Tác hại khi uống thuốc ngủ không theo chỉ định

Sử dụng thuốc ngủ một cách tùy tiện không đúng chỉ định đang là một vấn nạn báo động trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch khiến những vấn đề stress hay mất ngủ càng trở nên phổ biến hơn. Việc uống thuốc ngủ quá nhiều hoặc không đúng chỉ định có thể gây nên những tác hại rất nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

1. Tác dụng của thuốc ngủ

Thuốc ngủ có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp người sử dụng nhanh chóng đạt được giấc ngủ mong muốn. Do đó thuốc ngủ thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân căng thẳng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ do áp lực công việc, gia đình hàng ngày.

Thuốc ngủ thường được phân loại dựa vào cấu trúc hóa học gồm:

  • Dẫn xuất của Barbituric: Là nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật và chống động kinh. Thuốc tác dụng trong khoảng 8-12 giờ.
  • Dẫn xuất của Benzodiazepin: Là nhóm thuốc có tác dụng an thần và gây ngủ, có hiệu quả trong vòng 6 giờ kể từ khi tác dụng.

Uống thuốc ngủ quá nhiều có thể gây nên những tác hại rất nguy hiểm
Uống thuốc ngủ quá nhiều có thể gây nên những tác hại rất nguy hiểm

2. Uống thuốc ngủ quá nhiều có sao không?

Các trường hợp lạm dụng, uống thuốc ngủ kéo dài nếu nhẹ thì thường không có triệu chứng gì rõ rệt, nhịp thở vẫn đều đặn và có đáp ứng cơ thể khi bị tác động. Tuy nhiên sau khi thức giấc thường hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Các trường hợp nặng thì có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như:

  • Hôn mê sâu;
  • Mạch nhanh, thở chậm và nông, có thể kèm khò khè khó chịu;
  • Nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm và thường xuyên bị ngắt quãng;
  • Đồng tử co, phản xạ ánh sáng chậm;
  • Huyết áp giảm hoặc không đo được;
  • Uống quá liều còn có thể gây co giật, hôn mê triền miên, da xanh tím, thậm chí là tiêu chảy và nôn ra máu;
  • Người uống thuốc ngủ kéo dài lâu dần cũng trở nên “nhờn thuốc” khiến cho thuốc mất khả năng cải thiện giấc ngủ mà vẫn gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ hay thậm chí là tâm thần.

3. Làm thế nào để sử dụng thuốc ngủ đúng cách?

Thực tế, khi phải đi khám vì mất ngủ thì bệnh nhân thường đã rơi vào giai đoạn mãn tính và có tiền sử tự sử dụng thuốc ngủ dài ngày nhưng không hiệu quả. Vì mất ngủ có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như suy nhược thần kinh, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,... nên để đưa ra được chẩn đoán và điều trị chính xác cần phối hợp nhiều phương pháp. Lúc này bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra loại thuốc cũng như liều lượng phù hợp với tình trạng của người bệnh. Nếu bệnh mới phát hiện thì thường ưu tiên sử dụng liệu pháp hành vi và nhận thức hơn là sử dụng thuốc.

Một số khuyến cáo chung trong việc sử dụng thuốc ngủ mà bệnh nhân cần lưu ý bao gồm:

  • Không uống rượu khi đang sử dụng thuốc ngủ vì có thể làm tăng tác dụng phụ dẫn tới liều độc, trường hợp bất khả kháng thì tối đa có thể dùng 2 cốc bia trước khi ngủ 6 giờ;
  • Không ăn quá no vì sự tăng cao của đường máu có thể làm nặng thêm tình trạng khó ngủ;
  • Tránh tối đa các tác động stress bên ngoài;
  • Phối hợp việc điều chỉnh giấc ngủ với sử dụng thuốc ngủ để không rơi vào tình trạng ngủ quá muộn hoặc thức giấc quá sớm;
  • Ưu tiên không gian ngủ thoải mái và thân thuộc để tăng chất lượng cho giấc ngủ.

Tóm lại, uống thuốc ngủ kéo dài có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị mất ngủ phù hợp. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe