Thuốc đắng luôn là một ám ảnh lớn của những người bệnh, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc tại sao thuốc đắng hay chưa? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1. Tại sao thuốc đắng?
Đắng miệng khi uống thuốc là tình trạng xảy ra thường xuyên và gặp ở rất nhiều người. Tình trạng này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng có tác động nhiều đến tâm lý của người bệnh, đặc biệt với trẻ nhỏ. Cảm giác đắng miệng khi uống thuốc tạo cho người bệnh cảm giác sợ hãi khi uống thuốc dẫn tới:
- Trốn tránh việc uống thuốc.
- Uống thuốc không đủ liều, không đủ thời gian cần thiết.
- Uống thuốc không thường xuyên và liên tục.
- Uống thuốc đối phó bằng cách pha với đường, uống chung với nước ngọt, nước hoa quả hay các loại chất kích thích để làm giảm cảm giác đắng của thuốc.
Những điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị cũng như hiệu quả điều trị của thuốc.
Điều băn khoăn ở đây là vì sao thuốc đắng như vậy? Để trả lời cho câu hỏi tại sao thuốc đắng, các chuyên gia đưa ra giải thích rằng, hiện tượng bị đắng miệng khi uống thuốc chủ yếu liên quan đến tình trạng rối loạn vị giác do thuốc gây nên. Thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, các loại thuốc điều trị hay các loại thuốc bổ, vitamin đều có thể gây ảnh hưởng đến vị giác của người sử dụng. Sự tác động cũng như mức độ nhạy cảm của mỗi người đối với mỗi loại thuốc là khác nhau, có thể sẽ dẫn tới tình trạng bị biến đổi cảm nhận về vị giác, hoặc làm giảm chức năng hoạt động của thần kinh vị giác hoặc thậm chí có thể gây ra vị ảo giác. Những thay đổi này là lý do có thể dẫn đến cảm giác đắng miệng mỗi khi uống thuốc.
Rối loạn vị giác do thuốc có thể bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những cơ chế khác nhau tùy thuộc theo từng loại thuốc.
Ví dụ, sự rối loạn vị giác do thuốc kháng sinh là do tác động của thuốc làm thay đổi hệ vi khuẩn của vùng niêm mạc miệng, dạ dày, ruột, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng răng miệng. Kháng sinh là loại thuốc tan nhanh trong môi trường acid, vị đắng của thuốc kháng sinh gần như không được trung hòa bởi các chất ngọt nên đa số các loại kháng sinh đều tạo cảm giác đắng hơn các loại thuốc khác. Ngoài việc gây ra vị đắng, bạn còn có thể cảm nhận được vị chua hoặc vị của kim loại khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Khác với kháng sinh, thuốc Terbinafin trong nhóm thuốc chống nấm lại tác động đến vị giác thông qua cơ chế ức chế thụ thể của các enzym Cytochrom P450 hoặc thông qua Cholesterol Pathway. Sự rối loạn vị giác do thuốc Terbinafin thường xảy ra ở những người gầy và những người trên 55 tuổi và xuất hiện muộn sau 5 - 6 tuần kể từ lần đầu tiên dùng thuốc rồi sẽ biến mất hoàn toàn sau khi ngừng sử dụng thuốc.
Một số thuốc diệt virus như Amantadine, Oseltamivir trong điều trị cúm sẽ gây cảm giác đắng kéo dài và cảm giác đắng này sẽ tăng lên nếu bạn dùng thuốc chung với những đồ uống hay món ăn có tính acid.
Có thể bạn chưa biết nhưng một vài loại thuốc hóa chất đường truyền trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra vị đăng tức thì ngay sau khi sử dụng thuốc, hoặc một số thuốc có thể gây rối loạn chức năng vị giác sau dùng thuốc vài tháng khi thuốc đã thẩm thấu trực tiếp vào tuyến nước bọt. Có nhiều nghiên cứu và điều tra trực tiếp trên những bệnh nhân đang sử dụng hóa chất điều trị ung thư cho thấy, các thuốc này có thể làm tổn thương và phá hủy các thụ thể thần kinh cảm giác gây nên những rối loạn vị giác và cả khứu giác. Những tổn thương này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo sự phá hủy của thuốc và những tổn thương ở tế bào gốc. Tình trạng mất chức năng của lưỡi đã được ghi nhận ở bệnh nhân có sử dụng thuốc Pegylated Liposomal Doxorubicin.
Ngoài những yếu tố trên, việc tại sao thuốc đắng còn liên quan đến thành phần hoạt chất có trong thuốc. Ví dụ Chloramphenicol là một trong những dược chất có vị đắng rất khó uống. Do đó, khi sản xuất những thuốc có thành phần này người ta thường bào chế thuốc ở dạng viên nang cứng, viên nén hoặc hỗn dịch để có thể giúp giảm vị đắng khi uống thuốc.
Vị thuốc vàng đắng, hoàng bá có chứa trong thuốc Berberin cũng là nguyên nhân gây vị đắng khó uống cho thuốc.
2. Làm gì khi uống thuốc bị đắng?
Người xưa có câu: “Thuốc đắng thì dã tật, sự thật thì mất lòng”. Trên thực tế, vị đắng của thuốc hay cảm giác đắng miệng khi uống thuốc không phải là yếu tố mang tính quyết định hiệu quả điều trị. Câu nói chỉ mang tính động viên, khích lệ người bệnh cố gắng tích cực sử dụng thuốc đúng liều, đúng loại, đủ thời gian điều trị cần thiết để điều trị bệnh ngay cả khi thuốc rất đắng và khó uống.
Để xử lý những tình trạng đắng miệng, giảm cảm giác sợ thuốc cho người sử dụng, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nên uống thuốc với nước lọc đã được đun sôi để nguội hoặc ấm, không uống thuốc chung với các loại đồ uống khác, đặc biệt những loại có tính acid, đồ uống có gas hay các chất kích thích như rượu bia, cafe...
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ và nhà sản xuất. Lưu ý một số loại thuốc không được bẻ, không được nghiền và pha với nước vì có thể sẽ tăng cảm giác đắng.
- Không uống cùng lúc quá nhiều loại thuốc, đặc biệt các thuốc dạng viên. Việc nghẹn thuốc sẽ làm tăng cảm giác đắng miệng dẫn đến sự sợ hãi cho những lần uống thuốc sau đó.
- Nên uống nhiều nước sau khi uống thuốc, đặc biệt đối với các thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm hay thuốc kháng viêm. Điều này sẽ giúp làm giảm cảm giác đắng miệng, đồng thời cũng cân bằng với lượng thuốc đưa vào cơ thể, giảm tác động đến hệ tiêu hóa.
- Nếu ngay sau uống thuốc bạn bị cảm giác đắng miệng quá nhiều thì có thể nhai kẹo ngọt để vị ngọt sẽ làm giảm tức thì vị đắng của thuốc.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, ổi, kiwi... để kích thích tăng tiết nước bọt, giảm vị đắng trong và sau khi uống thuốc.
- Lưu ý vệ sinh sạch sẽ răng miệng thường xuyên và đúng cách để hạn chế các bệnh lý viêm nhiễm về răng miệng, hạn chế tình trạng bị rối loạn vị giác.
- Khuyến cáo nên hạn chế các đồ ăn cay nóng, dầu mỡ nếu bạn hay có cảm giác đắng miệng khi uống thuốc.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý khác của cơ thể, nhất là trào người dạ dày, vì đây cũng là một nguyên nhân gây rối loạn vị giác.
Đắng miệng khi uống thuốc không phải là một tình trạng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng có tác động nhiều đến tâm lý người dùng thuốc, gây cảm giác sợ thuốc, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, hãy dùng thuốc đúng cách để vừa đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất mà không gây sợ hãi cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.