Chảy máu mũi là hiện tượng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến hơn ở trẻ 2 - 10 tuổi, người 50 - 80 tuổi và phụ nữ mang thai. Tình trạng chảy máu mũi mùa lạnh thường gặp hơn các mùa khác trong năm.
1. Chảy máu mũi là gì?
Chảy máu mũi còn được gọi là chảy máu cam. Đây là hiện tượng thường gặp, xảy ra khi máu chảy ra từ mũi do các mạch máu bên trong mũi bị tổn thương. Thông thường, máu chỉ chảy ra từ một bên mũi và hầu hết mọi người đều từng bị chảy máu cam một lần trong đời. Đa số các trường hợp, máu mũi sẽ ngừng chảy khi áp dụng biện pháp sơ cứu là dùng tay đè lên mũi trong khoảng 5 - 10 phút. Tuy nhiên, một số trường hợp chảy máu mũi nghiêm trọng có thể cần đến sự hỗ trợ của y bác sĩ.
Các triệu chứng của chảy máu cam bao gồm: Chảy máu từ một hoặc 2 bên mũi, máy có thể chảy xuống thành sau của họng, gây ho khạc hoặc nôn ra máu. Khi bị chảy lượng máu mũi nhiều và bị nuốt xuống, người bệnh có thể đi ngoài phân đen.
Tình trạng chảy máu cam mùa đông thường gặp hơn so với các mùa khác trong năm.
2. Tại sao chảy máu mũi mùa lạnh lại phổ biến?
Trong mùa đông, hiện tượng chảy máu mũi thường gặp hơn so với các mùa khác. Nguyên nhân vì mùa đông thường có không khí khô hanh, khiến lớp màng nhầy niêm mạc mũi bị khô đi, dễ bị rách, dẫn tới vỡ mạch máu, gây chảy máu mũi. Khi máu đông lại, vết thương liền sẽ đóng vảy, rồi lại bong ra và tiếp tục chảy máu.
Ngoài ra, trong mùa đông, tình trạng cảm lạnh, viêm xoang hay xảy ra hơn. Bên cạnh đó, các dị nguyên trong nhà như bụi, nấm mốc cũng phát triển mạnh hơn vào mùa lạnh. Các yếu tố này khiến mũi dễ bị viêm, làm giãn nở các mạch máu trong mũi, gây kích thích niêm mạc mũi dẫn tới chảy máu cam. Đặc biệt, thói quen lạm dụng quá mức thuốc chống nghẹt mũi khi bị cảm lạnh sẽ làm khô, kích thích niêm mạc mũi, dẫn tới chảy máu mũi.
3. Biện pháp phòng ngừa, xử trí chảy máu mũi mùa lạnh
Cách xử trí khi bị chảy máu mũi trong mùa đông là: Khi mới bị chảy máu, nên xịt thông mũi. Nếu có thể, người bệnh nên xịt 2 giọt thuốc thông mũi lên một miếng bông, sau đó đặt vào lỗ mũi, ấn vào phần mềm của mũi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thử dùng một viên đá lạnh, áp lên mũi để làm co mạch máu trong mũi, giúp cầm máu nhanh hơn.
Sau khi cầm máu mũi, bệnh nhân cố gắng không xì mũi trong vòng 24 giờ và tránh vận động quá mức tối thiểu 2 giờ để tránh tái phát chảy máu mũi.
Để ngăn ngừa chảy máu mũi bất ngờ trong mùa đông, mỗi người nên chú ý bôi một chút vaseline hoặc kem dưỡng ẩm vào mũi 1 - 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, việc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, thuốc xịt dưỡng ẩm, sử dụng máy tạo độ phẩm phun sương ở gần giường ngủ và tránh cọ xát, xì mũi quá mạnh cũng là các biện pháp giảm nguy cơ chảy máu cam mùa đông.
Người bị chảy máu mũi thường xuyên cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống như sau: Ăn nhiều chất sắt để tạo hemoglobin của hồng cầu; tăng cường thực phẩm giàu vitamin K để giúp làm đông máu nhanh; bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C để tạo collagen cho tổ chức mô cơ thể và ăn thực phẩm giàu kẽm để tăng sự vững bền của mạch máu.
Trong trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng, không thể cầm máu được khi sơ cứu thông thường, thường xuyên chảy máu mũi, đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc bị bệnh hemophilia,... bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng. Việc này giúp bệnh nhân được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chảy máu mũi và có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.