Cơ thể của bạn sẽ tự điều chỉnh các phản ứng thích hợp nhằm thích nghi với môi trường xung quanh, chẳng hạn như khi nhiệt độ thay đổi, hay khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc một số điều kiện khác mà bạn không ý thức được điều đó. Chẳng hạn như, khi quá nóng, cơ thể bạn sẽ đổ mồ hôi, và khi gặp lạnh, cơ thể bạn sẽ run lên.
1. Tại sao có hiện tượng rùng mình
Hiện tượng rùng mình xảy ra là cách cơ thể của bạn phản ứng trong trường hợp thay đổi nhiệt độ nhanh chóng hoặc nhiệt độ lạnh.
Tuy nhiên, đây không chỉ là phản ứng của cơ thể trong môi trường lạnh, rùng mình còn là triệu chứng của căn bệnh nào đó cần được điều trị ngay. Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn rùng mình. Bao gồm:
1.1 Môi trường lạnh
Khi nhiệt độ giảm xuống một mức nhất định, bạn có thể bắt đầu cảm thấy run rẩy. Rùng mình giúp nhiệt độ cơ thể ấm lên nhằm thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Rùng mình có thể làm cơ thể ấm lên rất lâu. Sau một vài giờ, cơ bắp của bạn sẽ hết glucose (đường) để lấy nhiên liệu, và sẽ trở nên quá mệt mỏi để co bóp và thư giãn.
Hiện tượng rùng mình ở mỗi người sẽ xảy ra ở các mức nhiệt độ khác nhau. Ví dụ, trẻ em không có nhiều mỡ dưới da, vì thể rùng mình có thể xảy ra với nhiệt độ cao hơn so với người lớn.
Sự nhạy cảm của bạn với môi trường lạnh cũng có thể thay đổi theo tuổi tác hoặc vì những lo ngại về sức khỏe. Ví dụ, nếu bạn có tuyến giáp hoạt động kém ( suy giáp ), bạn có khả năng cảm thấy lạnh hơn so với người không mắc bệnh.
Gió hoặc nước thấm vào quần áo của bạn cũng có thể khiến bạn cảm thấy lạnh hơn và dẫn đến hiện tượng rùng mình.
1.2 Sau khi gây mê
Bạn có thể cảm thấy run rẩy không kiểm soát được khi thuốc mê hết tác dụng và tỉnh lại sau phẫu thuật. Tuy chưa xác định được chính xác nguyên nhân nhưng một số ý kiến cho rằng, đây là do phòng mổ thường có nhiệt độ thấp, và nằm một thời gian dài trong phòng mổ khiến nhiệt độ cơ thể bạn giảm đáng kể.
Gây mê toàn thân cũng có thể can thiệp vào quy định nhiệt độ bình thường của cơ thể bạn.
1.3 Lượng đường trong máu thấp
Giảm lượng đường trong máu có thể là là nguyên nhân gây ra một phản ứng rùng mình. Điều này có thể xảy ra nếu bạn phải nhịn ăn trong một thời thời gian nhất định. Hiện tượng rùng mình cũng có thể xảy ra nếu bạn mắc một căn bệnh nào đó làm ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu thấp có thể ảnh hưởng đến người bệnh theo những cách khác nhau. Nếu bạn không rùng mình, bạn có thể toát mồ hôi, cảm thấy lâng lâng hoặc nhịp tim đập nhanh.
1.4 Sự nhiễm trùng
Khi bạn rùng mình, nhưng bạn không cảm thấy lạnh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bắt đầu chống lại sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn. Giống như rùng mình là cách làm cơ thể bạn ấm lên vào một ngày se lạnh thì đây cũng chính là cách làm nóng cơ thể đủ để tiêu diệt vi khuẩn hoặc virus đã xâm nhập.
Rùng mình có thể là dấu hiệu khởi đầu của sốt. Sốt là một cách khác để cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng.
1.5 Nỗi sợ
Đôi khi, hiện tượng rùng mình không liên quan gì đến sức khỏe của bạn hoặc nhiệt độ xung quanh bạn cả. Thay vào đó, sự tăng đột biến ở mức độ adrenaline có thể khiến bạn rùng mình. Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, bạn bắt đầu cảm thấy run rẩy, đó là phản ứng đối với sự gia tăng nhanh chóng của adrenaline trong máu của bạn.
2. Hiện tượng rùng mình ở trẻ em
Trẻ nhỏ không run khi lạnh vì chúng có phản ứng điều chỉnh nhiệt độ khác. Trẻ nhỏ làm ấm cơ thể bằng cách đốt cháy chất béo trong một quá trình gọi là sinh nhiệt. Nó tương tự như cách động vật ngủ đông nhằm tồn tại và giữ ấm trong mùa đông.
Nếu bạn thấy em bé rùng mình, đó có thể là dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp. Có thể đơn giản là trẻ bị đói và cần năng lượng.
3. Hiện tượng rùng mình ở người già
Ở người lớn tuổi, có thể có một số nguyên nhân gây rùng mình, bao gồm cả bệnh Parkinson.
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giãn phế quản được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, cũng có thể gây rùng mình.
Khi bạn già đi, bạn cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn khi nhiệt độ giảm. Điều này một phần là do sự mỏng đi của lớp mỡ dưới da và tốc độ lưu thông giảm.
4. Điều trị chứng rùng mình
Rùng mình có thể là một triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nào đó, vì vậy bạn không nên bỏ qua nó. Nếu bạn cảm thấy đặc biệt lạnh và mặc áo len hoặc tăng nhiệt độ trong nhà là đủ để sưởi ấm cơ thể, thì có lẽ bạn không cần phải gặp bác sĩ. Nếu bạn nhận thấy rằng bạn thường xuyên cảm thấy lạnh hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nó có thể là một dấu hiệu bạn nên kiểm tra tuyến giáp của bạn.
Nếu bạn cảm thấy rùng mình đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hoặc cảm cúm, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bản thân. Bạn càng sớm xác định được nguyên nhân khiến bạn rùng mình, việc điều trị sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.Nếu bạn nhận thấy một cơn run ở tay hoặc chân rõ ràng không phải là rùng mình do liên quan đến cảm lạnh, bạn nên cho bác sĩ biết về dấu hiệu này. Kế hoạch điều trị phù hợp cho hiện tượng rùng mình và các triệu chứng khác sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra chúng.
4.1 Môi trường lạnh
Nếu sự run rẩy của bạn là một phản ứng với thời tiết lạnh hoặc da bạn bị ướt, bạn cần lau khô cơ thể và mặc ấm để ngăn ngừa rùng mình. Bạn cũng có thể cần đặt bộ điều nhiệt trong nhà ở nhiệt độ cao hơn nếu tuổi tác hoặc các điều kiện khác khiến bạn nhạy cảm hơn với cái lạnh. Tạo thói quen mang theo áo len hoặc áo khoác khi bạn đi du lịch.
4.2 Sự nhiễm trùng
Thông thường, phương pháp điều trị duy nhất là nghỉ ngơi. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống virus có thể đem lại hiệu quả.
Nếu bạn bị sốt, làm mát cơ thể bằng cách dùng khăn thấm nước ấm để lau cơ thể. Cẩn thận không để nước lạnh lên da, vì nó có thể khiến bạn run hoặc làm cho tình trạng rùng mình của bạn tồi tệ hơn.
Nếu cơ thể bạn bị vi khuẩn tấn công, bạn cần dùng kháng sinh để điều trị. Nếu bạn bị lạnh vì bệnh cảnh nào đó, không nên đắp quá nhiều chăn hoặc mặc quá nhiều lớp quần áo. Bạn cần đo nhiệt độ cơ thể để đảm bảo rằng bạn không bị sốt.
4.3 Lượng đường trong máu thấp
Ăn một bữa ăn nhẹ nhiều carb, chẳng hạn như bánh sandwich bơ đậu phộng hoặc chuối, thường có thể đủ để đưa lượng đường trong máu của bạn trở lại mức bình thường. Nói chung, bạn không nên nhịn ăn trong một thời gian quá dài. Điều này sẽ khiến bạn dễ bị giảm lượng đường trong máu hoặc gặp khó khăn trong việc giữ mức đường trong máu ở mức bình thường.
Nếu thường xuyên bị giảm lượng đường trong máu, bạn nên mang theo một thanh granola hoặc đồ ăn nhẹ để có thể ăn bất cứ lúc nào.
4.4 Sau phẫu thuật
Thông thường, một vài chiếc chăn được quấn quanh bạn sau khi phẫu thuật là đủ để bạn ấm lên và chấm dứt cơn rùng mình. Nếu bạn không thoải mái hoặc lo lắng về sự run rẩy, bạn nên báo cho y tá hoặc bác sĩ của bạn biết.
Khi rùng mình là một phản ứng với cảm giác lạnh, bạn cần sử dụng chiếc chăn hoặc mặc thêm áo có thể cơ thể bạn ấm lên. Một tách trà hoặc cà phê nóng cũng có thể hữu ích.
Nếu bạn bị bệnh, bạn cần nhớ rằng rùng mình có thể là khởi đầu của sốt, vì vậy hãy cẩn thận để không bị quá nóng. Và nếu bạn nhận thấy rằng bạn, con của bạn hoặc cha mẹ già đang gặp hiện tượng rùng mình, nhưng dường như không phải do một trong những nguyên nhân bên ngoài tác động, bạn nên báo cho bác sĩ biết về triệu chứng này. Rùng mình, ớn lạnh có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, vì vậy bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và thăm khám kịp thời nếu cảm thấy bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, livescience.com