Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Đi ngoài phân đen là một hiện tượng thường gặp, có thể là do màu của thức ăn hoặc do sử dụng thuốc. Tuy nhiên, không thể loại trừ nguyên nhân đi ngoài phân đen là do một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng đang xảy ra trong cơ thể.
1. Đi ngoài phân đen là do đâu?
Bình thường, chúng ta có thể thấy phân màu đen trong trường hợp ăn một số thực phẩm đặc biệt hoặc do thuốc như ăn huyết (tiết), bổ sung sắt, thuốc có chứa Bismuth... Tuy nhiên, phân màu đen cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý nhẹ hoặc nghiêm trọng liên quan đến đường tiêu hóa.
Trên thực tế, khi máu chảy ra từ bất kỳ phần nào thuộc hệ thống tiêu hóa (bắt đầu từ miệng đến hậu môn) đều có thể dẫn đến việc đi ngoài phân đen hoặc phân có máu tươi. Bên cạnh đó, máu còn có thể chảy ra từ những tổn thương mũi họng, chảy xuống và được nuốt vào bên trong hệ tiêu hóa.
Cụ thể có ba nguyên nhân chính gây chảy máu là: chảy máu do loét dạ dày – tá tràng (phổ biến nhất), do vỡ tĩnh mạch thực quản và chảy máu đường mật. Ngoài ra còn có thể do chảy máu chân răng, chảy máu lúc cắt amidan, ho ra máu khiến người bệnh nuốt máu xuống đường tiêu hóa. Máu trong đường tiêu hóa dưới tác động của dịch vị và dịch ruột sẽ làm cho hồng cầu biến chất và trở thành màu đen.
Nếu đi ngoài phân đen sệt như hắc ín và bốc mùi hôi thối thì đây thường là một triệu chứng gợi ý tình trạng chảy máu đường tiêu hóa trên (đoạn thực quản, dạ dày, gan mật hoặc ruột non). Nếu tổn thương đường tiêu hóa thấp (đoạn đại tràng, trực tràng hay hậu môn) thì trong phân có thể lẫn máu máu đỏ tươi kèm theo cục máu đông.
Tùy thuộc vào tổn thương lớn hay nhỏ, mức độ xuất huyết bên trong hệ tiêu hóa và thời gian máu lưu lại trong ruột mà có thể thấy được màu sắc của máu trong phân. Nếu chỉ có một lượng rất nhỏ máu trong phân thường sẽ không thay đổi đáng kể màu sắc của phân.
2. Các triệu chứng kèm theo đi ngoài phân đen
2.1 Triệu chứng thường thấy
- Đau bụng.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện.
- Tiêu chảy.
- Chướng bụng
- Các triệu chứng giống cúm như: mệt mỏi, sốt, đau họng, nhức đầu, ho, đau nhức...
- Phân có mùi hôi thối
- Buồn nôn và nôn
- Xuất hiện tình trạng vàng da.
- Ăn không ngon
- Đau hoặc nóng rát trực tràng.
- Giảm cân.
2.2 Triệu chứng nghiêm trọng cần lưu ý
- Thay đổi tri giác: lơ mơ, hôn mê, không đáp ứng với kích thích.
- Thay đổi trạng thái tâm thần, hành vi đột ngột: nhầm lẫn, mê sảng, ảo giác và ảo tưởng.
- Chóng mặt.
- Sốt cao trên 39 độ C
- Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh
- Khó thở, thở dốc, thở khò khè, không thể thở được hoặc nghẹt thở.
- Bụng gồng cứng.
- Đau bụng dữ dội.
3. Một số bệnh lý có triệu chứng đi ngoài phân đen
Khi đi ngoài phân đen kéo dài, có thể nghi ngờ một trong các bệnh lý sau đây:
Khi dạ dày bị tổn thương, viêm loét thậm chí là xuất huyết, máu từ vết loét tồn đọng sau đó sẽ đào thải lẫn vào phân. Một số tác nhân như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Viêm thực quản
Khi bị viêm thực quản có chảy máu, máu cũng sẽ lẫn vào các chất thải dẫn đến hiện tượng đại tiện phân đen.
Khi mắc các vấn đề về tai mũi họng có thể xuất hiện triệu chứng chảy máu trong, máu được nuốt xuống dạ dày và đào thải theo phân. Đây là một nguyên nhân hiếm gặp dẫn đến hiện tượng phân đen nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.
Viêm/u ruột non
Ruột non là bộ phận cuối cùng của hệ tiêu hóa, khi ruột non gặp vấn đề như viêm, u ruột thì màu sắc phân cũng sẽ bị biến đổi.
Chảy máu bên trong đường mật
Người có tiền sử bệnh gan, bị chấn thương gan, dập mật, sỏi mật... có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết đường mật, gây ra các tổn thương mạch máu, làm máu chảy xuống đường ruột khiến cho phân màu đen.
Ung thư
Một số bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng giai đoạn đầu sẽ có biểu hiện đi ngoài phân đen không rõ cơ chế. Tuy nhiên khi phát hiện phân có màu đen trong thời gian dài cần phải nhanh chóng thăm khám và điều trị ngay.
4. Đi ngoài phân đen có nguy hiểm không?
Đi cầu phân đen là thường là biểu hiện của tình trạng chảy máu từ đường tiêu hóa (sau khi đã loại trừ nguyên nhân do thức ăn, thuốc), chúng ta không nên chủ quan với dấu hiệu này mà cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân, Một số trường hợp đi cầu phân đen vào viện trễ có thể đe dọa đến tính mạng và làm lan rộng hay di căn tế bào ung thư.
Ngoài ra, việc chảy máu tiêu hóa rỉ rả lâu ngày có thể dẫn đến thiếu máu, xuất huyết và mất máu nặng gây sốc, nếu chảy máu đường mật thể nặng có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng và thậm chí có thể gây tử vong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.