thực vật như chanh, cần tây....có chứa các hợp chất furvitymarin so với tác động của tia cực tím. Tình trạng này được gọi là viêm da tiếp xúc quang hóa. Làn da sẽ trở nên dày và sẫm màu ở nách, sau gáy với những người mắc chứng rối loạn acnthonis nigricans. Acanthosis nigricans cũng có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Tăng tế bào lentigines là nguyên nhân gây ra sạm da với các đốm hình bầu dục, có màu nâu.

  • Sạm da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là loại sạm da do tăng sắc tố tế bào phổ biến nhất. Phần lớn tình trạng này thường xuất hiện ở những người trung niên và khi bạn càng lớn tuổi thì số lượng càng tăng dần. Những người mắc hắc tố bào có thể có nguy cơ u ác tính cao hơn bình thường mặc dù các hắc tố bào này là lành tính.
  • Sạm da cũng có thể xảy ra do hắc tố bào lentigines nếu có một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Peutz-Jeghers (đặc trưng bởi nhiều lentigine trên môi và polyp ở dạ dày và ruột), hội chứng khô da sắc tố và hội chứng đa lentigine (hội chứng LEOPARD). Các bác sĩ có thể loại bỏ chúng bằng phương pháp điều trị đông lạnh (liệu pháp áp lạnh) hoặc liệu pháp laser nếu không có quá nhiều lentigines.

Ánh nắng mặt trời làm tăng tế bào lentigines gây sạm da
Ánh nắng mặt trời làm tăng tế bào lentigines gây sạm da

Một số nguyên nhân khác khiến chứng tăng sắc tố da lan rộng gồm:

  • Sự thay đổi nội tiết tố
  • Các bệnh nội khoa
  • Thuốc, hóa chất và kim loại nặng

Tăng sản xuất melanin và da tối màu do sự thay đổi nội tiết tố có thể xảy ra ở những người mắc bệnh Addison, những người mang thai hoặc sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố. Một số trường hợp bị xơ gan ứ mật nguyên phát cũng có thể gây tăng sản xuất melanin.

Melanin không phải là nguyên nhân gây tăng sắc tố da trong một số trường hợp, mà đó có thể là do các chất sắc tố khác thường không có trong da. Chứng tăng sắc tố da có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh như hemochromatosis hoặc hemosiderosis, bởi quá nhiều chất sắt trong cơ thể. Một số loại thuốc, hóa chất và kim loại bôi lên da, uống hoặc tiêm cũng có thể là nguyên nhân gây tăng sắc tố.

Khu vực tăng sắc tố da thường lan rộng, tuy nhiên một số loại thuốc có thể tác động đến một số khu vực nhất định.Chẳng hạn như, một số người có các phản ứng thuốc nhất định, trong đó một số loại thuốc (ví dụ như một số loại kháng sinh, NSAIDs và barbiturat) gây ra tăng sắc tố da cục bộ ở cùng một nơi mỗi lần dùng thuốc.

Da tăng sắc tố có thể có màu tím, đen hơi xanh, vàng nâu hoặc các sắc thái của màu xanh, bạc và xám tùy thuộc vào thuốc, hóa chất hoặc kim loại và nơi tập trung trên da. Ngoài da, các khu vực bị đổi màu có thể diễn ra ở răng, móng, lòng trắng mắt (sclera) và niêm mạc miệng (niêm mạc). Với một số trường hợp, tình trạng tăng sắc tố thường mất dần sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, chứng tăng sắc tố da là vĩnh viễn.

3. Điều trị chứng tăng sắc tố da

Bạn có thể kiểm soát chứng tăng sắc tố da thông qua một số biện pháp sau đây:

  • Nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hãy dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên nếu ra ngoài vào ban ngày để bảo vệ da và ngăn chặn tình trạng nám da.
  • Không nên chạm hoặc nặn da. Bạn tránh nặn hay chạm vào các điểm, vảy và mụn trứng cá để ngăn ngừa tăng sắc tố hình thành sau tổn thương da.
  • Có thể làm giảm sắc tố da bằng cách sử dụng lô hội. Aloeshim có trong nha đam giúp làm giảm sắc tố da bằng cách ức chế sản xuất melanin trong da. Gel lô hội có thể được sử dụng để thoa lên da hàng ngày.
  • Các loại kem chứa chiết xuất cam thảo có thể giúp làm giảm sắc tố da. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chiết xuất từ cam thảo (glabrindin) có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và làm trắng da. Bạn có thể sử dụng các loại kem có chứa glabridin trên các khu vực tăng sắc tố.
  • Trà xanh: Tăng sắc tố da có thể cải thiện nhờ sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ trà xanh với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của tràn xanh. Tuy nhiên, chiết xuất từ trà xanh rất hạn chế trong việc cải thiện nám và giảm tình trạng cháy nắng.

Sử dụng gel chiết xuất từ lô hội giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố da
Sử dụng gel chiết xuất từ lô hội giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố da

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: aocd.org

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe