Tâm thần phân liệt ở trẻ em là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở trẻ em dưới 13 tuổi, ảnh hưởng đến cách chúng đối phó với thực tế. Trẻ có thể có những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi bất thường. Tình trạng này còn được gọi là tâm thần phân liệt khởi phát thời thơ ấu hoặc khởi phát rất sớm. Rối loạn này rất hiếm và thường khó phát hiện. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị có thể giúp ích cho bệnh nhi.
1. Tâm thần phân liệt ở trẻ em là gì?
Tâm thần phân liệt ở trẻ em là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng xảy ra ở trẻ em dưới 13 tuổi, ảnh hưởng đến cách chúng đối phó với thực tế. Trẻ có thể có những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi bất thường. Tình trạng này còn được gọi là tâm thần phân liệt khởi phát thời thơ ấu hoặc khởi phát rất sớm.
Tâm thần phân liệt ở trẻ em là rất hiếm và thường khó phát hiện. Hiện nay chúng ta chưa có cách chữa khỏi căn bệnh này hoàn toàn, nhưng điều trị có thể giúp ích cho bệnh nhi.
2. Các dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ em
Đầu tiên, trẻ bị bệnh tâm thần phân liệt sẽ trải qua một giai đoạn được gọi là giai đoạn tiền kỳ hay giai đoạn hoang tưởng. Trẻ có thể rút lui khỏi các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, lo lắng hơn và ít quan tâm đến trường học hoặc bạn bè hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em có những dấu hiệu này đều bị rối loạn tâm thần, vì vậy điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào.
2.1. Các dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ em mới biết đi
Một đứa trẻ mới biết đi có thể có dấu hiệu tâm thần phân liệt khác với ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người lớn.
Rối loạn ảnh hưởng đến cách trẻ phát triển. Bạn có thể nhận thấy những điều như:
- Trong một khoảng thời gian dài chúng chậm chạp hoặc không hoạt động
- Tay hoặc chân mềm
- Chậm trễ trong việc bò, đi bộ hoặc nói chuyện
- Các chuyển động kỳ quặc như đung đưa hoặc vỗ cánh tay
- Tư thế khập khiễng hoặc chùng xuống
Một số triệu chứng này xuất hiện ở trẻ em có các vấn đề khác ngoài bệnh tâm thần phân liệt. Và một số xảy ra ở trẻ em không có bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào. Chỉ bác sĩ chuyên khoa tâm thần mới có thể tìm ra điều gì đang thực sự xảy ra.
2.2. Các dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ em mẫu giáo
Ở những đứa trẻ lớn hơn, bạn có thể nhận thấy những thay đổi hành vi của bệnh tâm thần phân liệt theo thời gian hoặc đột ngột, như thể không biết từ đâu xuất hiện. Trẻ có thể tỏ ra thu mình và bám víu vào ai đó, hoặc chúng có thể nói về những ý tưởng và nỗi sợ hãi kỳ lạ, gây xáo trộn.
Hãy cho bác sĩ biết ngay khi bạn thấy các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ. Điều quan trọng là phải được chẩn đoán và bắt đầu điều trị trước khi trẻ có dấu hiệu rời xa thực tế, được gọi là rối loạn tâm thần.
2.3. Các dấu hiệu tâm thần phân liệt ở trẻ em tiểu học
- Trẻ không thể phân biệt được giữa thực và mơ, những câu chuyện, chương trình truyền hình, v.v.
- Nỗi sợ hãi mãnh liệt rằng ai đó hoặc điều gì đó đang làm tổn thương trẻ (ảo tưởng).
- Nghe thấy những điều không có thật (ảo giác thính giác) như tiếng thì thầm hoặc giọng nói yêu cầu trẻ làm điều gì đó.
- Nhìn thấy những thứ không có thật (ảo giác thị giác) chẳng hạn như đèn nhấp nháy hoặc các mảng tối.
- Tâm trạng hay lo lắng.
- Thiếu biểu hiện cảm xúc khi trẻ nói.
- Hành vi kích động, bối rối, sau đó là khoảng thời gian ngồi và nhìn chằm chằm.
- Hành động như một đứa trẻ nhỏ hơn.
Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ có những dấu hiệu này đều bị tâm thần phân liệt. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm nào.
Các chuyên gia chia các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em thành ba loại: tích cực, tiêu cực và nhận thức.
- Các triệu chứng tích cực của rối loạn tâm thần, có nghĩa là có một giai đoạn trẻ cảm thấy tuyệt vời trên mức thực tế. Chúng bao gồm chuyển động bất thường, suy nghĩ bất thường và ảo giác.
- Các triệu chứng tiêu cực liên quan đến hành vi và cảm xúc. Chúng bao gồm sự cô lập, không nói nhiều và ít hoặc không thể hiện cảm xúc.
- Các triệu chứng nhận thức cho thấy sự khác biệt trong cách trẻ suy nghĩ hoặc ghi nhớ, chẳng hạn như khó tập trung hoặc khó hiểu điều gì đó.
3. Nguyên nhân gây tâm thần phân liệt ở trẻ em
Các chuyên gia không chắc chắn chính xác điều gì gây ra bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em hoặc tại sao nó bắt đầu từ thời thơ ấu đối với một số người và ở độ tuổi lớn hơn đối với những người khác.
Các gen và các chất hóa học trong não của trẻ có thể đóng một vai trò nào đó. Bệnh đôi khi xảy ra ở nhiều hơn một thành viên trong gia đình. Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh tâm thần phân liệt, con bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng tâm thần phân liệt ở trẻ em có thể liên quan đến những điều đã xảy ra trong thời kỳ mang thai của phụ nữ, chẳng hạn như:
- Sử dụng ma túy hoặc rượu
- Tiếp xúc với vi rút, vi khuẩn hoặc hóa chất
- Stress
- Dinh dưỡng kém
4. Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Bác sĩ tâm thần nhi khoa có thể chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em. Vì các tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau có thể có các triệu chứng giống nhau, nên rất khó để có được chẩn đoán chính xác. Mọi người có thể mất rất nhiều thời gian và công sức để làm được điều này.
Các bác sĩ khác sẽ tham gia để cung cấp trẻ bạn những bài kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe tâm thần, kiểm tra hình ảnh não của trẻ, và các kiểm tra khác. Tất cả đều là chìa khóa trong việc tìm ra chẩn đoán chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị để giúp trẻ kiểm soát bệnh.
5. Điều trị tâm thần phân liệt ở trẻ em
Điều trị tâm thần phân liệt cho trẻ em cũng giống như điều trị cho người lớn. Nó bao gồm:
- Thuốc men: Bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều loại thuốc chống loạn thần. Những loại thuốc này còn được gọi là thuốc an thần kinh. Chúng giúp quản lý ảo tưởng (niềm tin vào những điều không có thật) và ảo giác (nhìn hoặc nghe những điều không có thật). Nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ và các loại thuốc khác mà trẻ không nên dùng khi đang sử dụng các loại thuốc này.
- Tâm lý trị liệu: Các chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng của chúng. Các nhóm hỗ trợ và trị liệu gia đình có thể dạy trẻ và những người khác trong gia đình về căn bệnh này và về cách đối phó với các tình huống căng thẳng.
- Đào tạo kỹ năng sống: Các lớp học đặc biệt có thể dạy trẻ các kỹ năng xã hội và cách làm các công việc hàng ngày. Trẻ cũng có thể nhận được lời khuyên về cách vượt qua những thử thách ở trường.
Nếu trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, việc ở lại bệnh viện có thể là cách nhanh nhất để kiểm soát các triệu chứng một cách an toàn. Các lựa chọn khác bao gồm bệnh viện bán thời gian và chăm sóc tại nhà.
6. Các biến chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em
Nếu không được điều trị, bệnh tâm thần phân liệt có thể gây ra các vấn đề trong thời thơ ấu và trong cuộc sống sau này của trẻ. Các biến chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em bao gồm:
- Các rối loạn tâm thần khác
- Tự làm hại hoặc tự sát
- Rối loạn sử dụng ma túy hoặc rượu
- Xung đột và cách ly khỏi gia đình và bạn bè
- Các vấn đề pháp lý và tài chính
- Gặp khó khăn khi sống một mình, đi học hoặc giữ một công việc
Khi bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể kiểm soát được căn bệnh này khi lớn lên. Các chuyên gia y tế sẽ theo dõi tình trạng và phương pháp điều trị suốt đời cho trẻ.
Mặc dù không có cách chữa trị chứng rối loạn này, nhưng những người bị tâm thần phân liệt có thể thành công ở trường học, nơi làm việc và trong cuộc sống xã hội của họ nếu được điều trị đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org