Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm đa dây thần kinh ngoại biên là bệnh lý thường gặp ở người thường xuyên vận động hoặc phải làm việc nặng nhọc. Nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể để lại nhiều di chứng kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân.
1. Viêm đa dây thần kinh ngoại biên là gì?
Hệ thống thần kinh trong cơ thể được chia thành 2 loại: Hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) và hệ thống thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh còn lại). Dây thần kinh ngoại biên là các dây thần kinh không nằm trong não và tủy sống của con người. Chức năng của các dây thần kinh ngoại biên là liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và các cơ quan trên cơ thể.
Do không nằm trong não và tủy sống nên các dây thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi xương sống và hộp sọ. Bởi vậy, chúng dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể, gây viêm. Bệnh ảnh hưởng tới các dây thần kinh gồm:
- Dây thần kinh cảm nhận được cảm giác nóng, đau hoặc tiếp xúc;
- Dây thần kinh vận động kiểm soát việc di chuyển các cơ bắp;
- Dây thần kinh tự chủ điều khiển các chức năng tự động như nhịp tim, tiêu hóa, huyết áp và chức năng bàng quang.
Những nguyên nhân thường gây viêm đa dây thần kinh ngoại biên gồm:
- Dây thần kinh bị chấn thương: Tai nạn xe cộ, té ngã, chấn thương do chơi thể thao,... dẫn tới đứt, dư hỏng, viêm các dây thần kinh ngoại biên;
- Nhiễm trùng các cơ: Khi bị tổn thương và nhiễm trùng tại các cơ, các virus hay vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công, gây viêm nhiễm các dây thần kinh ngoại biên. Bệnh Lyme, bệnh zona, Epstein - Barr, viêm gan C và HIV/AIDS là các nguyên nhân thường gặp gây bệnh;
- Biến chứng của bệnh tiểu đường: Có khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường mắc các bệnh liên quan tới dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh ngoại biên;
- Mắc các bệnh tự miễn: Lupus, viêm khớp dạng thấp và hội chứng Guillain - Barre dễ dẫn đến viêm đa dây thần kinh ngoại biên;
- Khối u: Các khối u xuất hiện sẽ chèn ép các dây thần kinh ngoại biên và khiến chúng bị tổn thương, viêm nhiễm;
- Tiếp xúc với độc tố: Khi cơ thể tiếp xúc với môi trường có nhiều độc tố thì bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên sẽ dễ xuất hiện, tiến triển nhanh;
- Lạm dụng chất kích thích: Việc hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân làm phát sinh bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên;
- Nguyên nhân khác: Mắc bệnh gan, bệnh thận, các rối loạn di truyền,...
2. Triệu chứng viêm đa dây thần kinh ngoại biên
Khi các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương, quá trình trao đổi thông tin giữa não và các cơ hay các bộ phận khác sẽ gặp trục trặc. Một số dấu hiệu giúp nhận biết bệnh gồm:
- Tê bì chân tay, có cảm giác như bị châm kim hoặc điện giật;
- Ngứa ngáy tại vùng dây thần kinh bị tổn thương rồi cơn ngứa nhanh chóng lan ra các vùng cánh tay, bắp chân;
- Thường xuyên bị đau nhức ở khớp cổ tay, khớp vai và chân, thường có cảm giác nóng ở các vùng dây thần kinh ngoại biên đi qua;
- Suy yếu khả năng vận động, gặp khó khăn trong việc đi đứng và di chuyển, thậm chí có nguy cơ bị liệt cơ;
- Đau bụng và rối loạn đường tiêu hóa, gây ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu kéo dài;
- Trường hợp nặng có nguy cơ giảm tiết mồ hôi, biến chứng tụt huyết áp gây đau thắt ngực, liệt dương ở nam giới và khô âm đạo ở nữ giới.
3. Viêm đa dây thần kinh ngoại biên có nguy hiểm không?
Bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân nhưng các triệu chứng của bệnh gây khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Mức độ nguy hiểm của bệnh tùy thuộc vào 2 thể bệnh là viêm cấp tính và viêm mãn tính. Cụ thể:
- Viêm cấp tính: Các cơn đau bình thường tới dữ dội có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh có thể thuyên giảm nếu sử dụng các thuốc đặc trị như thuốc giảm đau, thuốc chống động kinh hay thuốc chống trầm cảm,...;
- Viêm mãn tính: Ở bệnh nhân viêm đa dây thần kinh ngoại biên cấp tính, nếu không phát hiện hoặc không điều trị (hoặc điều trị không dứt điểm) sẽ tiến triển thành mãn tính với những biến chứng nặng như liệt dương, tụt huyết áp,... Ngoài ra, bệnh nhân còn phải chịu nhiều đau đớn và đối diện với nguy cơ bị teo cơ, yếu chi, dần dần dẫn đến liệt chi.
4. Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên
- Chăm sóc đôi chân, kiểm tra chân hằng ngày, tìm các dấu hiệu mụn, các vết chai, vết cắt,... (đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường). Người đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cũng không nên đi giày, tất chật vì có thể gây đau, ngứa, lở loét không lành;
- Bỏ thuốc lá: Các chất độc hại có trong khói thuốc lá có thể ảnh hưởng tới sự lưu thông máu của các chi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, có thể khiến người bệnh phải cắt cụt chân do biến chứng;
- Tập thể dục đều đặn: Bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ về cường độ luyện tập và bài tập phù hợp để giảm giảm đau thần kinh, kiểm soát bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên;
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nếu có nguy cơ cao mắc bệnh, bệnh nhân nên thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây và ngũ cốc); nên ăn thịt, cá, trứng và sữa ít béo; hạn chế uống rượu bia;
- Massage chân tay: Để cải thiện lưu thông máu, kích thích dây thần kinh và giúp làm giảm đau tạm thời;
- Tránh các áp lực kéo dài lên đầu gối, khuỷu tay trong thời gian dài vì điều này có thể gây tổn thương dây thần kinh.
Viêm đa dây thần kinh ngoại biên tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng có thể gây những tác động tiêu cực tới chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, mỗi người không được chủ quan trước các nguyên nhân gây bệnh, áp dụng biện pháp phòng bệnh hiệu quả, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, dứt điểm để có một sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.