Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hội chứng tăng đông máu là một nhóm bệnh mà trong đó, quá trình đông máu diễn ra không bình thường dẫn tới sự hình thành bất thường của cục máu đông trong lòng mạch.
1. Dấu hiệu phát hiện tăng đông máu?
Các triệu chứng lâm sàng có thể thấy:
- Xuất huyết dưới da và niêm mạc: Xuất hiện dạng chấm, dạng ban hay mảng bầm tím...
- Chảy máu nặng: Xuất huyết tiêu hóa, chảy máu não.
- Thiếu máu tan máu với bệnh lý vi mạch
- Sốt.
- Rối loạn ý thức.
Dấu hiệu cận lâm sàng khi làm xét nghiệm:
- Số lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm dưới 150.000 tế bào/mm3.
- Làm xét nghiệm đông máu: Định lượng sản phẩm giáng hóa của Fibrinogen (FDPs) tăng, D – Dimer: tăng cao, Antithrombin(AT): thấp, Fibrinogen có thể bình thường do cơ chế bù trừ trong giai đoạn sớm. Trường hợp DIC nặng luôn thấy giảm Fibrinogen máu còn dưới 1 g/l.
- Xuất hiện mảnh vỡ hồng cầu.
- Xét nghiệm huyết tủy đồ, sinh thiết tủy xương để tìm nguyên nhân...
2. Nguyên nhân tăng đông máu?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tăng đông máu, trong đó chủ yếu do các nguyên nhân theo mức độ đã thống kê chỉ ra dưới đây:
2.1 Mắc bệnh lý
- Nhiễm khuẩn (52%): Nhiễm khuẩn là yếu tố có nguy cơ cao nhất gây ra rối loạn đông máu
- Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC): Chiếm 25%, đây là biến chứng của rất nhiều bệnh như bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, chấn thương, các biến chứng sản khoa...
- Mất máu nặng (8%).
- Huyết khối vi mạch (1%): Ban huyết khối làm giảm tiểu cầu tắc mạch, hội chứng tan máu tăng ure huyết là những bệnh cảnh hiếm gặp,
- Giảm tiểu cầu do Heparin
- Giảm tiểu cầu do thuốc (10%)
- Giảm tiểu cầu do miễn dịch (3%): Bệnh nhân bị hội chứng kháng Phospholipid hoặc Lupus ban đỏ hệ thống...
- Sau khi ghép tủy xương (10%).
- Phụ nữ khi đang mang thai hoặc sau đẻ (21%): Tăng đông máu gây ra những vấn đề sức khỏe, với những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
2.2 Do di truyền
- Bẩm sinh
- Thiếu antithrombin III.
- Yếu tố VIII Leyden.
- Thiếu protein C.
- Thiếu protein S.
- Rối loạn fibrinogen máu.
- Plasminogen bất thường.
3. Điều trị rối loạn tăng đông máu
Trước khi phẫu thuật, sử dụng heparin không phân đoạn liều nhỏ 500 đơn vị sau mỗi 8 - 12 giờ có thể giúp ích để giảm nguy cơ huyết khối quanh giai đoạn phẫu thuật. Tình trạng tăng đông trong quá trình điều trị ung thư có thể có lợi khi điều trị bằng heparin 10.000 đơn vị tiêm dưới da mỗi 12 giờ. Heparin trọng lượng phân tử thấp là chất có nhiều tiện lợi hơn mà hiệu quả tương đương, ít đòi hỏi các theo dõi labo hơn.
Với những bệnh nhân bị bệnh tăng sinh tủy xương mà có triệu chứng tăng đông máu điều trị chống tiểu cầu có thể tốt. Tuy nhiên, việc điều trị như vậy cần với đánh giá xem xét kĩ vì những bệnh nhân này thường có tăng nguy cơ chảy máu. Đối với những bệnh nhân bị chứng đau đỏ đầu chi có thể cho sử dụng thuốc aspirin 325 mg hàng ngày để thấy hiệu quả.
Đối với những bệnh nhân có những thiếu sót hóa sinh bẩm sinh như thiếu chất antithrombin III hay thiếu các protein C và S phụ thuộc vitamin K thì dùng warfarin có hiệu quả và có thể phải sử dụng suốt đời.
Tăng đông máu là hội chứng nguy hiểm thường xảy ra ở những bệnh nhân đang có bệnh trong người. Bệnh nhân cần có bác sĩ chẩn đoán, đánh giá để chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu.
Khi có các biểu hiện bất thường đã nêu ở mục 1, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán, đánh giá và điều trị phù hợp nhằm phòng ngừa các biến chứng ngay từ ban đầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.