Hướng dẫn trực quan về bệnh Parkinson

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS, BS.Tôn Thất Trí Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hiện nay, số người mắc bệnh Parkinson đang tăng lên một cách nhanh chóng. Đây là bệnh thoái hóa thần kinh, chủ yếu liên quan đến người cao tuổi. Một trong những yếu tố khiến tỷ lệ mắc bệnh này càng tăng chính là do sự già hóa dân số.

1. Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là một tình trạng rối loạn não gây mất kiểm soát cơ bắp một cách từ từ. Các triệu chứng của Parkinson có xu hướng nhẹ lúc đầu và dần dần trở nặng, chình vì thế rất nhiều trường hợp không hề biết mình mắc bệnh cho đến khi tình trạng đã trở nên tồi tệ. Các dấu hiệu đặc biệt của bệnh bao gồm run, cứng, cử động cơ thể chậm và cân bằng kém. Parkinson ban đầu được gọi là "bệnh liệt run", nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh Parkinson đều bị run.

2. Tiến triển của bệnh Parkinson

Đối với một số người, các dấu hiệu tiến triển của bệnh Parkinson có thể diễn ra trong hơn 20 năm. Điều trị sớm có thể giúp những người mắc bệnh parkinson duy trì được sức khỏe trong nhiều năm mà không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh. Khoảng 5% đến 10% các trường hợp mắc bệnh parkinson xảy ra trước tuổi 50.


Người già là đối tượng dễ mắc bệnh Parkinson nhất
Người già là đối tượng dễ mắc bệnh Parkinson nhất

3. Dấu hiệu của bệnh Parkinson

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn, bao gồm:

  • Run nhẹ ngón tay, bàn tay, chân hoặc môi
  • Cơ thể trở nên căng cứng hoặc khó di chuyển
  • Khó cân bằng cơ thể
  • Khó khăn khi viết chữ
  • Biểu cảm trên gương mặt giảm đi

Một số triệu chứng thường gặp như:

  • Run rẩy: khoảng 70% những người mắc bệnh Parkinson sẽ xuất hiện triệu chứng này. Nó thường bắt đầu ở một ngón tay hoặc bàn tay khi bàn tay đang nghỉ ngơi, nhưng không bắt đầu khi bàn tay đang cử động. Run sẽ lắc nhịp nhàng, thường là bốn đến sáu nhịp mỗi giây. Run rẩy cũng có thể là một triệu chứng của các tình trạng khác, vì vậy nếu bạn bị run không có nghĩa là bạn mắc bệnh Parkinson.
  • Chậm cử động theo yêu cầu (Bradykinesia): khi già đi, việc di chuyển cũng sẽ trở nên chậm chạp hơn. Nhưng nếu bạn bị Bradykinesia, dấu hiệu của bệnh parkinson, việc di chuyển chậm có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi bạn muốn di chuyển nhưng cơ thể không phản ứng được ngay lập tức hoặc đột ngột dừng lại, thậm chí là đóng băng - cơ thể bất động trong một khoảng thời gian. Tình trạng khó khăn khi di chuyển và biểu cảm trên gương mặt ở những bệnh nhân parkinson có thể là do bradykinesia.
  • Mất cân bằng: Những người mắc bệnh Parkinson có xu hướng phát triển một tư thế khom lưng, với đôi vai rũ xuống và đầu họ hướng về phía trước. Cùng với các vấn đề chuyển động khác, bệnh nhân parkinson có thể có vấn đề với sự cân bằng. Điều này làm tăng nguy cơ bị té ngã.
  • Cứng cơ: Cơ thể trở nên cứng nhắc khi các cơ bị cứng và không thể co giãn, chẳng hạn như cánh tay của người đang đi bộ không thể vung lên. Parkinson có thể khiến bạn bị chuột rút hoặc đau cơ.

Bên cạnh đó, một số ít các trường hợp mắc bệnh parkinson có thể xuất hiện các triệu chứng dưới đây, bao gồm:

  • Ngủ không ngon giấc hoặc mệt mỏi vào ban ngày
  • Giọng nói trở nên nhẹ nhàng, chậm rãi
  • Khó nuốt
  • Vấn đề về trí nhớ, nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ
  • Da dầu và gàu
  • Táo bón

4. Chẩn đoán bệnh Parkinson

Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán Parkinson.

Thông thường các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý này dựa trên việc hỏi tiền sử, quá trình bệnh lý, thăm khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý khác (Mri sọ não, Ctscan sọ não, siêu âm doppler sọ...)

5. Run và bệnh Parkinson

Nếu bạn bị run nhưng không có triệu chứng giống Parkinson khác, chẳng hạn như cơ thể cứng nhắc hoặc di chuyển chậm, bạn có thể bị run lành tính. Chứng run này có tính di truyền cao và phổ biến hơn nhiều so với bệnh Parkinson. Nó thường ảnh hưởng đến cả hai tay như nhau. Không giống như bệnh Parkinson, chứng run rẩy tồi tệ hơn khi tay bạn cử động. Chứng run cơ bản không đáp ứng với thuốc levodopa thường dùng của Parkinson, nhưng có thể được điều trị bằng các thuốc khác.

6. Đối tượng mắc bệnh Parkinson

Độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh parkinson là 62, những người trên 60 tuổi chỉ có từ 2% đến 4% cơ hội mắc bệnh. Đàn ông có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn phụ nữ.

7. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Nguyên nhân gây bệnh parkinson là do sự suy giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamine đảm nhiệm chức năng truyền tín hiệu thần kinh giữa các tế bào, giúp tế bào não quản lý và chỉ huy hoạt động của các cơ. Thiếu hụt dopamine khiến cho người bệnh khó khăn trong vận động, di chuyển.


Bệnh Parkinson khiến não bộ có sự thay đổi theo thời gian
Bệnh Parkinson khiến não bộ có sự thay đổi theo thời gian

8. Điều trị bệnh parkinson

Để điều trị bệnh parkinson, một số loại thuốc sau có tác dụng cải thiện triệu chứng:

  • Levodopa (L-dopa): là một loại thuốc giúp não tạo ra dopamine. Nó được sử dụng từ những năm 1970 và vẫn là thuốc điều trị Parkinson hiệu quả nhất. Nó làm giảm bradykinesia và cứng cơ, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn. Không nên kết hợp Levodopa với chế độ ăn giàu protein. Levodopa thường được kết hợp với carbidopa để ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn, giúp levodopa được hấp thụ đến não tốt hơn. Các tác dụng phụ khác bao gồm buồn ngủ, ảo giác, hoang tưởng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc lâu dài.
  • Nourianz (istradefylline) là một lựa chọn khác khi tác dụng của levodopa bắt đầu mất đi.
  • Thuốc đồng vận Dopamine: có thể được sử dụng để làm chậm các triệu chứng của bệnh parkinson có liên quan đến vận động. Chúng bao gồm Apokyn, Mirapex, Parlodel, miếng dán da Neupro và Requip. Apokyn, một loại thuốc tiêm, có thể được sử dụng khi tác dụng của levodopa bắt đầu biến mất. Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn và nôn, buồn ngủ, ứ nước và rối loạn tâm thần.
  • Một số loại thuốc khác như:
  • Safinamide (Xadago) là một loại thuốc bổ sung có thể được kê đơn khi những người dùng levdopoa và carbidopa có một đột phá về các triệu chứng Parkinson trước đây đã được kiểm soát. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc thêm thuốc này giúp cá nhân trải nghiệm thời gian dài hơn với giảm hoặc không có triệu chứng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là khó ngủ hoặc ngủ, buồn nôn, té ngã và các cử động không tự chủ, không kiểm soát.
  • Comtan và Tasmar có thể cải thiện hiệu quả của levodopa, với tác dụng phụ có thể có là tiêu chảy. Bệnh nhân sử dụng TASmar cần theo dõi thường xuyên chức năng gan. Stalevo là thuốc kết hợp với 3 loại, gồm levodopa, carbidopa và entacapone (thuốc trong Comtan).
  • Azilect, Eldepryl, Emsam và Zelapar có tác dụng làm chậm sự sụt giảm của dopamine, được chỉ định sớm hoặc dùng cùng với levodopa. Không nên được sử dụng cùng với một số thuốc chống trầm cảm.
  • Phẫu thuật:
  • Kích thích não: Các điện cực có thể được cấy vào một trong ba khu vực của não bộ, bao gồm: globus pallidus, đồi thị hoặc nhân dưới đồi thị trong một bán cầu não hoặc cả hai bên. Một máy phát xung được đặt trong lồng ngực, gần xương đòn. Các xung điện kích thích não giúp giảm sự cứng cơ, run và cử động chậm của bệnh nhân. Xung điện không ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Parkinson hoặc tác động đến các triệu chứng khác. Không phải ai cũng có thể kích thích não.
  • Sóng cao tần: Những ca phẫu thuật này sử dụng sóng cao tần để phá hủy một khu vực có kích thước bằng hạt đậu trong globus pallidus hay trong đồi thị. Những khu vực này có liên quan đến chứng run, cứng cơ và cử động chậm, do đó chuyển động thường được cải thiện sau phẫu thuật với ít hiệu ứng đối với levodopa. Nhưng vì những ca phẫu thuật này là không thể nghịch đảo được, chúng đã trở nên ít phổ biến hơn so với kích thích não sâu.

9. Chế độ ăn cho bệnh nhân parkinson

Điều quan trọng đối với bệnh nhân parkinson là có một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ canxi và vitamin D để tăng cường sức mạnh của xương. Mặc dù protein có thể làm giảm đi hiệu ứng của levodopa, nhưng bạn có thể tránh được vấn đề bằng cách uống thuốc khoảng nửa giờ trước bữa ăn. Nếu bạn bị buồn nôn, hãy dùng thuốc với bánh quy giòn hoặc rượu gừng. Ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước giúp bạn ngăn ngừa táo bón.


Người mắc bệnh Parkinson cần duy trì chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dưỡng chất
Người mắc bệnh Parkinson cần duy trì chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dưỡng chất

10. Ngăn ngừa tác động của Parkinson

Các nhà nghiên cứu đang điều tra các chất bổ sung hoặc các chất khác có thể bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tác hại của bệnh Parkinson, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu thêm. Những người uống cà phê và người hút thuốc có thể có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn (mặc dù hút thuốc rõ ràng có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác).

Thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Tập thể dục có thể có tác dụng bảo vệ bằng cách giúp não sử dụng dopamine hiệu quả hơn. Nó cũng giúp cải thiện sự phối hợp, cân bằng. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên tập thể dục đều đặn và cường độ cao nhất có thể, tốt nhất là ba đến bốn lần một tuần. Bạn có thể di chuyển trên máy chạy bộ hoặc đi xe đạp, đây là những hoạt động rất tốt cho những bệnh nhân parkinson. Yoga có thể giúp bạn cân bằng và linh hoạt hơn.

11. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Parkinson

Parkinson ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu được điều trị và thay đổi chế độ sinh hoạt, bạn có thể vẫn hoạt động một cách bình thường. Thuốc có thể giúp bạn đối phó với các rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.

Chăm sóc một người mắc bệnh Parkinson có thể là một thách thức. Khi kỹ năng vận động suy giảm, các nhiệm vụ đơn giản có thể trở nên khó khăn hơn, nhưng bệnh nhân Parkinson có thể đấu tranh để duy trì sự độc lập. Cả thuốc và bệnh đều có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng. Chính vì vậy, những người mắc bệnh parkinson rất cần sự thấu hiểu và đồng cảm để họ có thể vươn lên, chiến đấu với bệnh tật.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe