Tăng động giảm chú ý có chữa được không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit/ Hyperactivity Disorder- ADHD) là dạng rối loạn thường gặp ở trẻ và ngày nay đang có xu hướng gia tăng ở độ tuổi trẻ đến trường. Điều này gây ra nhiều hậu quả nặng nề và ảnh hưởng đến chất lượng học tập, cuộc sống của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin về chứng rối loạn này và các phương pháp chữa tăng động giảm chú ý.

1. Đặc điểm rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Đây là bệnh lý ở hệ thần kinh xuất hiện sớm trong thời gian thơ ấu, đặc biệt là trước khi đi học và dẫn đến tình trạng kém phát triển trong các phương diện như cá nhân, học tập. Điển hình là những vấn đề có liên quan đến khó khăn trong việc tiếp nhận, duy trì, và áp dụng những kỹ năng hoặc thông tin đã được cung cấp. Các biểu hiện của rối loạn phát triển thần kinh có thể bao gồm các rối loạn chức năng phản xạ, giải quyết vấn đề, ghi nhớ, ngôn ngữ, nhận thức hoặc tương tác với thế giới bên ngoài. Ngoài ra còn có các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm: tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ.

Một số khảo sát đã cho thấy, ADHD gây ra ảnh hưởng đến khoảng 5 - 11% trẻ em trong độ tuổi đến trường như mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng ADHD thường bị chẩn đoán một cách lạm dụng, từ đó dẫn đến điều trị không đúng. Theo Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disord báo cáo rằng có 3 dạng ADHD thường gặp:

Các thống kê đã chỉ ra ở trẻ trai có tỷ lệ mắc ADHD cao hơn gần gấp đôi so với trẻ gái và có sự thay đổi khác nhau theo từng dạng. Tăng động hoặc bốc đồng chủ yếu thường xảy ra ở trẻ trai cao hơn từ 2-9 lần so với trẻ gái trong khi dạng giảm chú ý có tỷ lệ bằng nhau ở cả hai giới. Đặc biệt, ADHD có tính chất di truyền theo gia đình.


Giải đáp tăng động giảm chú ý có chữa được không?
Giải đáp tăng động giảm chú ý có chữa được không?

2. Nguyên nhân dẫn đến tăng động giảm chú ý

ADHD không có những nguyên nhân chính xác. Một số nguyên nhân thường gặp có liên quan đến các yếu tố di truyền, sinh hóa, sinh lý, các yếu tố hành vi hoặc hệ thần kinh vận động - cảm giác. Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ADHD như:

  • Trẻ nhẹ cân khi chào đời dưới 1500 g
  • Chấn thương đầu do tai nạn
  • Thiếu vitamin, thiếu sắt
  • Trẻ bị phơi nhiễm chì hoặc người mẹ có sử dụng rượu, thuốc lá khi mang thai.

3. Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

3.1. Nguyên tắc chẩn đoán ADHD

  • Bệnh nhân phải có cả hai tiêu chuẩn giảm chú ý và tăng động - xung động.
  • Cả hai rối loạn trên đều xuất hiện vào giai đoạn sớm trước 5 tuổi (ICD – 10), trước 7 tuổi (DSM – IV) đồng thời các biểu hiện phải thật rõ rệt so với bạn bè cùng lứa tuổi và so với thời kỳ phát triển.
  • Các rối loạn đó phải diễn trong nhiều môi trường như gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời và kéo dài ít nhất khoảng 6 tháng.
  • Phải có bằng chứng rõ ràng về các tác động của rối loạn này làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xã hội, quan hệ bạn bè, suy giảm khả năng học tập và những trở ngại trong quá trình phát triển bình thường của độ tuổi.
  • Cần chẩn đoán loại trừ những rối loạn đó không do tâm thần phân liệt hoặc tự kỷ gây ra hoặc những rối loạn về mặt tâm thần khác như lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách...

3.2. Các tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD

Các triệu chứng của ADHD được chia ra thành 3 nhóm triệu chứng hành vi chính với những cách trẻ cư xử như sau:

Giảm chú ý

Có ít nhất 6 trong số các triệu chứng sau và biểu hiện kéo dài ít nhất 6 tháng với mức độ làm bệnh nhân thích ứng kém với môi trường xung quanh hoặc không phù hợp với sự phát trienr tâm thần ở độ tuổi đó:

  • Thường dễ dàng bị xao nhãng bởi những kích thích từ bên ngoài.
  • Thường không muốn lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.
  • Thường không thể duy trì sự chú ý trong công việc, học tập hoặc vui chơi
  • Thường không thể tập trung chú ý vào những chi tiết và từ đó gây ra những lỗi lầm trong học tập hoặc vui chơi.
  • Thường không tuân theo những hướng dẫn làm việc gì đó, hoặc không hoàn thành bài tập về nhà hay hoàn thành công việc mà không phải do cố tình.
  • Thường gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp, tổ chức công việc và các hoạt động.
  • Thường để thất lạc dụng cụ, đồ đạc như đồ chơi, dụng cụ học tập, thiết bị.
  • Thường lãng quên các công việc cần làm mỗi ngày.
  • Thường né tránh và không muốn làm các công việc cần sự chú ý hay phải tập trung cao độ như làm bài tập về nhà.

Tăng động

  • Thường di chuyển một cách nhanh chóng, vội vã.
  • Thường có ý định muốn rời bỏ chỗ ngồi trong lớp học hoặc ở những lúc cần phải ngồi yên.
  • Tay chân luôn hoạt động, đứng ngồi không yên.
  • Thường có xu hướng thích chạy nhảy hoặc leo trèo trong những lúc không thích hợp và có khả năng gây ra nguy hiểm cho bản thân.
  • Thường khó tham gia những hoạt động cần phải giữ yên lặng.

Xung động

  • Thường làm việc và nói năng bộc phát, không suy nghĩ.
  • Chạy băng qua đường bất chấp nguy hiểm.
  • Không muốn xếp hàng lần lược để chờ đợi đến lượt mình.
  • Luôn ngắt lời người khác nói hoặc buộc miệng trả lời khi chưa được hỏi xong
  • Làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác bằng cách xen vào giữa cuộc nói chuyện hoặc phá hỏng trò chơi.

Có thể điều trị tăng động giảm chú ý bằng thuốc
Có thể điều trị tăng động giảm chú ý bằng thuốc

4. Phương pháp can thiệp cho trẻ ADHD

Câu hỏi thường được nhiều phụ huynh đặt ra rằng tăng động giảm chú ý có chữa được không? Câu trả lời là có thể điều trị ADHD bằng việc kết hợp điều trị hóa dược với liệu pháp can thiệp tâm lý.

4.1. Điều trị dùng thuốc

  • Trẻ em trên 3 tuổi có thể sử dụng Dextroamphetamine hoặc Methylphenidate cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Hai loại thuốc này nằm trong nhóm hướng thần có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và được khuyến cáo có thể sử dụng cho trẻ em và không gây nghiện.
  • Những trường hợp có kèm thêm trầm cảm lo âu, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng và ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin.

4.2. Liệu pháp can thiệp tâm lý

Đây là phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có vai trò quan trọng và kéo dài trong suốt quá trình điều trị cho trẻ. Liệu pháp này cần có sự kết hợp chặt chẽ với bố mẹ để có sự chăm sóc đúng mực để mang lại kết quả cao nhất. Các biện pháp mà bố mẹ có thể áp dụng cho con của mình gồm:

  • Xây dựng những nguyên tắc cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn để trẻ có thể hiểu được những gì cha mẹ đang mong muốn ở mình.
  • Nâng cao trách nhiệm và sự tự giác cho trẻ bằng cách giao việc và phần thưởng sẽ đạt được nếu hoàn thành tốt.
  • Cùng trẻ xây dựng kế hoạch và theo dõi, nhắc nhở để hoàn thành mọi công việc.
  • Tạo thói quen cho trẻ chú ý vào những gì bạn đang nói
  • Có sự quan tâm đúng mực đến trẻ bằng cách tìm những điểm mạnh để khích lệ và điểm yếu để giúp trẻ hoàn thiện bản thân hơn.
  • Cho trẻ chơi những trò chơi rèn luyện tư duy và tránh những trò chơi bạo lực.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao theo đúng với độ tuổi và sức khỏe của trẻ.
  • Luôn luôn nhắc nhở trẻ tuân theo những luật lệ và nội quy ở những nơi công cộng.
  • Tránh la mắng, chỉ trích trẻ mà thay vào đó nên phân tích đúng sai để trẻ hiểu được.

Trẻ em là lứa tuổi có tính hiếu động, dễ nghe lời nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Do đó, khi mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thì cha mẹ nên dành cho trẻ sự yêu thương và quan tâm đúng mực để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn này. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và có hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe