Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng kháng sinh đóng vai trò quan trọng nếu tác nhân gây viêm là vi sinh vật. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng sinh được sử dụng cần có khả năng kháng khuẩn toàn diện. Do đó, chị em phụ nữ cần được các bác sĩ chuyên khoa khám và lựa chọn các loại kháng sinh phù hợp, kết hợp với phương pháp điều trị cần thiết để tránh bệnh tái phát.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bác sĩ Siêu âm sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng viêm lành tính, không liên quan đến ung thư. Hiện tượng này xảy ra khi các tế bào tuyến vốn nằm bên trong ống cổ tử cung di chuyển ra ngoài, tạo thành vùng lộ tuyến. Do các tế bào tuyến không thích ứng tốt với môi trường axit của âm đạo như các tế bào vảy, vốn bao phủ bề mặt cổ tử cung và thành âm đạo, vùng lộ tuyến dễ bị viêm và kích ứng.
Nguyên nhân chính khiến hình thành vùng lộ tuyến cổ tử cung là sự gia tăng của hormone estrogen trong cơ thể. Hiện tượng này thường xuất hiện khi phụ nữ đã qua giai đoạn dậy thì và bắt đầu có quan hệ tình dục.
Trong thời gian này, nguy cơ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung tăng cao, đặc biệt là vào thời kỳ rụng trứng, khi mang thai hoặc ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra, phụ nữ tiền mãn kinh được điều trị bằng hormone bổ sung cũng có thể đối mặt với nguy cơ viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Khi vùng lộ tuyến cổ tử cung bị lộ ra ngoài, bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài cũng có khả năng gây viêm lộ tuyến cổ tử cung. Những yếu tố gây chấn thương như quan hệ tình dục thâm nhập, dùng tampon, đặt mỏ vịt hoặc các vật khác vào âm đạo. Những chấn thương vật lý này đều có thể gây nhiễm trùng và cuối cùng dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Vi khuẩn tụ cầu và streptococcus đã được ghi nhận là hai nguyên nhân chính gây nhiễm trùng tại cổ tử cung. Thêm vào đó, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như chlamydia, giang mai và lậu là những yếu tố đáng kể gây ra viêm cổ tử cung. Các tác nhân ít gặp như virus herpes simplex, trichomonas và mycoplasma sinh dục cũng cần được lưu ý trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Nếu viêm lộ tuyến cổ tử cung không được kiểm soát đúng cách và viêm nhiễm mãn tính kéo dài, có thể dẫn đến loạn sản và tăng nguy cơ ung thư.
2. Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung như thế nào?
Phần lớn phụ nữ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung có triệu chứng tiết nhiều khí hư. Tuy nhiên, trong các trường hợp viêm nhẹ, các triệu chứng bệnh thường biểu hiện không rõ ràng. Một vài dấu hiệu khí hư khi mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ bao gồm:
- Khí hư xuất hiện nhiều, có màu trắng đục hoặc chuyển thành màu sắc khác lạ như vàng hoặc xanh.
- Khí hư có mùi hôi tanh, khó chịu, kèm theo bọt và gây ngứa ngáy, rát âm đạo.
Trong các trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung ở giai đoạn nặng, ngoài triệu chứng khí hư, chúng ta có thể thấy thêm những dấu hiệu khác như sau:
- Chảy máu trong quá trình quan hệ.
- Xuất huyết âm đạo ngoài kỳ kinh.
- Cảm thấy đau ở phần bụng dưới.
- Kinh nguyệt rối loạn.
- Không còn tự tin và bị giảm sút ham muốn tình dục.
3. Chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung
Khi người bệnh có các triệu chứng như đã nêu và đi kiểm tra, viêm lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Trước khi phết, bác sĩ sẽ quan sát và nhận thấy khu vực này có màu đỏ tươi, khác với lớp tế bào bên ngoài có màu nhạt hơn.
Vùng viêm có thể sưng tấy, rỉ máu nhẹ hoặc tiết dịch màu trắng đục và có mùi hôi. Ngoài ra, phương pháp dùng tampon để thấm dịch tiết rồi nuôi cấy cũng được áp dụng để tìm ra nguyên nhân gây viêm và lựa chọn loại kháng sinh phù hợp.
Bởi viêm lộ tuyến cổ tử cung tiến triển âm thầm, căn bệnh này thường là nội dung có trong quá trình khám sức khỏe định kỳ của phụ nữ, đặc biệt qua xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Dù bản chất ban đầu của căn bệnh hoàn toàn là lành tính, nhưng viêm lộ tuyến có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung hoặc những tình trạng ác tính khác của tử cung về sau.
4. Tại sao phải dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung?
Để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bước đầu tiên là thực hiện các phương pháp hạn chế nguồn estrogen trong cơ thể, nhất là khi có sử dụng nội tiết tố ngoại sinh từ bên ngoài.
Khi phát hiện bằng chứng về tác nhân vi sinh vật gây viêm nhiễm ở vùng lộ tuyến cổ tử cung, việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ yêu cầu sử dụng các loại kháng sinh phù hợp với loại tác nhân gây bệnh được xác định.
Kháng sinh đường uống có hiệu quả trong việc chữa trị nhiễm lậu cầu, chlamydia và T vaginalis. Bên cạnh đó, thuốc kháng virus dạng uống có thể giúp giảm thời gian xuất hiện triệu chứng, tổn thương và tiêu diệt virus trong những giai đoạn đầu và giảm khả năng tái phát của nhiễm trùng herpes sinh dục.
Đối với thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, kháng sinh được lựa chọn cần có khả năng kháng khuẩn toàn diện, nhằm bao quát tất cả các tác nhân có khả năng gây bệnh trong tình huống này, ví dụ như:
- Ceftriaxone và Cefixime thuộc nhóm cephalosporin thế hệ thứ ba, được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh viêm sinh dục, đặc biệt là do lậu cầu. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein gắn penicillin, từ đó cản trở quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn và làm chậm sự phát triển của chúng.
- Spectinomycin là một kháng sinh có khả năng thay thế cephalosporin trong điều trị bệnh lậu. Chất này hoạt động bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp protein trong tế bào vi khuẩn. Nên sử dụng Spectinomycin cho những bệnh nhân có phản ứng dị ứng với penicillin và quinolone. Tuy nhiên, bác sĩ thường không đề xuất sử dụng thuốc này nếu nghi ngờ có lậu cầu ở vùng họng.
- Liệu pháp đầu tiên được dùng để điều trị viêm cổ tử cung do chlamydia là Azithromycin. Đây là một loại kháng sinh macrolide bán tổng hợp, có tác dụng hiệu quả trong việc chữa trị chlamydia.
- Doxycycline thuộc nhóm tetracycline, có tác dụng kéo dài và có nguồn gốc từ oxytetracycline. Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung này làm giảm khả năng tổng hợp protein trong vi khuẩn và rất hiệu quả trong việc điều trị chlamydia.
- Metronidazole là một chất kháng khuẩn và chất chống độc được tổng hợp. Thuốc này được sử dụng như liệu pháp đầu tiên để điều trị nhiễm trùng ở âm đạo và tử cung do T. vaginalis.
- Levofloxacin có tác dụng ức chế men gyrase trong cấu trúc DNA. Đây là một phương pháp điều trị thay thế cho viêm cổ tử cung gây ra bởi chlamydia.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống siêu vi như Acyclovir, Famciclovir và Valacyclovir để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Liệu pháp đặt thuốc tại chỗ được chỉ định thực hiện trong 10 ngày. Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, quá trình điều trị có thể được lặp lại sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát viêm nhiễm, chứ không loại bỏ hoàn toàn tổn thương lộ tuyến. Do đó, nguy cơ tái phát bệnh vẫn còn cao.
5. Các phương pháp điều trị khác
Trong trường hợp người bệnh gặp phải tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung tái phát liên tục và không thể kiểm soát bằng thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ có thể cần xem xét thêm các phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung chuyên sâu, chẳng hạn như bôi bạc nitrat hay áp lạnh để tiêu hủy các tế bào viêm ở khu vực đó.
Phương pháp áp lạnh cổ tử cung sử dụng khí nitơ ở nhiệt độ cực thấp để làm đông cứng và tiêu diệt các tế bào gây viêm nhiễm tại cổ tử cung. Quy trình thực hiện tương đối nhanh chóng, chỉ kéo dài khoảng 1-2 phút. Để bảo vệ các mô lành xung quanh, bác sĩ sẽ áp lạnh bằng khí nitơ trong 30 giây rồi rút dụng cụ ra.
Mặc dù hiệu quả trong việc điều trị viêm cổ tử cung nhưng phương pháp áp lạnh vẫn còn hạn chế về sự phổ biến và chi phí, gây khó khăn cho nhiều phụ nữ khi muốn áp dụng.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung, nếu không được can thiệp, sẽ dần lan rộng ra phía ngoài cổ tử cung. Để khắc phục tình trạng này, phương pháp đốt laser được áp dụng nhằm loại bỏ các tuyến gây viêm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lớp biểu mô lành lặn tái tạo.
Tuy nhiên, kỹ thuật đốt laser đòi hỏi sự chính xác cao. Nếu thực hiện quá sâu, cổ tử cung sẽ hình thành sẹo và co rút, dẫn đến tình trạng hẹp lỗ cổ tử cung. Hậu quả là máu kinh bị ứ đọng, gây đau đớn trong kỳ kinh nguyệt và thậm chí cản trở quá trình thụ thai.
Tuy nhiên, cho dù có áp dụng bất kỳ biện pháp nào, trong thời gian điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, phụ nữ cần kiêng kỵ một số hành động cụ thể tại khu vực này, như việc sử dụng tampon, thụt rửa âm đạo sâu hay quan hệ tình dục thâm nhập. Tránh những hoạt động này sẽ góp phần giúp cổ tử cung nhanh lành, hạn chế tình trạng chảy máu và nâng cao khả năng đề kháng của các tế bào.
Việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng kháng sinh là cần thiết khi không thể loại trừ hoàn toàn các vi sinh vật gây bệnh. Để đạt hiệu quả cao trong điều trị, người bệnh cần được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời, lựa chọn loại thuốc phù hợp và có thể kết hợp các biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.