Mật độ vú là một trong các yếu tố thường được đánh giá tại vú. Mật độ vú của mỗi người phụ nữ là khác nhau, và tại sao nó lại hay được quan tâm như vậy?
1. Mật độ vú là gì?
Vú có thành phần cấu trúc phức tạp, mô vú bao gồm ba loại sau:
- Mô xơ: Có chức năng nâng đỡ và giữ vững cấu trúc của vú.
- Mô tuyến: Là thành phần chịu trách nhiệm sản xuất sữa, được gọi là các thùy, và sữa được vận chuyển tới núm vú qua một hệ thống các ống tuyến. Mô xơ và mô tuyến có thể được gộp chung với nhau dưới tên gọi là mô xơ tuyến, và là mô đặc.
- Mô mỡ: Là thành phần lấp đầy khoảng trống giữa các mô xơ, các thùy và hệ thống ống tuyến. Kích thước và ngoại hình của vú cũng do các mô mỡ kiến tạo, và mô mỡ là mô không đặc.
Mật độ vú là thuật ngữ phản ánh sự tương quan giữa thành phần các mô của vú trên kết quả chụp nhũ ảnh, cụ thể là giữa số lượng mô xơ, mô tuyến (mô đặc) với số lượng mô mỡ (mô không đặc).
Mật độ vú không thể nhận biết bằng cảm giác của bản thân, bằng đánh giá kích thước của vú hoặc bằng cách tự khám vú. Bác sĩ cũng không thể nhận biết mật độ của vú thông qua khám lâm sàng, mà mật độ vú phải được đánh giá trên kết quả chụp nhũ ảnh.
Phân loại mật độ vú hiện nay sử dụng theo Hệ thống báo cáo và dữ liệu chẩn đoán hình ảnh về vú (Breast Imaging Reporting and Data System - BI-RADS), các mức độ được kí hiệu bằng chữ cái, cụ thể là:
- A: Thành phần vú hầu hết là mô mỡ (chiếm khoảng 10% số phụ nữ).
- B: Rải rác các vùng xơ tuyến, nhưng thành phần vú chủ yếu vẫn là các mô không đặc (chiếm khoảng 40% số phụ nữ).
- C: Mô đặc không đồng nhất, nghĩa là vẫn có những vùng mô không đặc, nhưng thành phần vú chủ yếu là mô đặc (chiếm khoảng 40% số phụ nữ).
- D: Mật độ vú rất dày, hầu hết là mô đặc (chiếm khoảng 10% số phụ nữ).
Nếu mật độ vú là A hoặc B, nghĩa là vú có mật độ thấp, vú không đặc, hoặc vú nhiều mỡ. Còn nếu mật độ vú là C hay D thì có nghĩa là vú có mật độ đặc, hoặc vú đặc. Khoảng một nửa số phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có vú đặc.
2. Tại sao mật độ vú lại quan trọng?
Với mỗi người phụ nữ, mật độ vú có ảnh hưởng tới hai khía cạnh sau:
- Nguy cơ ung thư vú: Phụ nữ có mật độ vú đặc đối mặt với nguy cơ ung thư vú cao hơn, và mật độ càng đặc thì nguy cơ càng cao, nhưng lí do vì sao hiện nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân ung thư vú thì mật độ vú đặc lại có vẻ không làm tăng tỉ lệ tử vong vì ung thư vú, so với những bệnh nhân có mật độ vú không đặc.
- Kết quả chụp nhũ ảnh: Mô vú đặc có thể che lấp hình ảnh của ung thư, bởi cả mô xơ, mô tuyến và ung thư đều có màu trắng đục trên kết quả chụp nhũ ảnh. Các khối u nhỏ là đối tượng dễ bị che lấp nhất.
3. Ai sẽ dễ có mật độ vú đặc?
Mật độ của vú có thể thay đổi theo thời gian, nhưng thông thường, một người phụ nữ sẽ dễ có mật độ vú đặc hơn, nếu:
- Tuổi còn trẻ.
- Đang mang thai, hoặc đang cho con bú.
- Đang sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế.
- Có cân nặng cơ thể thấp.
4. Nếu có mật độ vú đặc thì nên làm gì?
Trước tiên cần khẳng định mật độ vú đặc là một hiện tượng sinh lý bình thường, phổ biến, bởi như đã đề cập phía trên, có thể có tới một nửa số phụ nữ có mật độ vú đặc. Tuy nhiên người có mật độ vú đặc nên tham vấn với bác sĩ về nguy cơ xảy ra ung thư vú, bởi mật độ vú đặc là một trong số các yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Bác sĩ sẽ xem xét về các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử ung thư của gia đình,...
Các kĩ thuật tầm soát khác có thể được bác sĩ chỉ định để làm tăng khả năng phát hiện sự tồn tại của ung thư, nhằm đề phòng dấu hiệu của ung thư trên kết quả chụp nhũ ảnh bị che lấp.
Tuy nhiên, bất kỳ kỹ thuật nào cũng có những hạn chế nhất định, bao gồm hiện tượng dương tính giả (kết quả là bất thường, nhưng trên thực tế không có ung thư). Kết quả dương tính giả thường dẫn tới thực hiện những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán không cần thiết khác, chẳng hạn như sinh thiết vú, khiến người phải thực hiện rơi vào tâm trạng lo lắng, mất thời gian và tốn kém.
Một số kĩ thuật tầm soát (bên cạnh chụp nhũ ảnh) mà có thể bác sĩ sẽ chỉ định bao gồm:
- Siêu âm vú.
- Chụp cộng hưởng từ vú.
Hãy tham vấn bác sĩ, để dựa trên từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề và tư vấn về thời điểm bắt đầu tiến hành tầm soát ung thư vú, khoảng thời gian giữa hai lần thực hiện tầm soát và những gì nên thực hiện trong mỗi lần tầm soát ung thư vú.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Tầm soát ung thư vú dành cho chị em phụ nữ, giúp phát hiện sớm ung thư vú ngay cả khi chưa có triệu chứng. Khi đăng ký Gói, khách hàng sẽ được:
- Khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu;
- Tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú 2 bên và chụp X-quang tuyến vú.
Để thăm khám và điều trị tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: cdc.gov