Rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid máu bị rối loạn (tăng cholesterol hoặc tăng triglycerid, hoặc tăng LDL- cholesterol, HDL- cholesterol) có thể gây ra các bệnh lý tim mạch, chuyển hoá hoặc nội tiết. Trong đó, rối loạn lipid máu hỗn hợp là tình trạng rối loạn phức tạp nhất với sự bất thường của nhiều chỉ số gây ra sự khó khăn trong công tác điều trị người bệnh.
1. Bệnh tăng lipid máu hỗn hợp là gì?
Tăng lipid máu hỗn hợp là bệnh cảnh di truyền có thể có nhiều người mắc bệnh trong gia đình có thể do tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein gây ra sự kết hợp tăng cholesterol LDL với tăng triglyceride và giảm HDL- cholesterol. Lâm sàng người bệnh thường béo phì, kháng insulin, đái tháo đường type 2 và tăng acid uric máu.
Rối loạn lipid máu hỗn hợp vẫn là rối loạn lipid máu phức tạp và còn nhiều thách thức vì chưa có chứng cứ rõ ràng về các phương pháp điều trị hiệu quả. Việc tăng lipid máu hỗn hợp có thể để lại nhiều hậu quả như:
- Yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch như: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não
- Gây xơ vữa động mạch và làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc mạch hoàn toàn
- Nhiễm lipid võng mạc
- Gan nhiễm mỡ: từng vùng hoặc toàn bộ gan nhiễm mỡ phát hiện qua siêu âm, thường kèm tăng Triglycerides máu
- Viêm tuỵ cấp: thường gặp khi Triglycerides trên 10 g/L, dạng viêm cấp, bán cấp phù nề, amylase máu không hoặc tăng vừa phải
2. Chẩn đoán tăng lipid máu hỗn hợp như thế nào?
Người bị tăng lipid máu hỗn hợp có thể có các biểu hiện ở ngoại biên như:
- Cung giác mạc: cung màu trắng nhạt, hình tròn hoặc không, định vị quanh mống mắt, thường có giá trị đối với người trên 50 tuổi
- Ban vàng: định vị ở mí mắt hoặc dưới, khi trú hoặc lan tỏa
- U vàng gân: định vị ở gân duỗi các ngón và gân Achilles và các trị trí khớp đốt bàn ngón tay
- U vàng dưới màng xương: tìm thấy ở củ chày trước, trên đầu xương của mỏm khuỷu, ít gặp hơn u vàng gân
- Dạng ban vàng lòng bàn tay: định vị ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay
Chẩn đoán tăng lipid máu hỗn hợp được xác định trên lâm sàng thể trạng béo phì, các ban vàng và biến chứng như tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành nhưng cần chẩn đoán dựa trên xét nghiệm thông số lipid máu như:
- Cholesterol máu > 5,2 mmol/L (200 mg/dL)
- Triglycerides > 1,7 mmol/L (150 mg/dL)
- LDL- cholesterol > 2,58 mmol/L (100 mg/dL)
- HDL- cholesterol < 1,03 mmol/L (40 mmol/dL)
3. Điều trị tăng lipid máu hỗn hợp
Nguyên tắc điều trị các rối loạn lipid máu vẫn là thay đổi lối sống và dùng thuốc. Thay đổi lối sống luôn là chỉ định đầu tiên gồm thay đổi chế độ ăn và tăng cường luyện tập.
Về chế độ dinh dưỡng:
- Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì
- Hạn chế mỡ chứa nhiều acid béo bão hoà như mỡ trong thịt heo, thịt bò, thịt cừu,... giảm cholesterol có trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm,...
- Tăng lượng acid béo không bão hoà có trong các loại thực vật như dầu đậu nành, dầu ôliu, dầu bắp
- Tránh dùng nhiều glucid
- Hạn chế rượu bia
- Bổ sung chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau củ và hoa quả
Về chế độ tập luyện- vận động:
- Tập luyện đều đặn giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng
- Giảm các chỉ số lipid máu
- Góp phần kiểm soát đường huyết và huyết áp
- Nên vận động từ 30-45 phút mỗi ngày, 5 ngày/ tuần, cường độ và thời gian tập tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ nhất là những người có bệnh lý huyết áp, mạch vành, suy tim,...
Trong rối loạn lipid máu hỗn hợp, Statin vẫn là liệu pháp hàng đầu, khi không đạt được mục tiêu LDL-C và non-HDL-C hay kết quả điều trị hạ lipid bằng statin không đạt hiệu như khuyến cáo hay không dung nạp cần xem xét phối hợp thuốc đặc biệt ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
- Phối hợp Statin + Fenofibrate có thể ưu tiên đặc biệt là khi HDL thấp và triglycerides tăng, bệnh nhân đái tháo đường
- Phối hợp Statin + niacin: có thể xem xét nhưng chưa có bằng chứng lâm sàng và chú ý tác dụng phụ nòng bừng mặt khi bệnh nhân không dung nạp
- Nếu Triglycerides vẫn chưa kiểm soát được bằng Statin hoặc Fenofibrate có thể cho thêm Omega-3 vì nó cho thấy an toàn và dung nạp tốt dù hiệu quả còn khiêm tốn.
Tóm lại, tăng lipid máu hỗn hợp là bệnh cảnh di truyền có thể có nhiều người mắc bệnh trong gia đình có thể do tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein gây ra sự kết hợp tăng cholesterol LDL với tăng triglyceride và giảm HDL- cholesterol. Lâm sàng người bệnh thường béo phì, kháng insulin, đái tháo đường type 2 và tăng acid uric máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.