Móng tay lõm hình thìa: Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Khi móng tay thay đổi màu sắc, hình dạng hoặc xuất hiện các bất thường có thể là dấu hiệu báo động cơ thể đang gặp vấn đề. Việc kiểm tra móng thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh lý nghiêm trọng tiềm tàng, trong đó có tình trạng móng tay lõm hình thìa hay còn gọi là móng tay muỗng.

1. Móng tay lõm hình thìa là gì?

Tiến sĩ Amy Derrick - Giảng viên Khoa Da liễu trường Đại học Northwestern Hoa Kỳ cho biết: có khoảng hơn 30 dấu hiệu trên móng tay phản ánh các vấn đề về sức khỏe, trong đó có hiện tượng móng tay lõm hình thìa (koilonychias) hay con gọi là móng tay muỗng.

Móng lõm hình thìa là hiện tượng phần giữa của móng tay (hoặc móng chân) bị lõm xuống, phần xung quanh cạnh của móng tay lại vênh lên, trông giống hình dạng của một chiếc thìa. Móng lõm hình thìa có khả năng giữ được một giọt nước trên móng.

Khi mắc phải tình trạng này, móng tay của bệnh nhân trở nên mỏng hơn, có thể bị nứt và phần ngoài của móng dễ tách ra khỏi giường móng. Tình trạng lõm móng hình thìa thường xảy ra ở móng tay, tuy nhiên đôi khi triệu chứng này còn xuất hiện ở cả móng chân.

2. Cơ chế hình thành móng tay lõm hình thìa

Cơ chế gây nên tình trạng móng tay lõm thìa chưa được xác định rõ ràng. Người ta cho rằng nó có liên quan đến sự mềm giường và chất nền của móng tay tuy nhiên vẫn chưa hiểu rõ cơ chế gây bệnh.


Móng lõm hình thìa là hiện tượng phần giữa của móng tay (hoặc móng chân) bị lõm xuống, phần xung quanh cạnh của móng tay lại vênh lên
Móng lõm hình thìa là hiện tượng phần giữa của móng tay (hoặc móng chân) bị lõm xuống, phần xung quanh cạnh của móng tay lại vênh lên

3. Nguyên nhân móng tay lõm hình thìa

Nguyên nhân móng tay lõm hình thìa phổ biến nhất là do cơ thể bị thiếu hụt chất sắt hoặc bị thiếu máu. Bệnh nhân có móng tay lõm hình thìa thường có mức độ hồng cầu trong máu thấp hơn bình thường.

Bên cạnh đó, móng tay lõm hình thìa cũng có thể là kết quả của sự chấn thương do hóa trị liệu hoặc do xạ trị ung thư, bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với dung môi chứa dầu, các chất tẩy rửa hoặc do cơ thể không có khả năng hấp thụ được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Những người thợ làm tóc cũng có thể mắc phải tình trạng này do tác hại của các sản phẩm làm tóc mà họ tiếp xúc hàng ngày.

Móng tay lõm thìa thường liên quan đến các bệnh lý mãn tính như: bệnh tiểu đường, bệnh lý tim mạch, tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt protein, thiếu vitamin, bệnh nhân mắc bệnh vảy nến hoặc bị rối loạn tuyến giáp, hội chứng Raynaud’s...

Một nguyên nhân móng tay lõm hình thìa khác có thể gặp ở nhiều người đó là do di truyền hoặc do tác động của môi trường. Một nghiên cứu ở những người lớn tuổi cho thấy có hơn 47% người lớn tuổi bị tình trạng móng tay lõm và những người lao động tay chân là nhóm đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn bình thường.

Theo kết quả của một nhóm khác, móng lõm hình thìa thường xảy ra ở 32% trẻ em sống ở khu vực nông thôn và xảy ra với 17% trẻ em sống ở khu vực thành thị. Điều này được giải thích là do trẻ em ở nông thôn có nguy cơ cao bị chấn thương ở bàn chân do thường xuyên đi chân đất hoặc phải ngâm chân trong nước.

4. Phương pháp điều trị móng tay lõm hình thìa


Người bệnh có thể bổ sung chất sắt trong khẩu phần ăn nếu nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ thiếu máu
Người bệnh có thể bổ sung chất sắt trong khẩu phần ăn nếu nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ thiếu máu

Để áp dụng đúng phương pháp điều trị và sớm khỏi bệnh, khi phát hiện triệu chứng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác. Giải quyết được nguyên nhân móng tay lõm thìa thì tình trạng này sẽ sớm thuyên giảm và biến mất.

Nếu móng tay lõm là do thiếu máu, người bệnh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng để bổ sung chất sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Một số thực phẩm giàu sắt nên được tiêu thụ mạnh như tăng cường thịt đỏ, thịt bò, thịt của các loài hải sản, đậu Hà Lan. Ngoài ra, người bệnh cần ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C. Vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất sắt từ thức ăn tốt hơn rất nhiều.

Trường hợp móng lõm hình thìa do cơ thể không thể hấp thụ được vitamin B12 từ thức ăn thì người bệnh có thể bổ sung B12 bằng viên uống theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

5. Chăm sóc móng tay bị lõm hình thìa

Bệnh nhân mắc chứng móng lõm thìa cần giữ cho móng khô thoáng và vệ sinh móng thật sạch hàng ngày để tránh nhiễm trùng ở vùng bị móng tổn thương. Đặc biệt phải từ bỏ hoàn toàn thói quen cắn móng. Nên giữ móng tay ngắn và có thể thoa các loại kem dưỡng sau khi tắm để giữ ẩm móng. Đeo găng tay bảo vệ da và móng khi làm các công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với hóa chất hoặc dung môi dầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe