Tai nạn do ong đốt

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thanh Cẩm, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, việc bị ong đốt khá thường gặp cả ở người lớn và trẻ em. các loại ong hay gặp đó là: ong mật, ong vàng, ong vò vẽ, ong nghệ... điểm khác biệt giữa ong mật với các loại ong khác là khi đốt vòi của ong mật bị đứt, đoạn đứt có chứa những túi nọc độc giữ lại trong da của bệnh nhân, trong khi các loại ong khác vòi của chúng có thể rút ra và đốt lại nhiều lần.

1. Nguyên nhân tai nạn do ong đốt

Biến chứng nguy hiểm của ong đốt là có thể gây tử vong do sốc phản vệ.
Riêng ở ong vò vẽ, ong đất, ong mật: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy đa cơ quan.

Nguyên nhân ong đốt bao gồm:

  • Do tai nạn trong lao động, sinh hoạt, khi đi rừng bị ong đốt thường là ong đất, bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng, độc tính cao.
  • Nuôi ong lấy mật hoặc lấy mật ong rừng thường là ong mật.
  • Do trẻ em trêu chọc, ném, phá tổ ong thường là ong vàng hoặc ong vò vẽ.

2. Chẩn đoán tai nạn do ong đốt

2.1. Chẩn đoán xác định

Hỏi bệnh

Đặc điểm ong:

  • Do người nhà mang con ong đến hay mô tả tổ ong và hình dạng con ong.
  • Ong vò vẽ: thân dài, bụng thon, mình vàng có vạch đen, thường làm tổ trên cây và mái nhà.
  • Ong đất: thân dài, to, mình đen, làm tổ dưới đất rừng hoang.
  • Ong mật: thân nhỏ, mình có lông xù, màu đỏ nâu, thường làm tổ trên cây trong rừng, chích xong để kim lại trên người nạn nhân.

Thời điểm ong đốt.

Tiền sử dị ứng.


Hình ảnh loài ong vò vẽ
Hình ảnh loài ong vò vẽ

2.2 Triệu chứng lâm sàng

Lấy dấu hiệu sinh tồn: nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở. Sốc phản vệ gặp ở tất cả các loại ong, thường xảy ra trong vòng 1-2 giờ đầu. Vì vậy cần theo dõi sát trong 6 giờ đầu để phát hiện và xử trí kịp thời sốc phản vệ.

Tại chỗ:

  • Biểu hiện: đỏ da, đau buốt, ngứa, phù nề, đường kính một vài cm quanh chỗ đốt.
  • Đau chói sau vài phút chuyển thành đau rát bỏng.
  • Nốt ong châm ở giữa hoại tử trắng, xung quanh có viền đỏ, phù nề, tổn thương trên da tồn tại vài ngày đến vài tuần.
  • Nếu bị nhiều nốt đốt có thể gây phù nề toàn bộ chi hoặc thân.
  • Ong đốt vào vùng hầu họng gây phù nề, co thắt thanh quản gây khó thở cấp.
  • Ong đốt vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục màng trước thuỷ tinh thể, viêm mống mắt, áp xe thuỷ tinh thể, thủng nhãn cầu, tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ.
  • Các triệu chứng cục bộ nặng nhất vào 48-72 giờ sau khi bị ong đốt và kéo dài hàng tuần.
  • Tiêu cơ vân xuất hiện sau 24-48 giờ có thể dẫn đến vô niệu do tắc ống thận.
  • Nọc ong châm thẳng vào mạch máu có thể gây lên các triệu chứng nhanh hơn, nặng hơn.

Triệu chứng toàn thân:

  • Sẩn ngứa, mề đay, cảm giác nóng ran trong vòng vài giờ sau đốt.
  • Xảy ra khi bị nhiều nốt đốt. Các triệu chứng toàn thân có thể biểu hiện ngay lập tức (rất khó phân biệt giữa sốc do độc tố của nọc ong với phản vệ) hoặc sau vài ngày, bao gồm phù lan rộng, cảm giác bỏng da, vã mồ hôi, viêm kết mạc.
  • Tiêu hóa: Biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Có thể gặp hoại tử tế bào gan ở những người bệnh tử vong.

Người bị ong đốt có thể xuất hiện tình trạng đau bụng và buồn nôn
Người bị ong đốt có thể xuất hiện tình trạng đau bụng và buồn nôn

  • Tim mạch: giai đoạn đầu mạch nhanh, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim sau tụt huyết áp, sốc.
  • Thần kinh: yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, hôn mê và co giật.
  • Huyết học: tan máu, tiểu ra máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết nhiều nơi. Lưu ý xuất huyết phổi hoặc não. Có thể có rối loạn đông máu dạng đông máu lan tỏa trong lòng mạch.
  • Thận: tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, chuyển từ màu hồng sang đỏ sẫm hoặc nâu đỏ rồi vô niệu nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời. Suy thận cấp thể vô niệu có thể tiến triển do hoại tử ống thận thứ phát từ tiêu cơ vân, tan máu và từ thiếu máu thận; cũng có thể có sự góp phần của cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên, các amin giao cảm trong thành phần nọc ong gây co mạch, giảm tưới máu thận, hoại tử ống thận cùng với sự bít tắc của ống thận do myoglobin và hemoglobin đóng vai trò chính và đây là cơ sở cho biện pháp điều trị bài niệu tích cực trong điều trị ong đốt.
  • Triệu chứng phản vệ: thường xảy ra sau khi bị ong đốt vài phút đến vài giờ và tử vong thường xảy ra trong giờ đầu. Sốc phản vệ chiếm từ 0,3-3% thậm chí 8% các trường hợp ong đốt.

Biểu hiện:

  • Da: đỏ da toàn thân, phù mạch, nổi mày đay, ngứa.
  • Hô hấp: phù lưỡi, co thắt phế quản, tăng tiết dịch phế quản, co thắt thanh quản gây khó thở thanh quản.Trường hợp nặng có thể gặp xuất huyết phổi.
  • Tim mạch: nhịp nhanh, tụt huyết áp, ngất, điện tim thay đổi ST và T.
  • Tiêu hóa: đầy bụng, đau quặn bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.

Phản ứng chậm:

  • Xuất hiện nhiều ngày sau khi bị ong đốt (8-15 ngày).
  • Kiểu type III và IV của Gell và Coombs.
  • Phản ứng kiểu bệnh huyết thanh kèm theo sốt, mề đay, đau khớp.
  • Phản ứng thần kinh kiểu Guillain Barré, hội chứng ngoại tháp, hội chứng màng não, bệnh não cấp.
  • Biểu hiện thận: thận nhiễm mỡ, viêm cầu thận.

2.3 Xét nghiệm đánh giá mức độ nặng và theo dõi diễn biến:

  • Công thức máu
  • Sinh hoá: Ure, creatinin, điện giải đồ, đường, CK tăng, CK-MB, AST, ALT, bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp, sắt huyết thanh, hồng cầu lưới, coombs trực tiếp, gián tiếp.
  • Tổng phân tích nước tiểu, myoglobin niệu, hemoglobin niệu.
  • Đông máu cơ bản. Khi có tổn thương gan và rối loạn đông máu cần làm đông toàn bộ ít nhất 1 lần/ngày.
  • Điện tim.
  • X-Quang tim phổi.

Người bệnh có thể được lấy máu ngoại vi làm xét nghiệm đánh giá mức độ nặng
Người bệnh có thể được lấy máu ngoại vi làm xét nghiệm đánh giá mức độ nặng

2.3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với vết đốt do các loại côn trùng khác.

3. Điều trị

Nguyên tắc điều trị:Điều trị cấp cứu.Điều trị triệu chứng, biến chứng.Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

  • Tại vết đốt: chườm lạnh, giảm đau bằng kem kháng Histamin (kem Phenergan,...) 2-3lần/ngày.
  • Giảm phù nề.
  • Nếu bị sốc phản vệ điều trị theo phác đồ xử trí sốc phản vệ.
  • Điều chỉnh rối loạn điện giải, đặc biệt chú ý tăng kali máu.
  • Kiềm hóa nước tiểu khi có nước tiểu màu xá xị hoặc Myoglobin/Hemoglobin (+) trong nước tiểu.

Phòng suy thận cấp: Hạn chế dịch, điều trị rối loạn điện giải:

  • Nhẹ: Cho uống nhiều nước, 2000-3000ml nước/24 giờ.
  • Nặng: có tụt huyết áp, hoặc bị > 10 nốt đốt: Tăng cường thải độc bằng phương pháp bài niệu tích cực (xem bài chẩn đoán và xử trí chung với ngộ độc cấp).

Lọc máu: khi có một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Suy thận cấp kèm sốc hoặc ARDS hoặc tổn thương gan (men gan > 1000đv/L) hoặc rối loạn tri giác (glasgow < 11).
  • Ở trẻ em khi số vết đốt/cân nặng > 2
  • Sốc + ARDS
  • Sốc + tổn thương gan
  • Sốc + rối loạn tri giác
  • ARDS + tổn thương gan
  • ARDS + rối loạn tri giác
  • Tổn thương gan + rối loạn tri giác
  • Tăng Kali máu > 6mmol/L kèm suy thận cấp hoặc sốc hoặc ARDS hoặc tổn thương gan (men gan > 1000đv/L) hoặc rối loạn tri giác (glasgow < 11).

Rối loạn đông máu, thiếu máu, giảm tiểu cầu: truyền huyết tương tươi đông lạnh, hồng cầu khối, tiểu cầu, theo tình trạng người bệnh.

Suy hô hấp: do phù phổi cấp, chảy máu phổi: thở ôxy liều cao, thở máy không xâm nhập CPAP+PS, hoặc đặt nội khí quản, thở máy có PEEP.

Tiêm phòng uốn ván nếu vùng ong đốt bị nhiễm bẩn (SAT 2000 đv tiêm dưới da).

Lấy ngòi ong ra khỏi da bệnh nhân

Dị ứng nhẹ (mày đay): uống hoặc tiêm kháng Histamin, Corticoid.

4. Theo dõi

  • Dấu hiệu sinh tồn, lượng nước tiểu, màu sắc nước tiểu.
  • Lượng nước xuất nhập, cân nặng mỗi ngày khi biểu hiện thiểu niệu.
  • Điện giải đồ, TPTNT.
  • Trường hợp nặng có biến chứng: theo dõi 1-2 giờ đến khi tình trạng ổn định.
  • Trường hợp không biến chứng: theo dõi mỗi 4-6 giờ trong 24 giờ đầu, nếu tình trạng ổn cho xuất viện.

5. Tiên lượng và biến chứng

Tiên lượng phụ thuộc vào loại ong, số lượng vết đốt, vị trí đốt, được điều trị bài niệu tích cực sớm hay muộn, có bệnh phối hợp hay không.

Biến chứng: suy gan, suy thận cấp thể vô niệu, rối loạn đông máu, tan máu, suy đa tạng gây tử vong.


Vị trí ong đốt và số lượng vết đốt ảnh hưởng đến quá trình điều trị và tiên lượng
Vị trí ong đốt và số lượng vết đốt ảnh hưởng đến quá trình điều trị và tiên lượng

Nhiễm trùng thứ phát sau khi bị đốt (hiếm khi xảy ra) nhưng nếu có thường gặp vào ngày thứ 5 sau ong đốt khi các phản ứng tại chỗ đã giảm đi nhưng thấy xuất hiện sưng, nóng, đỏ, đau tăng lên nhiều, thậm chí có thể sốt, cần cho kháng sinh.

6. Dự phòng

  • Với những người có cơ địa dị ứng, nhất là đã có tiền sử dị ứng với ong nên chuẩn bị sẵn bơm tiêm nạp sẵn có Adreanalin (EpiPen chứa: 0.3 mg, EpiPen Jr. chứa 0.15mg) để tiêm dưới da nếu bị ong đốt.
  • Khi vào rừng không nên xịt nước hoa, trang điểm và mặc quần áo sặc sỡ hoặc quần áo in hình những bông hoa vì sẽ hấp dẫn ong.
  • Khi đi dã ngoại thì lưu ý những đồ ăn, nước uống ngọt cũng lôi kéo ong đến.
  • Không đi chân không vào rừng vì có thể dẫm phải tổ ong.
  • Không chọc phá tổ ong.
  • Khi trong nhà hoặc ngoài vườn có tổ ong thì bạn nên nhờ chuyên gia để dỡ bỏ tổ ong.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe