Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Buồng trứng là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản nữ giới. Chúng sản xuất các hormon, như estrogen và progesterone là hai hormone quan trọng tạo nên chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ và phóng thích trứng cho quá trình thụ tinh. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đau tại buồng trứng, có thể do các u cơ năng lành tính đến các khối u có nguy cơ ác tính cao. Dưới đây là 5 nguyên nhân thường gặp gây đau ở buồng trứng.
1. Đau ở buồng trứng là như thế nào?
Buồng trứng nằm trong tiểu khung nên khi bạn bị đau buồng trứng, cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu. Khi xuất hiện bất kì cơn đau nào ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu, bạn nên được thăm khám bởi các bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân.
Đau buồng trứng có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Đau buồng trứng cấp tính thường khởi phát nhanh (trong vài phút hoặc vài ngày) và biến mất trong một khoảng thời gian ngắn sau đó. Đau buồng trứng mãn tính thường xuất hiện từ từ, có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn.
Đau buồng trứng có thể từng cơn hoặc liên tục. Nó có thể trở nên đau tăng hơn khi vận động như tập thể dục hoặc đi tiểu. Hoặc chỉ đau âm it khiến bạn khó nhận ra và có thể chịu đựng được. Hoặc đau buồng trứng có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Các phương pháp bác sĩ sử dụng để chẩn đoán đau buồng trứng sẽ khác nhau. Phương pháp chẩn đoán sẽ dựa trên nguyên nhân nghi ngờ có thể là gì. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, quá trình khởi phát cơn đau và thăm khám thực thể. Các câu hỏi có thể bao gồm:
- Bạn đang cảm thấy đau ở đâu?
- Khi nào nó bắt đầu?
- Bạn có thường xuyên cảm thấy đau?
- Cơn đau có năng hơn khi bạn vận động?
- Cảm giác đau thế nào?
- Cơn đau có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn?
Các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như siêu âm và các phương pháp chẩn hình ảnh khác, có thể được chỉ định để tìm nguyên nhân gây đau.
2. Nguyên nhân gây đau buồng trứng
2.1 U nang buồng trứng
2.1.1. U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là có dạng nang chứa đầy chất lỏng và được hình thành trong buồng trứng. U nang buồng trứng khá phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản. Chúng thường được hình thành trong quá trình rụng trứng. Nguyên nhân có thể do nang noãn không phóng thích được trứng hoặc khi nang noãn không bị thoái triển sau khi trứng được giải phóng. U nang buồng trứng thường không gây ra triệu chứng và tự biến mất. Tuy nhiên, nó có thể gây cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói nếu u nang lớn và vỡ ra.
2.1.2. Các triệu chứng khác của u nang buồng trứng:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều;
- Đau khi giao hợp hoặc đi tiêu;
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ;
- Đầy hơi.
2.1.3. Làm thế nào chẩn đoán u nang buồng trứng?
- Khám âm đạo có thể chạm thấy một khối u ở vùng chậu.
- Siêu âm giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí của u nang.
2.1.4. Điều trị u nang buồng trứng
Điều trị mong đợi có nghĩa là theo dõi và không can thiệp đến khối u nang. Hầu hết các u nang buồng trứng sẽ tự biến mất. Nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, đặc biệt là nếu bạn trong độ tuổi sinh sản thì bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị mong đợi. Thay vào đó, bác sĩ có thể kiểm tra định kỳ để xem liệu có bất kỳ biến đổi bất thường của u nang buồng trứng không. Và chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết hoặc có những biến đổi theo chiều hướng xấu.
Nội soi ổ bụng. Đây là một hình thức phẫu thuật sử dụng một camera nhỏ và các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào ổ bụng thông qua các vết rạch nhỏ trên thành bụng để loại bỏ các u nang. Một số khối u nang có kích thước lớn và một số trường hợp nghi ngờ ung thư hóa cần phải mổ hở để loại bỏ khối u và làm giải phẫu bệnh
Thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai ngăn ngừa rụng trứng và làm giảm sự hình thành các u nang mới.
2.2 Khối u buồng trứng
Các khối u có thể hình thành trong buồng trứng có thể là lành tính hoặc ác tính (ung thư).
2.2.1. Các triệu chứng khác của khối u buồng trứng
- Đầy hơi hoặc áp lực trong bụng;
- Kích thích đi tiểu;
- Khó tiêu;
- Tiêu chảy hoặc táo bón;
- Mất cảm giác ngon miệng / cảm giác no;
- Sụt cân.
2.2.2. Làm thế nào để chẩn đoán khối u buồng trứng?
Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT). Đây là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu cho phép thu nhận hình ảnh chi tiết giúp bác sĩ có phát hiện và đánh giá nguy cơ ác tính của khối u buồng trứng.
CA-125. Đây là xét nghiệm máu để tìm kiếm một loại protein có xu hướng cao hơn ở một số ung thư buồng trứng, tuy nhiên không phải tất cả các ung thư buồng trứng đề tăng CA-125 và ngược lại CA-125 tăng không có nghĩa bị ung thư buồng trứng. CA-125 không hiệu quả và không được xem như một xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng nhưng nó có thể sử dụng để đánh giá và theo dõi điều trị ung thư buồng trứng.
2.2.3. Điều trị khối u buồng trứng
- Phẫu thuật mở bụng
Đây là phẫu thuật được thực hiện thông qua một vết mổ hở để vào bụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt và bảo tồn các mô lành xung quanh. Việc loại bỏ các mô khối u như vậy được gọi là phẫu thuật debulking. Nếu khối u là ung thư và đã lan rộng, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, mạc nối lớn và các hạch bạch huyết gần đó. Nội soi và phẫu thuật robot cũng có thể được sử dụng.
- Hóa trị
Hóa trị bao gồm các loại thuốc được truyền qua tĩnh mạch (IV), qua đường uống hoặc trực tiếp vào vị trí tổn thương. Thuốc có tác dụng diệt tế cả tế bào ung thư lần các tế bào bình thường vì vậy có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn, rụng tóc, tổn thương thận và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những tác dụng phụ sẽ biến mất sau khi ngừng điều trị.
- Xạ trị
Phương pháp điều trị này sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt hoặc thu nhỏ tế bào ung thư. Bức xạ được truyền từ bên ngoài cơ thể, hoặc được đặt bên trong cơ thể gần vị trí của khối u. Điều trị này cũng có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm viêm da, buồn nôn, tiêu chảy và mệt mỏi. Trong ung thư buồng trứng, xạ trị ít được sử dụng
2.3 Đau buồng trứng do lạc nội mạc tử cung
Hàng tháng, niêm mạc tử được tái tạo để chuẩn bị cho phôi sau khi thụ tinh làm tổ. Tuy nhiên, khi trứng không được thụ tinh, lớp nội mạc đó sẽ bong ra và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua kinh nguyệt. Ở một số phụ nữ, các mô như niêm mạc tử cung có thể lạc chỗ và phát triển ở những nơi khác trong cơ thể gây nên bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
Các mô này chịu tác động của các hormon nội tiết của chu kỳ kinh nguyệt vì vậy chúng có thể sưng lên và chảy máu mỗi tháng. Tuy nhiên, vì chúng không có chỗ nào để loại bỏ khỏi cơ thể nên có thể hình thành mô sẹo, gây nên tình trạng đau nghiêm trọng.
2.3.1. Các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung
- Đau có tính chu kỳ;
- Đau khi giao hợp;
- Cường kinh;
- Vô sinh;
- Rối loạn tiêu hóa.
2.3.2. Làm thế nào được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung
- Bệnh sử và thăm khám thực thể;
- Siêu âm và MRI. Kết quả chẩn đoán hình ảnh thể giúp bác sĩ phát hiện lạc nội mạc tử cung một cách dễ dàng nếu có u lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng;
- Nội soi ổ bụng. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi trong một số trưởng hợp để có thể loại bỏ u lạc nội mạc hoặc sinh thiết để làm giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán xác định.
2.3.3. Điều trị lạc nội mạc tử cung
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như ibuprofen (Advil, Motrin) có thể giúp giảm một số khó chịu của lạc nội mạc tử cung.
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai giúp ngăn ngừa sự tái tạo nội mạc tử cung theo chu kỳ của mô nội mạc tử cung trên buồng trứng và các bị trí khác của lạc nội mạc tử cung, có thể ở bụng và vùng chậu. Điều này làm giảm lượng máu kinh và làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung.
- Thuốc đồng vận Gonadotropin-releasing hormone (chất đồng vận GnRH): Những loại thuốc ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên, làm giảm lượng hormone estrogen trong cơ thể. Bằng cách làm chậm sự phát triển của lạc nội mạc tử cung, thuốc có thể giúp hạn chế các triệu chứng ở bệnh nhân.
- Phẫu thuật mở bụng và phẫu thuật nội soi: Đây là những phương pháp phẫu thuật cho phép bác sĩ loại bỏ lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng và những nơi khác. Nếu lạc nội mạc tử cung phát triển lan rộng, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ tử cung. Phẫu thuật này loại bỏ tử cung và đôi khi cả buồng trứng và ống dẫn trứng.
2.4 Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh lý nhiễm trùng ở buồng trứng, tử cung hoặc ống dẫn trứng. Nguyên nhân do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc chlamydia. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vùng chậu ở phụ nữ.
2.4.1. Các triệu chứng khác của bệnh viêm vùng chậu
- Đau khi giao hợp;
- Sốt;
- Tiết dịch âm đạo bất thường;
- Kinh nguyệt không đều;
- Tiêu chảy;
- Nôn;
- Mệt mỏi;
- Tiểu khó.
2.4.2. Làm thế nào chẩn đoán viêm vùng chậu?
- Khám phụ khoa: Khám âm đạo sẽ cho phép bác sĩ phát hiện các khối u, dịch tiết bất thường hoặc đau ở vùng chậu.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Những xét nghiệm có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng bằng cách nuôi cấy các dịch tiết âm đạo bất thường, hoặc thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Siêu âm: Siêu âm giúp đánh giá vùng chậu để bác sĩ có thể xem các cấu trúc ở vùng chậu có thay đổi bất thường không, đánh giá liệu khối nhiễm trùng có tạo thành các dạng như một túi nhiễm trùng được gọi là áp xe.
- Nội soi ổ bụng: Trong những trường hợp nặng và khó xác định cần phải nội soi ổ bụng để xác lập chẩn đoán.
2.4.3. Điều trị bệnh viêm phần phụ
Kháng sinh. Những loại thuốc này có thể dụng được uống hoặc tiêm. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh PID. Nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị PID, bạn tình của bạn cũng nên được điều trị. Có nhiều khả năng bạn tình có thể bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.
2.5. Hội chứng tàn dư buồng trứng
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng được gọi là cắt tử cung và cắt bỏ buồng trứng. Phẫu thuật cắt buồng trứng là một phẫu thuật cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng. Trong một số ít trường hợp, một mảnh nhỏ của buồng trứng có thể vô tình bị bỏ lại. Phần còn lại có thể phát triển và phát triển các u nang gây tình trạng đau ở bệnh nhân.
2.5.1. Các triệu chứng khác của hội chứng tàn dư buồng trứng
- Đau khi giao hợp
- Khó tiểu
2.5.2. Hội chứng tàn dư buồng trứng được chẩn đoán như thế nào?
Siêu âm, CT và MRI giúp bác sĩ xác định vị trí còn lại của mô buồng trứng.
2.5.3. Điều trị hội chứng tàn dư buồng trứng
Phẫu thuật mở bụng hoặc nội soi. Các phẫu thuật này được thực hiện để loại bỏ các mảnh còn lại hoặc các mảnh buồng trứng.
Để giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:
- Chảy máu bất thường vùng âm đạo
- Gặp vấn đề về kinh nguyệt: chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều
- Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường)
- Đau, ngứa vùng kín
- Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
- Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com