Đau đầu căng thẳng mãn tính là tình trạng xuất hiện cơn đau đầu ít nhất 15 ngày mỗi tháng và tình trạng kéo dài. Nguyên nhân của đau đầu mãn tính do căng thẳng thường không rõ ràng. Thuốc amitriptyline có thể giúp ngăn ngừa cơn đau đầu xảy ra.
1. Đau đầu căng thẳng mãn tính là gì?
Đau đầu căng thẳng mãn tính là tình trạng đau đầu nhiều, xuất hiện ít nhất 15 ngày mỗi tháng và kéo dài tối thiểu 2 tháng, tình trạng gây mệt mỏi và chán nản. Đau đầu căng thẳng là loại đau đầu phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải trong suốt cuộc đời.
Không rõ tỷ lệ người mắc đau đầu căng thẳng mãn tính, nhưng một số nghiên cứu đã ước tính rằng, khoảng 1/30 người trưởng thành bị đau đầu căng thẳng kéo dài - nghĩa là họ bị đau đầu hơn nửa số ngày trong ba tháng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân thực sự bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Do đó, rất khó để thống kê số người mắc bệnh.
Mãn tính có nghĩa là dai dẳng, nhưng không có nghĩa là nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng của các cơn đau đầu có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, do tính chất dai dẳng của các cơn đau đầu mãn tính, tình trạng này thường gây khó chịu và buộc hầu hết bệnh nhân phải dùng thuốc phòng ngừa.
2. Nguyên nhân gây đau đầu căng thẳng mãn tính
Theo định nghĩa, đau đầu căng thẳng không phải do các bệnh lý khác gây ra. Tình trạng này có xu hướng phát triển ở những người thường xuyên bị đau đầu nhiều do căng thẳng, tần suất ngày càng tăng cho đến khi cơn đau xảy ra vào hầu hết các ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân của đau đầu mãn tính do căng thẳng không phải lúc nào cũng rõ ràng, có thể là do:
- Căng cơ ở phía sau đầu và cổ
- Căng thẳng, stress
- Mệt mỏi
- Đói
- Mỏi mắt
Nhiều cơn đau đầu căng thẳng mãn tính phát triển mà không có lý do rõ ràng. Làm việc nhiều giờ liền trên máy tính cũng có thể kích hoạt cơn đau.
Một số người cũng bị đau đầu căng thẳng kéo dài khi:
- Uống quá nhiều caffein hoặc rượu
- Không uống đủ nước
- Nhịn ăn quá lâu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và đói.
Đôi khi, đau đầu nhiều do căng thẳng có thể là vì thị lực kém, đặc biệt nếu đọc sách dưới ánh sáng yếu trong thời gian dài. Một số cơn đau có thể bị kích hoạt bởi những khó chịu từ môi trường như nóng, lạnh, độ sáng hoặc gió.
Có nghiên cứu cho thấy cấu tạo di truyền cũng là một yếu tố. Điều này nghĩa là một số người có xu hướng dễ bị đau đầu mãn tính hơn những người khác khi bị stress hoặc lo lắng. Lưu ý, đau đầu nhiều do lạm dụng thuốc có thể tương tự như đau đầu căng thẳng mãn tính. Tình trạng này là do dùng thuốc giảm đau (hoặc thuốc triptan) quá thường xuyên, dẫn đến đau đầu căng thẳng kéo dài hoặc các cơn đau nửa đầu.
3. Các phương pháp điều trị đau đầu căng thẳng kéo dài
3.1. Thuốc giảm đau
Bạn có thể đã quen với việc dùng thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin, ibuprofen, v.v. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên dùng thuốc giảm đau khi bị đau đầu nhiều ngày liên tục. Cụ thể, không uống thuốc liên tục quá 2 ngày để chữa đau đầu. Nếu dùng thuốc thường xuyên, bạn có thể bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Không uống thuốc giảm đau để ngăn chặn cơn đau đầu mà chỉ uống mỗi ngày khi cơn đau xuất hiện. Tuy nhiên, bạn có thể dự phòng thuốc giảm đau cho những ngày hoặc thời điểm đặc biệt căng thẳng.
3.2. Viết nhật ký
Viết nhật ký có thể hữu ích nếu bạn bị đau đầu thường xuyên. Ghi rõ thời gian xuất hiện, địa điểm và mức độ của mỗi cơn đau đầu. Cố gắng tìm hiểu nguyên nhân kích hoạt cơn đau để tránh. Ví dụ như đói, mỏi mắt, sai tư thế, căng thẳng, tức giận, v.v.
3.3. Hạn chế stress và trầm cảm
Căng thẳng là nguyên nhân khiến một số người phát triển chứng đau đầu mãn tính. Vì vậy hãy cố gắng tránh các tình huống căng thẳng trong công việc và gia đình, hoặc học cách đối phó với stress và thư giãn. Các bài tập thở và thư giãn có thể giảm bớt lo lắng trong các tình huống căng thẳng và ngăn ngừa cơn đau đầu xảy ra. Một số cuốn sách và ứng dụng sẽ dạy bạn cách thư giãn. Đôi khi cũng cần đến chuyên gia tư vấn hoặc nhà tâm lý học.
3.4. Tập thể dục thường xuyên
Nhiều người bị đau đầu kinh niên cho biết, cơn đau sẽ giảm bớt nếu tập thể dục thường xuyên. Nếu không vận động nhiều, bạn nên thử một số hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, v.v. Vận động thể chất cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác, bao gồm:
- Tập thể dục giúp giảm căng thẳng cũng như có tác dụng giảm đau đầu căng thẳng kéo dài. Hơn nữa, tập thể dục sẽ tăng cường phần cơ cốt lõi và cơ lưng trên của bạn (cơ core), từ đó cải thiện tư thế. Bạn sẽ ít khom lưng hơn khi ngồi và hạn chế làm tăng áp lực ở lưng trên và cổ.
- Vận động thể chất cũng tạo ra hiệu ứng làm tăng nhịp tim, nhịp thở và lưu lượng máu xung quanh phần trên cơ thể, nhờ đó cải thiện cung cấp oxy cho cơ bắp nói chung.
3.5. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau đầu do căng thẳng mãn tính nhờ các kỹ thuật thư giãn và bài tập thở. Phương pháp này cũng hỗ trợ phát hiện và thay đổi thói quen tư thế xấu góp phần gây ra đau đầu. Bệnh nhân phải phối hợp chặt chẽ với chuyên gia và thực hiện các bài tập thường xuyên để thấy được sự cải thiện.
3.6. Thuốc phòng ngừa
Amitriptyline là loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng đau đầu mãn tính do căng thẳng. Đây là một loại thuốc chống trầm cảm và bạn phải uống hàng ngày để ngăn ngừa đau đầu nhiều. Một số loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm dịu cơn đau và ngăn ngừa đau đầu ở cả ở những người không bị trầm cảm. Vì vậy, mặc dù amitriptyline được xếp vào loại thuốc chống trầm cảm, nhưng trong trường hợp này thuốc không được sử dụng để điều trị trầm cảm.
Trong trường hợp xuất hiện cơn đau đầu mãn tính và việc áp dụng những thay đổi trong cuộc sống không mang đến hiệu quả tích cực, bạn nên tới bệnh viện để được kiểm tra, nhằm có những đánh giá cụ thể từ các bác sĩ chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: patient.info