Thuốc Remicade là thuốc được bào chế dưới dạng bột đông khô pha dung dịch tiêm, dùng với mục đích ức chế miễn dịch, giảm các cơn đau và tổn thương cấu trúc khớp, giảm dấu hiệu vảy nến và điều trị bệnh Crohn ở người lớn và trẻ em. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thuốc Remicade và các lưu ý khi sử dụng thuốc, tác dụng phụ của thuốc.
1. Thuốc Remicade là gì?
Remicade thuộc nhóm thuốc chống ung thư, tác động vào hệ miễn dịch. Thuốc Remicade được bào chế dưới dạng bột đông khô pha dung dịch, dùng theo đường tiêm hoặc truyền. Mỗi lọ bột thuốc Remicade sẽ có hàm lượng hoạt chất Infliximab là 100mg.
Thuốc Remicade được sản xuất bởi công ty Janssen Biologics B.V, Hà Lan, đăng ký và phân phối bởi tập đoàn Merck Sharp & Dohme. Tại thị trường Việt Nam thì thuốc Remicade lưu hành với số đăng ký là VN1-687-12
2. Công dụng chính của thuốc Remicade
Thuốc Remicade có hoạt chất chính là Infliximab, đây là một kháng thể đơn dòng với ADN được ghép từ người và chuột (còn gọi là chimeric human-murine monoclonal antibody). Infliximab là một kháng thể có ái lực gắn với dạng hòa tan và xuyên màng của yếu tố alpha hoại tử u (TNF alpha), và kháng thể này không gắn với yếu tố beta hoại tử u (TNF beta). Infliximab trong các thí nghiệm sinh học in vitro có tác dụng ức chế khả năng hoạt động của TNF alpha bằng cách tạo phức hợp với các phân tử này ở người, quá trình này cũng diễn ra đồng thời và làm mất tác dụng sinh học của TNF alpha.
TNF alpha là một trong các yếu tố điều hòa các tế bào miễn dịch, bản thân chất này được sản xuất bởi nhiều loại tế bào khác của cơ thể như tế bào Lympho CD4+, tế bào NK, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan và tế bào thần kinh. Vai trò chính của TNF chính là một pyrogen nội sinh có thể gây ra phản ứng sốt, chết tế bào apoptotic, hơn hết là phản ứng viêm.
Với hoạt chất chính là Infliximab, thuốc Remicade được sử dụng để giảm các triệu chứng viêm, thấp khớp và cải thiện chức năng vận động ở các bệnh nhân viêm khớp, viêm cột sống, vẩy nến, bệnh Crohn và viêm loét ruột kết.
3. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Remicade
3.1. Chỉ định dùng thuốc Remicade
- Trong bệnh viêm khớp dạng thấp: Thuốc Remicade được dùng để giảm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, giúp ngăn ngừa tổn thương các cấu trúc khớp như bào mòn và hẹp khe khớp. Dùng để cải thiện chức năng vận động ở những bệnh nhân đã điều trị hoặc chưa điều trị với methotrexate
- Trong bệnh viêm cột sống dính khớp: Thuốc Remicade được dùng để giảm các dấu hiệu triệu chứng bệnh và cải thiện chức năng vận động.
- Trong bệnh vẩy nến: Thuốc Remicade được chỉ định để giảm các triệu chứng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bệnh vẩy nến dạng mảng cần điều trị toàn thân hoặc vẩy nến trung bình.
- Trong bệnh Crohn: Thuốc Remicade được chỉ định giảm dấu hiệu và triệu chứng bệnh, gây cảm ứng quá trình lành niêm mạc ở người lớn, giảm bệnh trên lâm sàng và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị Crohn từng điều trị với corticosteroid.
- Trong bệnh Crohn có biến chứng lỗ dò: Remicade chỉ định để giảm số lượng lỗ dò ra ruột, da, trực tràng, âm đạo, giúp duy trì quá trình đóng kín đường dò.
- Trong bệnh viêm loét ruột kết: Thuốc Remicade được chỉ định để giảm dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Điều trị với thuốc Remicade giúp bệnh nhân có thể giảm hoặc bỏ ngừng dùng corticosteroid. Thuốc Remicade giúp người bệnh viêm loét ruột kết giảm các đợt nhập viện khi chưa đáp ứng với các điều trị thông thường.
Lưu ý: Thuốc Remicade được chỉ định dùng đường truyền tĩnh mạch với các bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, với bệnh nhân Crohn nhi thì từ độ tuổi 6 tới 17.
3.2. Chống chỉ định dùng thuốc Remicade
- Không dùng thuốc Remicade trong trường hợp người bệnh mẫn cảm với thành phần protein của chuột hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người mắc bệnh suy tim trung bình - nặng (NYHA độ III hoặc IV)
- Bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, hoặc phụ nữ đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ
4. Liều dùng thuốc Remicade
Thuốc Remicade được dùng bằng cách pha bột đông khô với dung dịch, sau đó dùng theo đường truyền tĩnh mạch. Remicade nên được truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân trong vòng 2 tiếng đồng hồ và cần được theo dõi sau khi truyền thuốc xong 1 tiếng để ghi nhận có các tác dụng phụ hay không.
4.2. Liều dùng thuốc Remicade trong từng trường hợp bệnh lý
- Viêm khớp dạng thấp: Truyền tĩnh mạch với liều 3mg/kg trong 2 giờ. Các liều bổ sung là 3mg/kg sẽ được truyền vào tuần thứ 2 và thứ 6 sau khi lần truyền đầu tiên kết thúc. Sau khi tuần thứ 6 truyền dịch, vào tuần thứ 14 và 22 cũng thực hiện truyền liều bổ sung tương tự. Sau 22 tuần thì có thể tăng liều lên 10mg/kg nếu cần, nên dùng kết hợp thêm với methotrexate để tăng hiệu quả điều trị.
- Viêm cột sốt dính khớp: Truyền tĩnh mạch với liều 5 mg/kg trong 2 giờ, sau đó truyền các liều bổ sung với hàm lượng 5 mg/kg vào tuần thứ 2 và tuần thứ 6 sau khi lần truyền đầu tiên kết thúc. Sau tuần thứ 6 thì các liều bổ sung sẽ được truyền cách 6-8 tuần về sau.
- Viêm khớp trong vẩy nến: Truyền tĩnh mạch với liều 5 mg/kg trong 2 giờ, sau đó truyền các liều bổ sung với hàm lượng 5 mg/kg vào tuần thứ 2 và tuần thứ 6 sau khi lần truyền đầu tiên kết thúc. Sau tuần thứ 6 thì các liều bổ sung sẽ được truyền cách 6-8 tuần về sau.
- Bệnh vẩy nến: Truyền tĩnh mạch với liều 5 mg/kg trong 2 giờ, sau đó truyền các liều bổ sung với hàm lượng 5 mg/kg vào tuần thứ 2 và tuần thứ 6 sau khi lần truyền đầu tiên kết thúc. Sau tuần thứ 6 thì các liều bổ sung sẽ được truyền cách 6-8 tuần về sau.
- Bệnh Crohn vừa đến nặng ở người lớn: Để kiểm soát triệu chứng bệnh Crohn nặng ở người lớn một cách lâu dài và ổn định, liều đầu tiên nên khởi đầu truyền tĩnh mạch với liều 5 mg/kg trong 2 giờ vào tuần thứ 0, sau đó tuần thứ 2 và đến tuần thứ 6. Duy trì điều trị bằng liều 5 mg/kg mỗi 8 tuần về sau. Có thể tăng liều đến 10 mg/kg ở những bệnh nhân đáp ứng chưa tốt trong giai đoạn điều trị ban đầu.
- Bệnh Crohn có lỗ dò ở người lớn: Khởi đầu với liều truyền tĩnh mạch 5mg/kg trong 2 giờ. Liều bổ sung với hàm lượng 5mg/kg sẽ được truyền vào tuần thứ 2, thứ 6 kể từ lần đầu tiên truyền dịch. Sau tuần thứ 6, nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt thì nên ngừng thuốc.
4.2. Liều dùng thuốc Remicade trong trường hợp cần tái điều trị
- Tái điều trị trong bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp: Có thể dùng thuốc Remicade sau 16 tuần kể từ lần truyền thuốc cuối cùng. Tuy nhiên, việc này cần có ý kiến và chỉ định từ bác sĩ vì đã có trường hợp gặp phải phản ứng quá mẫn ở bệnh nhân tái điều trị bệnh Crohn bằng infliximab dạng khác sau 2 đến 4 năm không dùng thuốc.
- Tái điều trị trong bệnh viêm loét ruột kết: Dùng thuốc mỗi 8 tuần với liều lượng do bác sĩ chuyên khoa kê đơn, ngoài ra không có thông tin cụ thể khác.
- Tái điều trị trong bệnh viêm cột sống dính khớp: Dùng thuốc mỗi 6-8 tuần/lần.
- Tái điều trị trong viêm khớp do vẩy nến: Dùng thuốc mỗi 8 tuần với liều lượng do bác sĩ chuyên khoa kê đơn, ngoài ra không có thông tin cụ thể khác.
- Tái điều trị trong vẩy nến: Dùng thuốc mỗi 8 tuần với liều lượng do bác sĩ chuyên khoa kê đơn, ngoài ra không có thông tin cụ thể khác.
5. Tác dụng phụ của thuốc Remicade
Các tác dụng phụ của thuốc Remicade là rất đa dạng, trong quá trình sử dụng thuốc Remicade thì nên có bác sĩ chuyên khoa theo dõi và các dụng cụ nhằm xử lý các tác dụng phụ kịp thời
- Phát ban, dị ứng, nổi mày đay
- Tăng tiết mồ hôi, khô da
- Viêm da
- Nấm móng
- Chóng mặt, đau đầu, choáng váng
- Tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, táo bón
- Nhiễm trùng đường hô hấp, khó thở, viêm xoang
- Mệt mỏi toàn thân, nóng bừng, ớn lạnh rét run
- Đau cơ, đau khớp
- Rối loạn các chỉ số liên quan công thức máu (bạch cầu giảm, thiếu máu,..)
- Tăng men gan, chức năng gan bất thường
- Tổn thương gan, vàng da, viêm gan tự miễn
- Viêm mạch máu
- Hoại tử thượng bì
Dù là dấu hiệu nhẹ hay nặng, trong quá trình truyền thuốc Remicade nếu người bệnh cảm thấy bất thường thì nên cần sự can thiệp từ bác sĩ để đảm bảo tính mạng.
6. Lưu ý khi dùng thuốc Remicade
- Thuốc Remicade phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, đồng thời cũng phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Nơi thực hiện truyền Remicade phải có sẵn các dụng cụ cấp cứu và thuốc chống sốc, ống nội khí quản và các dụng cụ cần thiết để ứng phó với các tác dụng phụ mà thuốc này có thể gây ra.
- Nếu bệnh nhân có tiền sử phản ứng với truyền dịch, nên thực hiện truyền Remicade chậm để theo dõi.
- Không dùng thuốc Remicade ở những bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn, mycobacterian, nấm xâm lấn, nhiễm trùng cơ hội, nhiễm trùng mạn tính, tiền sử nhiễm trùng tái phát, nhiễm trùng có biểu hiện lâm sàng nặng.
- Ngưng dùng thuốc Remicade nếu phát hiện người bệnh có triệu chứng giống lupus ban đỏ, có rối loạn thần kinh và vàng da.
Thuốc Remicade thuộc nhóm thuốc tác động vào hệ miễn dịch được chỉ định trong điều trị giảm các phản ứng viêm ở những bệnh lý viêm loét ruột kết, viêm cột sống, bệnh Crohn ở người lớn và trẻ em. Với nhiều tác dụng phụ cũng như việc điều trị thuốc Remicade cần sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc và phải tuân theo các chỉ định từ bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.