Móng tay có thể báo hiệu cho chúng ta biết nhiều thông tin chi tiết về sức khỏe của bạn. Chúng có thể cho biết bạn có bị nhiễm trùng, mắc bệnh nghiêm trọng hay không hoặc thậm chí là bạn đang ăn uống tốt như thế nào thông qua hình dạng móng tay. Vậy tại sao móng tay của bạn trông kỳ lạ? Hãy theo dõi bài viết để biết chúng đang cảnh báo tình trạng sức khỏe của mình thế nào.
1. Móng tay bất thường
Để biết móng tay của bạn có thể nói lên điều gì, trước hết bạn cần trả lời những câu hỏi dưới đây. Khi thấy có dấu hiệu bất thường về màu sắc, nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám để biết chính xác liệu cơ thể có đang có vấn đề hay không.
- Móng tay có màu nhợt nhạt hay trắng bệch?
Nếu móng tay có màu nhợt nhạt hoặc trắng bệch, có thể cơ thể đang có số lượng hồng cầu thấp. Móng tay trắng cũng có thể báo hiệu mắc bệnh gan, tiểu đường, tuyến giáp hoạt động quá mức, bị suy tim hoặc đang thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của mình.
Nếu móng tay của bạn chủ yếu là màu trắng với một dải màu hồng hẹp ở đầu, bạn có một bệnh gọi là Móng tay của Terry (đốm trắng trên móng tay). Nó có thể là kết quả của quá trình lão hóa, nhưng nó cũng có thể đang báo hiệu trước nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, gan hoặc tim.
- Móng tay có màu vàng không?
Móng tay dày, mọc chậm và có màu vàng thường chỉ ra các bệnh về phổi như khí phế thũng hoặc viêm phế quản mãn tính. Chất lỏng trong phổi cũng có thể dẫn đến móng tay có màu vàng.
Hiện tượng Raynaud – hội chứng co thắt các động mạch làm giảm dòng máu nuôi các mô cơ quan cũng vậy, nguyên nhân là do quá trình tuần hoàn máu đến ngón tay, ngón chân và mũi kém.
Móng tay màu vàng thậm chí cũng có thể là triệu chứng của bệnh viêm xoang, các vấn đề về tuyến giáp, tích tụ bạch huyết và viêm khớp dạng thấp.
Đôi khi, móng tay màu vàng cũng có thể do yếu tố di truyền.
- Móng tay có màu hơi xanh hoặc tím nhẹ không?
Bác sĩ có thể gọi đây là chứng xanh tím – thuật ngữ trong y học để chỉ làn da trông như vậy. Bạn cũng có thể nhận thấy nó trên các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như môi hoặc thậm chí là dái tai. Nó có thể xảy ra nếu các tế bào hồng cầu của bạn không mang đủ lượng oxy. Khi có dấu hiệu này, bác sĩ sẽ kiểm tra tim, phổi, tế bào máu và mạch máu của bạn có hoạt động bình thường hay không.
- Móng có những đường mỏng màu đỏ hoặc nâu không?
Chúng được gọi là xuất huyết mảnh. Chúng thường xuất phát từ chấn thương móng tay của bạn hoặc nhiễm trùng nấm. Chúng cũng có thể là do bệnh vẩy nến, u ác tính, hoặc thậm chí là nhiễm trùng trong niêm mạc tim của bạn.
Móng có những đường thẳng nào đi từ bên này sang bên kia không?
Chúng được gọi là Beau’s lines. Đôi khi chúng đi kèm với một bệnh nặng hoặc chấn thương. Hoặc chúng có thể xuất hiện sau khi bị chấn thương.
Triệu chứng này có mối liên hệ với hội chứng Raynaud.
Chúng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm, nhưng thông thường, chúng là một dấu hiệu khi cơ thể căng thẳng, stress,...
- Móng tay bị mòn, mỏng
Đó là khi móng tay của bạn mỏng đi và lõm xuống ở giữa, đôi khi có những đường gờ nổi lên. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh tim, chấn thương, lupus, tuyến giáp thấp hoặc vấn đề với sắt - quá ít hoặc quá nhiều.
- Các đường móng có bị tách ra, xuất hiện các vết rỗ trên bề mặt không?
Bệnh vẩy nến thường bắt đầu ở móng tay của bạn. Nó có thể làm cho chúng bị tách ra và gây ra các vết rỗ trên bề mặt. Các nguyên nhân khác bao gồm viêm khớp hoặc bệnh tuyến giáp.
- Móng tay bị cong giống chiếc thìa úp
Các đầu ngón tay của bạn bị phồng lên. Móng tay của bạn có thể cong lên trên và trông giống như phần dưới cùng của một chiếc thìa úp ngược. Chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan, phổi hoặc tim, AIDS hoặc thậm chí là bệnh viêm ruột.
- Móng tay có những đường hoặc đốm màu tối bên dưới không?
Một đường dày màu đen hoặc nâu chạy từ dưới lên trên có thể là u ác tính. Đôi khi nó xuất hiện như một đốm màu sẫm.
- Móng tay mỏng, dễ bị gãy không?
Có nhiều nguyên nhân khiến móng tay của bạn tách ra khỏi lớp móng:
- Móng tay để dài – đây là nguyên nhân phổ biến nhất, không gây hại gì hết
- Tổn thương hoặc nhiễm trùng
- Phản ứng với chất làm cứng hoặc chất kết dính móng tay
- Tiếp xúc quá mức với hóa chất khi làm móng
Các loại thuốc như tetracycline và naproxen, tạo ra sự nhạy cảm với ánh sáng và có thể khiến móng tay của bạn trở nên nhạy cảm với ánh sáng và dễ bị nhấc ra khỏi lớp móng
Bị bệnh vẩy nến, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh khác, đặc biệt nếu tất cả các móng đều cùng tình trạng.
2. Bạn nên làm gì?
Không nên bỏ qua những thay đổi hay những dấu hiệu bất thường trên móng tay của bạn, tuy nhiên cũng không nên vội kết luận mình đang có vấn đề về sức khỏe. Móng tay bề mặt không mịn, dày dặn hoặc không có một màu hồng có thể là dấu hiệu cơ thể đang mắc bệnh, hoặc cũng có thể là không. Vì vậy, để biết chắc chắn, tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.
Tìm nguyên nhân khiến móng tay bất thường. Các vết bầm tím, chảy máu dưới móng và nhiễm nấm là nguyên nhân chính khiến móng tay bị nứt, bong tróc hoặc thay đổi màu sắc và kết cấu. Mặc dù phổ biến nhưng nhiễm nấm có thể khó điều trị. Nếu các triệu chứng của bạn không biến mất, hãy đến gặp bác sĩ da liễu.
Các triệu chứng khác của bệnh hầu như luôn xuất hiện trước khi xuất hiện những thay đổi ở móng tay.
Bệnh có thể gây ra những thay đổi về móng, tuy nhiên ở một số người lại không biểu hiện. Chẳng hạn như không phải ai bị bệnh gan cũng sẽ phát triển móng tay trắng - và không phải ai có móng tay trắng đều bị bệnh gan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com