Tại sao suy thận lại dẫn đến tăng huyết áp?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đã có hơn 12 năm kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu.

Suy thận là một trong những căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Các trường hợp mắc phải suy thận đều xuất hiện biến chứng thường gặp nhất là tăng huyết áp (THA).

1. Suy thận là gì?

Suy thận là tình trạng các chức năng chính của thận bị suy giảm nghiêm trọng, bao gồm chức năng bài tiết chất thải, điều hòa dịch, toan kiềm, điện giải, tổng hợp vitamin D hoặc kích thích quá trình tạo máu của cơ thể. Trong y khoa, suy thận bao gồm các tình trạng sau:

  • Tổn thương thận cấp: chức năng thận chỉ bị suy giảm trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày, sau đó có thể tự hồi phục về trạng thái bình thường nếu được điều trị sớm và đúng cách.
  • Suy thận cấp: cũng giống như trường hợp tổn thương thận cấp, tuy nhiên tình trạng này cần được xử lý bằng chạy thận nhân tạo, nhằm kiểm soát và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
  • Bệnh thận mạn: chức năng thận bị suy giảm liên tục trong vòng 3 tháng, kèm theo các triệu chứng bất thường ở nước tiểu, thận hoặc mô học được phát hiện thông qua các xét nghiệm chẩn đoán. Khi bị bệnh thận mạn, các chức năng của thận không có khả năng tự hồi phục.
  • Suy thận mạn giai đoạn cuối: chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng và nguy cơ cao bệnh nhân cần phải thay thế thận để bảo toàn tính mạng.

Suy thận khiến chức năng thận suy giảm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Suy thận khiến chức năng thận suy giảm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Các triệu chứng của suy thận

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi bị suy thận, bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Giảm lượng nước tiểu hoặc khó đi tiểu
  • Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm
  • Bị phù ở mặt, tay hoặc chân do cơ thể bị giữ nước
  • Đắng miệng, chán ăn
  • Cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn
  • Da xanh xao, nhợt nhạt do thiếu máu
  • Đau nhức xương khớp
  • Đau răng hoặc chảy máu chân răng
  • Môi thâm
  • Giảm ham muốn tình dục.

3. Suy thận và tăng huyết áp có mối liên hệ như thế nào?

Thận là một cặp cơ quan điều tiết nằm ở hai bên lưng. Chức năng chính của nó là hoạt động như một hệ thống lọc giúp loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể.

Thận và hệ tuần hoàn hoạt động phụ thuộc vào nhau để hoàn thành tốt các nhiệm vụ và chức năng chính trong cơ thể. Thận giúp lọc chất thải và các chất lỏng trong máu. Để làm được điều này, thận phải cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ các mạch máu. Khi những mạch máu này bị tổn thương, các nephron lọc máu sẽ không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Đây cũng chính là lý do tại sao huyết áp cao (HBP hoặc tăng huyết áp) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận. Theo thời gian, huyết áp cao không được kiểm soát có thể khiến các động mạch quanh thận bị hẹp, yếu hoặc cứng lại, dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ máu cho các mô thận. Một số tình trạng tổn thương ở thận do huyết áp cao gây ra, bao gồm:

  • Sẹo thận (xơ hóa cầu thận): xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị sẹo, dẫn đến không thể lọc được chất lỏng và chất thải từ máu một cách hiệu quả. Viêm cầu thận có thể dẫn đến suy thận.
  • Suy thận: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Các mạch máu bị tổn thương làm cản trở chức năng lọc chất thải của thận, gây ra tình trạng tích tụ các chất lỏng. Bệnh nhân bị suy thận cần phải được lọc máu hoặc thực hiện ghép thận.

Nhìn chung, suy thận và tình trạng cao huyết áp đều có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Như đã đề cập ở trên, huyết áp cao có thể gây ra bệnh thận, trong khi đó, một biến chứng hàng đầu của suy thận mạn lại là cao huyết áp. Thận không chỉ có vai trò lọc các chất lỏng trong cơ thể mà nó còn có nhiệm vụ đặc biệt khác là cân bằng huyết áp ở mức ổn định. Một khi thận bị tổn thương sẽ kéo theo sự suy giảm các chức năng thận, trong đó có khả năng điều hòa huyết áp. Sự phá vỡ thế cân bằng này khiến cho mức huyết áp bị tăng cao quá mức cho phép, có thể gây ra các hệ lụy sức khỏe khác cho người bệnh, chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ. Dưới đây là một số bệnh thận thường gặp có khả năng cao làm tăng huyết áp, bao gồm:

  • Bệnh hẹp động mạch thận: đây là căn bệnh về thận dễ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp nhất. Khi các động mạch thận bị hẹp lại sẽ làm cho lưu lượng máu đi qua thận bị giảm xuống, đồng thời làm tăng tiết chất aldosteron và angiotensin, dẫn đến tăng huyết áp. Căn bệnh này không chỉ là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp mà nó còn là tác nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm về thận, nhất là suy thận mạn.
  • Viêm bể thận mãn tính: bể thận là cầu nối giữa thận và niệu quản. Tình trạng viêm bể thận mãn tính xảy ra khi bể thận bị viêm nhiễm do sỏi. Các triệu chứng của viêm bể thận bao gồm sốt, rối loạn bài niệu, đái dắt, đái buốt, hông có cảm giác căng tức, hoặc bị đau bụng. Ngoài ra, chứng bệnh này còn dẫn đến tăng huyết áp ác tính (có xu hướng tiến triển không ngừng).
  • Viêm cầu thận: có hai loại viêm cầu thận, bao gồm viêm cầu thận cấp tính và mãn tính. Bệnh xảy ra là do rối loạn miễn dịch hoặc sự phức hợp các kháng thể, kháng nguyên của liên cầu tan máu nhóm A. Biến chứng thường gặp nhất của viêm cầu thận là tăng huyết áp. Theo thống kê cho thấy, có hơn một nửa số người bị viêm cầu thận đều có huyết áp cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là các động mạch ở thận bị bít tắc, khiến các tiểu cầu thận bị sưng phồng và thay đổi kích thước.
  • Bệnh thận đa nang: phản ánh tình trạng thận xuất hiện nhiều nang. Dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này là tăng huyết áp tâm trương kịch phát ngay trong giai đoạn đầu của bệnh. Bệnh thận đa nang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, suy thận bắt nguồn từ bệnh lý cao huyết áp và ngược lại, tình trạng cao huyết áp là biến chứng hoặc hậu quả của bệnh thận. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt mức huyết áp để ngăn ngừa bệnh thận, đồng thời, những bệnh nhân đã bị suy thận thì cần phải được điều trị sớm và kịp thời để phòng tránh rủi ro cao huyết áp.


Suy thận dẫn đến tăng huyết áp
Suy thận dẫn đến tăng huyết áp

4. Các biện pháp điều trị suy thận

Để ngăn ngừa các tổn thương ở thận do huyết áp cao gây ra, bạn nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Cố gắng kiểm soát huyết áp ở mức hợp lý
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn nhạt, ăn ít chất béo hoặc các loại thực phẩm có chứa nhiều phốt-pho như phô mai, sữa chua, bia,...
  • Tập thể dục thường xuyên- khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Sử dụng thuốc theo đúng sự chỉ định của bác sĩ

Đối với những bệnh nhân mắc phải cả hai tình trạng là bệnh thận và cao huyết áp, thì phương pháp điều trị quan trọng và hiệu quả nhất vẫn là kiểm soát huyết áp thông qua thay đổi lối sống thường ngày. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mức huyết áp nên dưới 130/80mmHg để ngăn ngừa các tổn thương ở thận không trở nên tồi tệ hơn và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để làm giảm huyết áp và bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm.

Người bệnh cần đạt được mục tiêu điều trị kiểm soát huyết áp dưới 130/80mmHg, ngăn chặn tình trạng thận không bị tổn thương nặng thêm, ngừa nguy cơ tim mạch xảy ra. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được thực hiện các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận định kỳ, đo lượng kali trong máu, để điều chỉnh thuốc và chế độ ăn uống phù hợp tốt nhất cho bệnh. Xạ hình thận là phương pháp chẩn đoán, xử lý suy thận cấp một cách hiệu quả cao. Đây là kỹ thuật đánh giá chức năng thận bằng cách sử dụng các thiết bị ghi đo hiện đại có độ chính xác cao. Xạ hình thận cho ra hình ảnh chất lượng cao cho biết tình trạng thận, suy thận chính xác ở điều kiện nào để có hướng điều trị đúng đắn, hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: heart.org, mayoclinic.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe