Thuốc Soliqua là sự kết hợp của insulin glargine và lixisenatide. Hiện nay thuốc Soliqua được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng và tập luyện để cải thiện đường máu của bệnh nhân đái tháo đường type 2. Vậy thuốc Soliqua công dụng như thế nào?
1. Thuốc Soliqua có tác dụng gì?
Thuốc Soliqua là thuốc điều trị đái tháo đường type 2 chứa hai thành phần chính là insulin glargine và lixisenatide. Trong đó:
Insulin glargine thuộc nhóm thuốc insulin, tác dụng kéo dài giúp điều hoà chuyển hoá glucose, làm giảm nồng độ glucose trong máu bằng cách kích thích sự hấp thu glucose ở ngoại vi. Đặc biệt là cơ xương và chất béo, ức chế sản xuất glucose ở gan. Ngoài ra, insulin còn ức chế phân giải lipid trong tế bào mỡ, ức chế phân giải protein và tăng cường tổng hợp protein.
Lixisenatide tác động như một chất chủ vận ở thụ thể GLP-1, dẫn tới tăng exocytosis insulin ở tuyến tụy được kích thích bởi các tế bào tiểu đảo beta. Điều này sẽ tạo ra sự giảm glucose trong máu do sự tăng hấp thu glucose của các mô.
Các chống chỉ định của thuốc Soliqua gồm có:
- Bệnh nhân đái tháo đường type 1
- Bệnh nhân nhiễm toan đái tháo đường, viêm dạ dày hoặc có tiền sử viêm tuỵ
- Không nên sử dụng kết hợp với các thuốc khác chứa lixisenatide hoặc một chất chủ vận thụ thể GLP-1 khác
2. Liều sử dụng của thuốc Soliqua
Thuốc Soliqua được sử dụng tiêm dưới da, trong vòng 1 giờ trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Không sử dụng quá 60 đơn vị Soliqua mỗi ngày. Ngừng insulin cơ bản hoặc chất chủ vận thụ thể GLP-1 giống glucagon trước khi sử dụng thuốc Soliqua ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Liều ban đầu:
- Đối với bệnh nhân chưa dùng chất chủ vận thụ thể insulin hoặc GLP-1, bệnh nhân đang dùng ít hơn 30 đơn vị insulin: 15 đơn vị tiêm dưới da mỗi ngày một lần.
- Đối với bệnh nhân đang dùng 30-60 đơn vị insulin cơ bản có hoặc không có chất chủ vận thụ thể GLP-1: 30 đơn vị tiêm dưới da mỗi ngày một lần
- Liều lượng thuốc Soliqua tăng dần từ 2-4 đơn vị/ tuần dựa vào nhu cầu chuyển hoá, kết quả theo dõi đường huyết và mục tiêu đường huyết cho đến khi đạt được đường huyết mong muốn lúc đói.
Liều duy trì: 15-60 đơn vị mỗi ngày
Liều tối đa: insulin glargine 60 đơn vị/ lixisenatide 20 mcg mỗi ngày một lần
Bên cạnh sử dụng thuốc cũng cần thay đổi chế độ hoạt động thể chất, chế độ ăn uống hoặc thời gian ăn, trong thời gian bệnh cấp tính hoặc khi sử dụng với các loại thuốc khác. Lưu ý thuốc Soliqua vẫn là thuốc bổ sung cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2
3. Tác dụng phụ của thuốc Soliqua
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Soliqua, có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Phản ứng dị ứng: nổi mề đay, ngứa, phát ban nghiêm trọng, nhịp tim nhanh, khó nuột, khó thở, tê lưỡi, sưng mặt, môi
- Viêm tuỵ: đau dữ dội ở thượng vị kèm buồn nôn, nôn
- Nhức đầu, đói, đổi mồ hôi, chóng mặt
- Cảm thấy lo lắng và run rẩy
- Các vấn đề về tim: sưng tấy, tăng cân, khó thở
- Kali thấp: chuột rút, táo bón, nhịp tim không đều, khát nước, tiểu nhiều
- Buồn nôn, tiêu chảy
- Triệu chứng cảm lạnh: nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Soliqua
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Soliqua gồm có:
- Thông báo cho bác sĩ nếu từng bị dị ứng với insulin hoặc lixisenatide hoặc đang bị hạ đường huyết.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Soliqua với bệnh nhân có tiền sử viêm tuỵ, sỏi mật, nghiện rượu, suy tim, bệnh gan thận, nồng độ kali trong máu thấp hoặc nhiễm toan đái tháo đường.
- Uống một số loại thuốc tiểu đường đường uống trong khi đang sử dụng insulin có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch
- Lixisenatide có thể khiến cơ thể khó hấp thu các loại thuốc khác đang uống như kháng sinh, acetaminophen, thuốc tránh thai.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Soliqua. Người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để quá trình điều trị bệnh đạt được kết quả tốt nhất.