Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trầm cảm khi mang thai gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Thai phụ bị trầm cảm nặng sẽ khó có thể tự chăm sóc bản thân, ăn uống không tốt, nghỉ ngơi không đủ, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả như sinh non, thai kém phát triển, sinh con nhẹ cân và nhiều biến chứng sau sinh khác.
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn bã, tức giận nhất thời hoặc cảm giác buồn thảm sau một mất mát. Trầm cảm làm thay đổi suy nghĩ, cảm giác, hành vi và sức khỏe thể chất. Trầm cảm làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều tình huống khác nhau, kể cả khi đang mang thai. Trầm cảm có thể là một phần của một rối loạn khác.
Nguyên nhân gây ra trầm cảm hiện chưa rõ, tuy nhiên chắc chắn trầm cảm là một rối loạn của não bộ tại các khu vực có chức năng kiểm soát cảm xúc, giấc ngủ và suy nghĩ.
2. Tác hại của trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Thai phụ bị trầm cảm nặng sẽ khó có thể tự chăm sóc bản thân, ăn uống không tốt, nghỉ ngơi không đủ, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả như sinh non, thai kém phát triển, sinh con nhẹ cân và nhiều biến chứng sau sinh khác.
3. Khi bị trầm cảm thai phụ sẽ có triệu chứng gì?
Trầm cảm gây ra một tập hợp các triệu chứng về thể chất và cảm xúc. Trong các triệu chứng dưới đây, nếu có từ năm triệu chứng trở lên xuất hiện trong phần lớn thời gian trong ngày, hàng ngày liên tục trong 2 tuần, và bắt buộc phải có triệu chứng buồn/thất vọng hoặc triệu chứng mất hứng thú với mọi hoạt động ưa thích trước đây, thì đã mắc trầm cảm:
- Cảm xúc buồn/thất vọng.
- Mất hứng thú với mọi hoạt động ưa thích trước đây.
- Sụt cân dù không ăn kiêng hoặc tăng cân, ăn kém ngon hoặc ăn thấy ngon hơn.
- Rối loạn giấc ngủ (ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều).
- Đi lại chậm chạp hoặc đi lại quá nhanh so với bình thường.
- Mệt mỏi hoặc cảm giác mất hết sức sống.
- Cảm thấy bản thân vô dụng hoặc tội lỗi.
- Khó tập trung, khó suy nghĩ, khó đưa ra quyết định.
- Có ý nghĩ về cái chết hoặc tự sát.
Trầm cảm có ba mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Nếu bị trầm cảm nhẹ vẫn có thể thực hiện các hoạt động bình thường dù cần nhiều cố gắng hơn. Nếu bị trầm cảm mức độ nặng hơn sẽ mất khả năng thực hiện các hoạt động này.
4. Các yếu tố nguy cơ của trầm cảm
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị trầm cảm:
- Di truyền: trong gia đình có người mắc trầm cảm.
- Thay đổi nội tiết tố: trầm cảm ở phụ nữ có thể có liên quan tới sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau sinh và mãn kinh.
- Căng thẳng: các hoàn cảnh gây ra căng thẳng như chấn thương, chia tay người yêu, đổ vỡ một mối quan hệ, thất nghiệp, bị lạm dụng,... có thể gây khởi phát trầm cảm.
- Các bệnh lý khác: một số rối loạn có thể dẫn tới hoặc xuất hiện cùng trầm cảm, như: rối loạn lo âu, lạm dụng rượu, lạm dụng chất kích thích,...
5. Làm gì khi bị trầm cảm khi mang thai?
Nếu xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm khi mang thai, cần tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để nhanh chóng xác định bệnh, phân biệt xem bệnh nhân bị trầm cảm thực sự hay bệnh nhân mắc các bệnh lý khác có triệu chứng giống với trầm cảm, và có phương pháp điều trị thích hợp.
Trầm cảm có thể được điều trị bằng phương pháp tâm lý, dùng thuốc chống trầm cảm, hoặc cả hai.
Với phương pháp tâm lý, chuyên gia tâm lý sẽ xác định các vấn đề bệnh nhân gặp phải và đưa ra các gợi ý để bệnh nhân thay đổi hành vi nhằm làm giảm các triệu chứng.
Các thuốc chống trầm cảm có tỉ lệ thấp gây dị tật thai nhi khi sử dụng cho thai phụ. Thông thường, thai nhi dễ bị dị tật bẩm sinh liên quan tới thuốc điều trị trong thời gian từ tuần thứ ba tới tuần thứ tám của thai kỳ. Dựa trên tình trạng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra chỉ định phù hợp nhất.
Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn sau:
- Đau đầu.
- Buồn nôn, nôn.
- Khó ngủ, ngủ hay bị thức giấc giữa chừng.
- Cảm giác bồn chồn.
- Mất hứng thú tình dục.
- Khó đạt cực khoái.
Ngoài các chỉ định của bác sĩ, thai phụ không nên tự ý sử dụng bất kì một loại thuốc hay sản phẩm hỗ trợ nào khác, bởi nguy cơ mất an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org