Tại sao trẻ sinh non, nhẹ cân cần tầm soát bệnh lý võng mạc sinh non?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý -Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh lý võng mạc thường gặp trẻ sinh non, nhẹ cân. Tỉ lệ mắc cao bệnh càng cao khi tuổi thai càng nhỏ. Khoảng 90% bệnh lý võng mạc trẻ sinh non ở thể nhẹ, bệnh có thể tự thoái triển và không ảnh hưởng gì lâu dài. Còn lại 10 % diễn tiến nặng cần can thiệp phẫu thuật và theo dõi sát. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ khám định kỳ và theo dõi thường xuyên để tránh những biến chứng suy giảm thị lực, thậm chí có thể mù lòa sau này.

1. Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non là gì?

Mắt bắt đầu phát triển vào khoảng tuần 16 của thai kỳ, khi các mạch máu của võng mạc bắt đầu hình thành tại dây cùng với dây thần kinh thị giác nằm phía sau. Các mạch máu phát triển dần dần về phía rìa võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng.

Trong giai đoạn 12 tuần cuối của thai kỳ, mắt phát triển nhanh chóng. Nếu em bé được sinh đủ tháng, thì sự phát triển của mạch máu võng mạc hầu như hoàn tất (võng mạc thường kết thúc phát triển vài tuần đến một tháng sau khi sinh). Nhưng nếu em bé sinh sớm, trước khi các mạch máu này phát triển đến rìa võng mạc, sự phát triển bình thường có thể dừng lại. Hậu quả vùng ngoại vi có thể không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Kết quả là các mạch bất thường bắt đầu phát triển. Những mạch máu mới bất thường này rất mỏng manh và yếu dễ tổn thương khi gặp các yếu tố nguy cơ (như ngộ độc oxy) gây chảy máu và gây sẹo ở võng mạc. Khi sẹo này co lại chúng sẽ kéo võng mạc làm cho nó tách ra khỏi đáy mắt (bong võng mạc). Do đó trẻ cần tầm soát bệnh lý võng mạc cho trẻ sinh non nhằm hạn chế biến chứng.

Rối loạn này thường phát triển ở cả hai mắt và là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.


Bệnh lý võng mạc sinh non
Bệnh lý võng mạc sinh non

2. Thời điểm khám Rop trẻ sinh non

Lần khám mắt đầu tiên: 4 tuần sau sinh

Theo dõi 1- 2 tuần một lần Tùy theo diễm tiến bệnh, theo dõi đến khi võng mạc trưởng thành, bệnh thoái triển hoàn toàn hoặc có chỉ định điều trị.

3. Các giai đoạn của bệnh lý võng mạc sinh non

Bệnh lý võng mạc sinh non được phân loại theo 5 giai đoạn có mức độ từ nhẹ đến nặng.

  • Giai đoạn 1: tăng trưởng mạch mức độ nhẹ. Xuất hiện đường ranh giới mỏng màu trắng, ngăn cách giữa hai khu vực: khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch. Giai đoạn 1, các mạch máu vẫn có thể tiếp tục phát triển bình thường, tuy nhiên bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của trẻ. Nhiều trẻ mắc bệnh ở giai đoạn 1 có thể cải thiện được mà không cần điều trị và cuối cùng thị lực vẫn phát triển bình thường. Bệnh tự khỏi và không có tiến triển gì thêm
  • Giai đoạn 2: Tăng trưởng mạch máu bất thường mức độ trung bình.

Lúc này, đường ranh giới giữa khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch đã nhìn thấy rõ hơn và phát triển khỏi bề mặt võng mạc, trở nên rộng và cao tạo thành một đường gờ màu trắng (nếu ít mạch máu) hoặc hồng (nếu nhiều mạch máu). Nhiều trẻ phát triển ở giai đoạn này cũng có thể tự cải thiện mà không cần điều trị.

  • Giai đoạn 3: Tăng trưởng mạch máu bất thường nghiêm trọng. Đây là giai đoạn tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc. Từ bề mặt của gờ, tổ chức xơ mạch tăng sinh, phát triển lan rộng ra phía sau bề mặt võng mạc; hoặc phát triển ra trước, vuông góc với bình diện võng mạc vào trong dịch kính. Ở giai đoạn 3, tình trạng bệnh ROP còn được chia theo mức độ nhẹ, vừa và nặng; tùy thuộc vào mức độ tăng sinh của tổ chức xơ mạch vào trong dịch kính.

Một số giai đoạn của bệnh lý võng mạc sinh non
Một số giai đoạn của bệnh lý võng mạc sinh non
  • Giai đoạn 4: Tổ chức xơ phát triển mạnh vào trong buồng dịch kính gây nên tình trạng co kéo vào võng mạc, làm một phần võng mạc bong khỏi thành nhãn cầu. Dựa vào vị trí của võng mạc bong, người ta lại chia giai đoạn này ra làm hai phần: 4A và 4B.

* Giai đoạn 4A: chức năng của mắt lúc này chưa bị tổn hại nhiều. Tình trạng bong võng mạc còn chưa lan tới vùng hoàng điểm.

* Giai đoạn 4B: chức năng của mắt giảm rõ rệt. Tình trạng bong võng mạc rộng hơn lan tới cả võng mạc vùng hoàng điểm.

  • Giai đoạn 5: Bong võng mạc toàn bộ. Võng mạc bị bong cuộn lại có dạng hình phễu. Có ba loại phễu: phễu mở, phễu đóng, phía trước đóng, phía sau mở. Khả năng mù lòa vĩnh viễn.

4. Điều trị bệnh lý võng mạc sinh non

Hai phương pháp điều trị võng mạc sinh non đã được chứng minh mang lại hiệu quả là liệu pháp laser quang đông hoặc tiêm Avastin

* AVASTIN là nhóm thuốc kháng thể đơn dòng ức chế tăng sinh tân mạch A (VEGF-A). đã được nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Mexico, Chi Lê, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Thái Lan...và Việt Nam sử dụng trong điều trị bệnh lý võng mạc sinh non và cho kết quả rất tốt. Nhờ phương pháp điều trị này mà có hàng nghìn trẻ trên thế giới tránh được mù loà do ROP. Tiêm Avastin vào nội nhãn. Thuốc có thể dùng sớm trước khi điều trị laser hoặc sử dụng muộn khi điều trị laser thất bại. Thường kết quả tốt khi ở giai đoạn 3+

*Liệu pháp bằng laser sẽ đốt đi các vùng ngoại vi của võng mạc không có mạch máu bình thường. Phương pháp điều trị này phá huỷ khu vực ngoại vi của võng mạc, làm chậm hoặc đảo ngược sự phát triển bất thường của các mạch máu.

Đối với trường hợp trẻ mắc bệnh ở giai đoạn nặng hơn, các phương pháp điều trị khác được thực hiện nhưng kết quả không khả quan.

  • Lấy bỏ pha lê dịch trong mắt:

Phương pháp này bao gồm loại bỏ thuỷ tinh thể hay thay thế nó bằng dịch muối. Sau khi thuỷ tinh thể được loại bỏ, mô sẹo trên võng mạc có thể được bóc ra hoặc cắt đi, cho phép võng mạc không còn căng.

Uốn cong màng: Phương pháp này sẽ sử dụng một dải silicon quanh mắt và thắt chặt nó lại sẽ giúp cho gel thuỷ tinh không kéo vào mô sẹo và cho phép võng mạc phẳng lại

Bệnh lý võng mạc sinh non điều trị được và bệnh được điều trị sớm thì hiệu quả cao do đó các trẻ sinh non cần được tầm soát khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.


Phương pháp điều trị bệnh bong võng mạc bằng laser
Phương pháp điều trị bệnh bong võng mạc bằng laser

Một số điểm lưu ý khi đưa trẻ sinh non khám ROP tại Bệnh viện:

Cha/mẹ không nên cho trẻ bú 1 giờ trước khi khám mắt để tránh nôn trớ và hít phải thức ăn gây nguy hiểm cho trẻ.

Để thăm khám chính xác Mắt cho bé, bé cần phải nhỏ thuốc dãn đồng từ 3-4 lần cho nên phải tốn đến 45-60 phút cho thuốc phát huy tác dụng. Vậy nên cha/mẹ nên lựa chọn thời gian đến bệnh viện phù hợp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe