Tài liệu giáo dục sức khoẻ PCOS

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh này đặc trưng bởi sự mất cân bằng hormone, làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Theo quan điểm y khoa, PCOS không chỉ là một vấn đề về sinh sản mà còn liên quan đến sức khỏe của nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Giới thiệu hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang được coi là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa thường gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 8-13% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nguồn: ESHRE - Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018). Tình trạng này có thể ảnh hưởng xuyên suốt các giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ, từ khi bắt đầu dậy thì đến khi bước vào thời kỳ mãn kinh.  

Hội chứng buồng trứng đa nang được coi là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa thường gặp.
Hội chứng buồng trứng đa nang được coi là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa thường gặp.

Triệu chứng đa nang buồng trứng rất đa dạng, có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, khiến việc phát hiện và can thiệp đôi khi bị trì hoãn, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng lâu dài như thừa cân, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.

Câu hỏi tại sao bị đa nang buồng trứng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa hội chứng buồng trứng đa nang với các yếu tố nguy cơ sau:

  • Kháng insulin: Sự đề kháng insulin dẫn đến tăng tiết insulin, gây rối loạn chuyển hóa glucose và lipid, kích thích sản xuất androgen ở buồng trứng và thượng thận, từ đó gây ra các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh.  
  • Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã xác định được các gen liên quan đến buồng trứng đa nang, cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát bệnh. Tiền sử gia đình mắc bệnh là một yếu tố nguy cơ đáng kể.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn giàu carbohydrate và tinh bột góp phần làm tăng cân, gây thừa cân, béo phì, đây cũng được xem là một trong những yếu tố gây ra hội chứng này.

2. Dấu hiệu, triệu chứng của buồng trứng đa nang

Những người mắc buồng trứng đa nang thường có các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, với sự khác biệt rõ rệt giữa các cá nhân, chủng tộc và địa phương. Thêm vào đó, ở mỗi cá thể, triệu chứng bệnh có thể thay đổi theo từng thời điểm trong cuộc sống. 

Một trong những triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân đa nang buồng trứng là dấu gai đen quanh cổ.
Một trong những triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân đa nang buồng trứng là dấu gai đen quanh cổ.

Những triệu chứng chính:

  • Vô sinh do trứng không rụng.
  • Kinh nguyệt bất thường: Có thể là kinh thưa, kinh không đều, hoặc vô kinh.
  • Thừa cân, béo phì: Thường tích mỡ ở vùng bụng, tỉ lệ eo/hông trên 0.85 hoặc vòng bụng lớn hơn 80cm (theo Tổ chức Y tế Thế giới, 2008).
  • Rậm lông: Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường có lông mọc rậm ở mặt, ngực, bụng, lưng, ngón tay và chân. Ngược lại, không ít người bị rụng tóc nhiều, tóc yếu dần, khiến mái tóc trở nên mỏng thưa, dẫn đến tình trạng hói. Cả hai tình trạng này đều bắt nguồn từ việc nội tiết tố nam trong cơ thể tăng cao.
  • Da dầu và mụn trứng cá: Sự gia tăng nồng độ hormone nam làm tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, dẫn đến da tiết nhiều dầu và gây ra mụn ở các vùng như mặt, lưng, hoặc ngực.
  • Tóc rụng nhiều, hói đầu, xuất hiện dấu gai đen ở các vùng như cổ, gáy, cánh tay, ngực, đùi, và có các vạt da thừa tại vùng nách hoặc cổ.
  • Căng thẳng, trầm cảm: Phụ nữ mắc hội chứng này dễ rơi vào trạng thái lo âu kéo dài do rối loạn kinh nguyệt, thừa cân, béo phì, nổi mụn trứng cá... Nếu không được cải thiện, tình trạng này có thể dẫn đến trầm cảm.
  • Hình ảnh siêu âm buồng trứng qua đường âm đạo cho thấy hai buồng trứng lớn, chứa nhiều nang, với hơn 20 nang trên mỗi buồng trứng và/hoặc thể tích mỗi buồng trứng từ 10ml trở lên. 
Dấu hiệu hội chứng buồng trứng đa nang là thừa cân, béo phì.
Dấu hiệu hội chứng buồng trứng đa nang là thừa cân, béo phì.

Hội chứng buồng trứng đa nang được xác định khi bệnh nhân đáp ứng 2 trong số 3 tiêu chí dưới đây:

  • Chu kỳ kinh không đều, kinh thưa hoặc vô kinh do bất thường trong quá trình phóng noãn hoặc không phóng noãn.
  • Cường androgen (nội tiết tố nam), biểu hiện qua các triệu chứng lâm sàng (mụn trứng cá, mọc lông nhiều, hói đầu, thừa cân...) hoặc được xác nhận qua xét nghiệm.
  • Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm
Người mắc buồng trứng đa nang khi đáp ứng từ 2 - 3 tiêu chí, trong đó có hói đầu.
Người mắc buồng trứng đa nang khi đáp ứng từ 2 - 3 tiêu chí, trong đó có hói đầu.

3. Buồng trứng đa nang và tuổi vị thành niên

Theo Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu (ESHRE) năm 2018, khoảng 6-18% trẻ vị thành niên mắc buồng trứng đa nang.

Các biểu hiện buồng trứng đa nang có thể tương tự với các thay đổi sinh lý bình thường trong giai đoạn dậy thì, dẫn đến nguy cơ chẩn đoán không chính xác và điều trị muộn.

Hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì thường được biểu hiện qua các triệu chứng: kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh kéo dài bất thường, hoặc không có kinh (vô kinh nguyên phát sau 15 tuổi hoặc sau khi ngực phát triển 3 năm). Ngoài ra, các biểu hiện khác bao gồm mụn trứng cá nặng, rậm lông, thừa cân, béo phì hoặc xét nghiệm cho thấy nồng độ nội tiết tố nam trong máu cao. 

Biểu hiện của buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì là rậm lông.
Biểu hiện của buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì là rậm lông.

Tuy nhiên, kết quả siêu âm buồng trứng dù cho thấy nhiều nang nhưng vẫn không đủ cơ sở để chẩn đoán buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì.

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao mắc đa nang buồng trứng nhưng chưa đáp ứng đủ tiêu chí chẩn đoán cần được tái đánh giá sau 8 năm từ thời điểm dậy thì.

Việc phát hiện và điều trị buồng trứng đa nang ở thanh thiếu niên kịp thời có thể giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa, đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch, đồng thời mang lại lợi ích về sức khỏe lâu dài.

4. Buồng trứng đa nang và sức khỏe sinh sản

Buồng trứng đa nang có thể tác động đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều, làm cho việc thụ thai trở nên khó khăn và giảm khả năng mang thai tự nhiên. 

Đa nang buồng trứng có thể xảy ra do rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở chị em.
Đa nang buồng trứng có thể xảy ra do rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở chị em.

Khoảng 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp vấn đề về rối loạn phóng noãn hoặc không phóng noãn, khiến nguy cơ hiếm muộn tăng 15 lần so với phụ nữ không mắc hội chứng này (Louwers et al., 2020). 

Hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn, gây khó thụ thai và giảm khả năng mang thai tự nhiên.
Hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn, gây khó thụ thai và giảm khả năng mang thai tự nhiên.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang, do đó người thân cần lưu ý.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang, do đó người thân cần lưu ý.

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, và các biến chứng nguy hiểm khác trong thai kỳ cho cả mẹ và thai nhi.

Tiểu đường thai kỳ là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Việc phát hiện sớm và điều trị buồng trứng đa nang đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn gấp 3-5 lần so với các thai phụ bình thường (ESHRE - Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang trước khi mang thai, thai phụ cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ vào tuần thai 24-28 để xác định liệu bản thân có bị tiểu đường thai kỳ hay không, từ đó xây dựng kế hoạch theo dõi thai kỳ thích hợp.

6. Buồng trứng đa nang và mãn kinh

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể tiếp tục xuất hiện ngay cả khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Các dấu hiệu của hội chứng này vẫn tồn tại cùng lúc với các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi mãn kinh, bác sĩ cần xem xét các yếu tố như tiền sử đã từng chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử rối loạn kinh nguyệt, hình ảnh buồng trứng đa nang qua siêu âm và các biểu hiện của cường androgen.

Tiền mãn kinh thường xuất hiện vào cuối độ tuổi 40 hoặc đầu 50. Tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ là 51. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang thường trải qua giai đoạn mãn kinh muộn hơn, chậm khoảng 2 năm so với phụ nữ có buồng trứng bình thường (theo ESHRE - Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

Ở giai đoạn này, hội chứng buồng trứng đa nang có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn dung nạp đường huyết, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch và đột quỵ. Việc tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên tập luyện thể thao và kiểm soát cân nặng là những biện pháp hiệu quả để giảm thiểu các rủi ro trên.

Nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang cao hơn từ 2 đến 6 lần so với những người bình thường. Đặc biệt, nguy cơ này tăng lên ở những người thừa cân, béo phì, hoặc đang trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.  

Vì thế, phụ nữ mắc buồng trứng đa nang cần khám phụ khoa định kỳ từ 6 đến 12 tháng để phát hiện sớm các bất thường, bao gồm các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và ung thư niêm mạc tử cung (ESHRE - Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu, 2018).

7. Quản lý và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Phương pháp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang phụ thuộc vào các triệu chứng chính mà bệnh nhân gặp phải và nhu cầu có con của họ.

7.1 Nhóm người bệnh không mong muốn có thai

Nhóm bệnh nhân này thường gặp phải các vấn đề sức khỏe chủ yếu như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh, cường androgen (dấu hiệu như mọc lông quá mức, béo phì, mụn trứng cá, hói đầu) và hội chứng chuyển hóa (bao gồm tiểu đường, tăng mỡ máu). 

Người mắc đa nang buồng trứng thường bị mụn trứng cá.
Người mắc đa nang buồng trứng thường bị mụn trứng cá.

7.1.1 Điều trị rối loạn kinh nguyệt

Để điều trị rối loạn kinh nguyệt cho bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang, chị em có thể sử dụng progestogen hoặc thuốc uống tránh thai hàng ngày kết hợp chứa ethinyl estradiol cùng với các loại progestogen có tác dụng kháng androgen (như cyproterone hoặc drospirenone). Phương pháp này giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.

7.1.2 Thay đổi lối sống

Thay đổi chế độ ăn: Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang nên tuân thủ chế độ ăn lành mạnh suốt đời, dù vậy, không tồn tại một chế độ ăn riêng biệt cho tình trạng này.

Phụ nữ thừa cân có thể đạt được mục tiêu giảm cân bằng cách áp dụng chế độ ăn ít năng lượng hơn khoảng 30% hoặc giảm từ 500 đến 750 Kcal mỗi ngày (tương đương 1200 – 1500 Kcal/ngày), đồng thời cần xem xét các yếu tố như nhu cầu năng lượng cá nhân, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất.

Một chế độ dinh dưỡng cân đối (giảm thiểu thức ăn chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều đường, đồng thời ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và thịt nạc) kết hợp với việc luyện tập thể dục đều đặn sẽ hỗ trợ điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, kiểm soát mức đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin và giúp cân bằng hormone. 

Một chế độ dinh dưỡng cân đối, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và thịt nạc, sẽ hỗ trợ cân bằng hormone.
Một chế độ dinh dưỡng cân đối, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và thịt nạc, sẽ hỗ trợ cân bằng hormone.

Giảm 10% cân nặng có thể hỗ trợ phục hồi chu kỳ kinh nguyệt và giúp chu kỳ kinh trở nên ổn định hơn.

Luyện tập thể dục: Chế độ tập luyện thể thao dành cho phụ nữ mắc buồng trứng đa nang:

  • Người trưởng thành từ 18 đến 64 tuổi cần dành ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động cường độ mạnh hoặc phối hợp cả hai, cùng với các bài tập giúp phát triển sức mạnh cơ bắp trong 2 ngày không liên tiếp.
  • Mỗi ngày, thiếu niên cần dành ít nhất 60 phút để luyện tập thể dục với cường độ từ vừa đến nặng, đồng thời thực hiện các bài tập nâng cao sức cơ và xương 3 lần mỗi tuần.

Nếu mục tiêu là giảm cân vừa phải, nhằm tránh tăng cân trở lại và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, mọi người có thể tham khảo các lời khuyên sau:

  • Mỗi tuần, chị em cần dành ít nhất 250 phút cho các hoạt động với cường độ vừa phải, 150 phút cho các hoạt động cường độ cao, hoặc kết hợp cả hai. Đồng thời, chị em cần thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ chính ít nhất hai ngày không liên tục trong mỗi tuần.
  • Hạn chế thời gian ngồi yên, thụ động hoặc nhìn vào màn hình. 
Để hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên tập thể thao thường xuyên.
Để hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên tập thể thao thường xuyên.

Các hoạt động thể chất bao gồm:

  • Vận động trong thời gian rảnh rỗi.
  • Các hình thức di chuyển như đi bộ hoặc đạp xe.
  • Công việc lao động tay chân, các công việc gia đình.
  • Các trò chơi, môn thể thao hoặc những buổi tập thể dục được thiết kế để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động gia đình, cộng đồng.
  • Việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày là lý tưởng, tương đương với việc thực hiện các công việc hàng ngày kết hợp với 30 phút tập thể dục hoặc khoảng 3.000 bước đi.

Để đạt được mục tiêu, chị em có thể bắt đầu bằng 10 phút vận động mạnh, rồi mỗi tuần tăng cường thêm 5% các hoạt động thể chất cho đến khi vượt qua mức khuyến nghị.

Những công cụ tự theo dõi, bao gồm thiết bị ghi lại các hoạt động thể chất, công nghệ đếm bước và đánh giá mức độ vận động, có thể được sử dụng như phương tiện hỗ trợ để khuyến khích lối sống lành mạnh.

7.2 Nhóm người bệnh mong muốn có thai

Với những bệnh nhân muốn có thai, việc điều trị chủ yếu tập trung vào kích thích phóng noãn. Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động và giảm 5-10% trọng lượng trong khoảng 6 tháng, điều này có thể giúp khôi phục chu kỳ kinh nguyệt và khả năng phóng noãn tự nhiên. 

Với nhóm chị em mong muốn có thai, việc điều trị tập trung vào kích thích phóng noãn.
Với nhóm chị em mong muốn có thai, việc điều trị tập trung vào kích thích phóng noãn.

Trong trường hợp hiếm muộn và muốn có con, chị em có thể sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng, bao gồm thuốc uống và tiêm như Metformin, Clomiphen citrate, letrozole, gonadotropin, để tăng cơ hội thụ thai.

Khi thuốc kích thích phóng noãn không mang lại hiệu quả, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc nuôi trứng non (IVM) sẽ được xem là phương án thay thế. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe